Rừng khu bảo tồn Ea Sô tiếp tục bị tàn phá: Liên tục khởi tố các vụ án, lâm tặc vẫn không chùn tay

Cánh rừng quý giá có diện tích hơn 26.000ha ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) tiếp tục bị lâm tặc tàn phá, “xẻ thịt” nặng nề. Nếu UBND tỉnh Đắk Lắk không sớm đưa ra những biện pháp căn cơ, bảo vệ chặt chẽ thì sớm muộn – một trong những “lá phổi xanh” của Tây Nguyên đại ngàn cũng sẽ bị trọc hoá…

Thay nhân sự, rừng vẫn bị “thịt”

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, với mong muốn giảm thiểu nạn phá rừng Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô đến mức thấp nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Đắk Lắk đã quyết định kiện toàn nhân sự chủ chốt ở Ban quản lý (BQL) khu bảo tồn này. Chỉ ít tháng sau, ông Lê Đắc Ý kết thúc vai trò Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô, xuống làm Phó Giám đốc. Ông Lê Minh Tiến được điều động về thay vị trí người tiền nhiệm.

Nhưng khi ông Tiến ngồi chưa “nóng ghế”, cánh rừng quý giá tại Khu BTTN Ea Sô tiếp tục bị lâm tặc tàn phá, “xẻ thịt” với quy mô lớn. Cụ thể, ngày 14.11, nhận được tin báo có vụ phá rừng lớn tại 2 tiểu khu 622 và 618 thuộc Khu BTTN Ea Sô, lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai lực lượng truy bắt. Tuy nhiên, lâm tặc đã chạy thoát, để lại nhiều tang vật. Tại hiện trường, có 79 cây gỗ căm xe, 1 cây gáo vàng, 1 cây bằng lăng bị cắt hạ. Những cây gỗ này đều có đường kính từ 50cm trở lên, nhiều cây gỗ lâm tặc chưa kịp mang đi còn tươi nguyên.

Ngày 22.12, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho hay, đơn vị đã trao đổi với Công an huyện Ea Kar và đề nghị cơ quan chức năng tiến hành khởi tố vụ phá rừng kể trên. Quan điểm của sở là phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe, không khoan nhượng.

Lâm tặc có chùn tay?

Những năm qua, đã không ít lần cơ quan chức năng tiến hành khởi tố các vụ phá rừng ở Khu BTTN Ea Sô, hàng loạt đối tượng vướng vào vòng lao lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh tượng đó, lâm tặc các tỉnh giáp ranh dường như vẫn không biết sợ, liên tục “bào mòn” cánh rừng quý giá này của tỉnh Đắk Lắk. Có lẽ việc “khởi tố, truy nã” đã trở thành “điệp khúc” quen thuộc của lâm tặc.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đến kiểm tra một lán trại canh gác của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Ảnh: Bảo Trung

Ông Kiều Thanh Hà – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk – nhận định: “Việc khởi tố các vụ phá rừng ở Ea Sô vẫn chưa khiến lâm tặc bớt hoành hành ở khu vực này. Lâm tặc phá rừng ở Đắk Lắk nhưng thường vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ. Vì lẽ đó, chúng tôi muốn thời gian tới, cả hệ thống chính trị ở huyện Krông Pa gồm quân đội, công an lẫn kiểm lâm nỗ lực vào cuộc phối hợp truy quét lâm tặc. Có như vậy, việc quản lý, bảo vệ cánh rừng này mới đạt được hiệu quả”.

Trước vấn nạn trên, ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk – cũng cho rằng: Sở đã có rất nhiều văn bản tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh phối hợp với chính quyền các tỉnh giáp ranh Gia Lai, Phú Yên có biện pháp hỗ trợ truy quét lâm tặc. Bởi lẽ, đặc thù địa hình ở Khu BTTN Ea Sô khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Hiện, lực lượng quản lý bảo vệ rừng thì mỏng nhưng áp lực lâm tặc hoành hành lại quá lớn. Quan trọng nhất hiện nay đó là nhà nước phải đầu tư con đường và trạm canh gác ở phía giáp ranh với tỉnh Gia Lai để kiểm lâm thường xuyên canh gác, tuần tra kiểm soát ngày đêm.