Quảng Trị: Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông lí giải gì về gần 2.000ha đất rừng bị lấn chiếm

Theo Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông, tỉnh Quảng Trị, tình trạng xâm lấn diễn ra trong suốt thời gian dài ở các thời điểm trước. Chỉ đến khi tiến hành rà soát, bóc tách mới xác định được diện tích đất rừng bị xâm lấn.

Khu BTTN Đakrông có diện tích hơn 37.600ha nằm trên địa bàn 7 xã của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Đây được xem là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm. Tuy nhiên, trong những năm qua vẫn còn tồn tại tình trạng rừng bị xâm hại.

Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm đất dừng dù đã giảm rõ rệt thế nhưng quà rà soát xác định một diện tích lớn đất rừng bị lấn chiếm. Trong khi đó, nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác thu hồi.

Ban Quản lý Khu BTTN cùng Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Đakrông tổ chức tuyên truyền đến tận thôn, bản. Ảnh: Khu BTTN Đakrông

Qua công tác rà soát 3 loại rừng, Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông đã phối hợp cùng Trung tâm Điều tra quy hoạch và Thiết kế nông lâm tỉnh Quảng Trị tiến hành rà soát, cập nhật hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trong lâm phần Khu BTTN Đakrông và Khu Bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh được giao quản lý, bảo vệ.

Từ đó, xác định tại khu vực giáp ranh của Khu BTTN Đakrông với 7 xã của huyện Đakrông đều xảy ra tình trạng xâm lấn đất rừng với tổng diện tích là trên 2.400ha. Trong đó, diện tích bóc tách trên 400ha, diện tích sẽ thu hồi là gần 2.000ha. Hiện trạng diện tích đất xâm lấn, người dân trồng rừng keo (tràm) và các loại cây nông nghiệp như lúa, ngô, khoai, sắn… Riêng tại xã Ba Lòng, Trại giam Nghĩa An xâm lấn trồng cây cao su với diện tích trên 22ha.

Khu vực bị xâm lấn nhiều nhất là tại khu vực xã Húc Nghì với hơn 1.400ha, xã Tà Long gần 390ha, xã A Bung trên 300ha. Kết quả rà soát hộ gia đình, cá nhân, tổ chức lấn chiếm, Ban Quản lý Khu BTTN xác định được hơn 71% diện tích sẽ thu hồi.

Ông Trương Quang Trung cho biết thêm, đối với diện tích xâm lấn được rà soát nhiều nhất tại khu vực xã Húc Nghì thì đây là địa phương “trọng điểm” phá rừng nhiều năm về trước. Thế nên, hệ lụy giờ này là hơn 1.400ha bị lấn chiếm.

“Ngoài người dân ra, một số đối tượng ở đồng bằng lên mua lại đất của người dân địa phương. Thậm chí, có cả cán bộ của xã trước tham gia vào phá rừng rồi mua lại đất của người dân lấn chiếm, khi chúng tôi xử lý lại lôi kéo người dân ra gây sức ép. Xã vô họp bao nhiêu lần nhưng cũng không giải quyết được, chúng tôi chưa thể xử lý dứt điểm”, ông Trung nói.

Riêng đối với diện tích lấn chiếm đất rừng tại khu vực xã A Bung theo ông Trung thì đây là vấn đề nan giải do “lịch sử để lại”. Cụ thể, năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND tỉnh Quảng Trị bàn giao ranh giới giữa 2 tỉnh khi xác định lại địa giới hành chính giữa 2 tỉnh. Dù diện tích bàn giao ở khu vực xã A Bung nằm trong địa phận rừng đặc dụng Khu BTTN Đakrông, trong khi đó phía Thừa Thiên Thuế phân loại ở khu vực này là rừng sản xuất nên người dân ở các xã thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã vào trồng rừng keo, làm rẫy, lán trại, nhà để ở canh tác lâu dài.

“Cùng trên một diện tích rừng nhưng đối với Huế thì rừng sản xuất còn đối với Quảng Trị là rừng đặc dụng nên rất khó, Trong khi đó, thực tế chủ rừng cho đến nay vẫn chưa được bàn giao về mặt hiện trạng rừng, ranh giới. Hiện, người dân vẫn ra vào canh tác trên khu vực rừng này nên công tác thu hồi đất rừng đặc dụng đối với chúng tôi là rất khó khăn và khả năng không thể thực hiện được”, ông Trung bày tỏ khó khăn khi triển khai công tác thu hồi.

Ngoài những khó khăn trên, Ban Quản lý Khu BTTN cho biết, hiện đơn vị quản lý hàng chục nghìn ha rừng nhưng mà chỉ có 11 kiểm lâm, theo thực tế phải 86 người mới đáp ứng được nhu cầu. Với việc lực lượng mỏng khiến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng cũng như phối hợp xử lý thu hồi đất rừng bị xâm canh, xâm lấn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc xác định cá nhân, hộ gia đình, diện tích, các công trình… trên diện tích bị xâm lấn vẫn chưa được quy chủ hết. Trong khi đó, diện tích xâm canh, xâm lấn chủ yếu người dân đồng bào dân tộc thiểu số, hình thức trồng cây theo kiểu cuốn chiếu có thời gian sinh trưởng dài gây khó khăn trong công tác xử lý. Đặc biệt, việc thực hiện đồng bộ chính sách thu hồi đất rừng bị xâm canh, xâm lấn từ các cấp, các ngành, chính quyền địa phương còn chưa chủ động.

Để thực hiện việc thu hồi lấn chiếm đất rừng, Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông đã có văn bản báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị triển khai các giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ở vùng đệm thuộc 7 xã có địa giới hành chính với Khu BTTN các chủ trương, chính sách Nhà nước trong việc thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm.

Đối với diện tích nằm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, sau khi thu hồi diện tích đất rừng bị xâm canh, xâm lấn, Ban Quản lý thực hiện biện pháp khoanh nuôi tái sinh hoặc chuyển toàn bộ diện tích này từ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt sang phân khu phục hồi sinh thái. Từ đó, thực hiện các biện pháp lâm sinh theo đúng quy định của pháp luật, nhằm phục hồi rừng nhanh, đúng mục đích, đồng thời tạo công việc, thu nhập cho người dân vùng đệm.

“Đồng thời, tiến hành thành lập các chốt chặn và phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền xử phạt nghiêm minh các hành vi cố tình vi phạm pháp luật lâm nghiệp và chống đối người thực thi nhiệm vụ trong quá trình thực hiện các giải pháp xử lý thu hồi và phát triển rừng”, ông Trương Quang Trung nhấn mạnh.