Các nhà khoa học thế giới dồn tâm huyết nghiên cứu dơi để ngăn đại dịch tiếp theo

Màn đêm buông xuống tại công viên Pedra Branca ở Rio de Janeiro là lúc 4 nhà khoa học Brazil bắt đều chiếu đèn tiến vào rừng rậm rạp. Họ đang trong nhiệm vụ bắt dơi và tìm phương pháp ngăn ngừa đại dịch toàn cầu tiếp theo.

Buổi “đi đêm” vào rừng này nằm trong dự án của Viện Fiocruz (Brazil) thu thập và nghiên cứu virus có trong động vật hoang dã, bao gồm dơi, mà nhiều nhà khoa học cho rằng có liên quan đến dịch COVID-19.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết mục tiêu là nhận dạng những virus dễ lây lan và nguy hiểm đến tính mạng con người. Bên cạnh đó là sử dụng thông tin thu thập được để ngăn các virus này lây truyền từ động vật hoang dã sang người – ngăn chặn trước đại dịch toàn cầu tiếp theo trước khi nó bùng phát.

Ở một thế giới kết nối cao, dịch bệnh tại thường có nguy cơ lây lan toàn cầu, như điều xảy ra với dịch COVID-19. Đội ngũ các nhà khoa học tại Brazil nằm trong nhóm trên toàn thế giới đang chạy đua để giảm thiểu nguy cơ đại dịch thứ hai trong thế kỷ này.

Các nhà khoa học bắt dơi tại công viên Pedra Branca. Ảnh: AP

Chuyên gia Gagandeep Kang tại Đại học Y Christian (Ấn Độ) nhận định rằng câu hỏi không còn là nếu mà là bao giờ. Các nhà khoa học trên thế giới đang đổ dồn tập trung vào loài có vú biết bay duy nhất – dơi. Dơi được cho là vật chủ của nhiều virus lây lan gây bệnh dịch trong thời gian gần đây như COVID-19, SARS, MERS, Ebola.

Có tới 1.400 loài dơi sống trên toàn cầu, trong đó một số loài có thể đạt tuổi thọ hơn 30 năm. Chúng mang điểm chung là tuy mang virus nhưng không có nhiều dấu hiệu thể hiện bên ngoài.

Bà Raina Plowright tại Đại học Montana (Mỹ) nhận xét: “Dơi sở hữu hệ miễn dịch bất thường liên quan đến khả năng bay của chúng”. Để bay, loài dơi thường cần nguồn năng lượng lớn và tỷ lệ chuyển hóa của chúng thường tăng gấp 16 lần. Các nhà khoa học tin rằng tiến hóa giúp loài dơi hồi phục từ sức ép khi bay đã giúp chúng có thêm năng lực tự bảo vệ trước các mầm bệnh.

Ông Arinjay Banerjee tại Đại học McMaster (Canada) đánh giá việc tìm ra bí mật hệ miễn dịch của dơi sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về cơ chế lây lan virus của chúng và tìm ra chiến lược điều trị trong tương lai với các dịch bệnh.

Bà Cara Brook tại Đại học California (Mỹ) nhấn mạnh: “Virus phải thoát ra từ vật chủ và lây lan khiến chúng ta nhiễm bệnh. Tình trạng phá hủy các khu vực đa dạng sinh học, như rừng nhiệt đới, đồng nghĩa với việc có tỷ lệ cao hơn tương tác giữa động vật hoang dã và con người”.

Đó là lý do các nhà khoa học Brazil lựa chọn công viên Pedra Branca – một trong những rừng tự nhiên trong khu vực thành thị lớn nhất thế giới. Không chỉ nghiên cứu dơi, họ còn tìm hiểu về mèo hoang và mèo nuôi tại gia đình có trường hợp mắc COVID-19.

Phòng nghiên cứu của Viện Fiocruz. Ảnh: AP

Nhân tố chính khiến dơi thường tiếp xúc với người và súc vật là do môi trường sống trong tự nhiên của chúng bị hủy hoại. Ở Australia, việc chặt cây bạch đàn vốn là nguồn mật hoa của một loài dơi địa phương khiến chúng phải tìm đến khu dân cư sinh sống như ngoại ô thành phố Brisbane có tên Hendra.

Từ đây, chúng lây truyền virus sang ngựa và rồi sang người. Được ghi nhận lần đầu năm 1994, virus này được đặt tên Hendra và rất nguy hiểm, khiến 60% người nhiễm tử vong. Sự việc tương tự xảy ra ở Bangladesh khi dơi hoang dã vào thành phố là lây truyền virus Nipah.

Bà Hannah Kim Frank tại Đại học Tulane (Mỹ) nhận định rằng phương pháp để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh là hạn chế tương tác giữa dơi hoang dã với con người cùng súc vật, gia cầm.

Một số nhà khoa học Bắc Mỹ còn ủng hộ đề xuất giới hạn tiếp cận của công chúng với những hang có dơi sinh sống. Loài dơi đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, chúng ăn côn trùng như muỗi, phát tán hạt giống và thụ phấn một số loài cây.