Than, củi “đe dọa” môi trường

Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đang bị đe dọa ô nhiễm khí thải do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có công nghệ lò hơi bỏ dầu chuyển sang dùng than, củi. Theo khảo sát của Sở TN&MT tỉnh thì việc chuyển đổi này đã giúp cho doanh nghiệp giảm được từ 30-40% chi phí nhiên liệu, nhưng hàm lượng khí CO2 đã vượt tiêu chuẩn cho phép vài chục lần.

Lý do để các doanh nghiệp ồ ạt chuyển sang dùng than, củi tạp là giá dầu FO, DO đang tăng đột biến. Có đơn vị dùng than, củi thì  mỗi năm thu lợi vài chục tỷ đồng tiền lãi từ giảm phí nhiên liệu. Công ty Deuck Woo Việt Nam (KCN Loteco) đã sử dụng than thay dầu từ tháng 12/2005 không có biện pháp xử lý khí thải, hàm lượng CO2 vượt tiêu chuẩn cho phép tới 23,4 lần. Công ty Timber Industries (KCN Tam Phước) cũng dùng gỗ tạp đốt lò hơi công suất 5 tấn hơi/giờ, khiến cho hàm lượng CO2 vượt gần 19 lần so với tiêu chuẩn.
 
Sự việc bức xúc tới mức Sở TN&MT đã phải tổ chức một cuộc Hội thảo chuyên đề nhằm tìm ra tiếng nói chung tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp nhưng phải bảo vệ được môi trường. Có doanh nghiệp cho rằng, luật pháp không cấm việc dùng than, củi trong sản xuất, nên họ có quyền sử dụng.Thậm chí họ còn viện dẫn khá nhiều doanh nghiệp ngay từ khi đăng ký bản đánh giá tác động môi trường đã ghi rõ dùng nhiên liệu là than đá. Đây là việc cố tình lờ đi trách nhiệm phải xử lý nguồn thải đạt tiêu chuẩn mới được xả ra môi trường, cho dù họ có sử dụng nguồn nhiên liệu nào để làm chất đốt.
 
Trong khi đó những người có trách nhiệm quản lý và quan tâm đến lĩnh vực môi trường lại hết sức lo ngại. Bởi hiện nay Đồng Nai có tới 2000 doanh nghiệp sử dụng lò đốt bằng than, củi. Mặt khác, địa phương chỉ quản lý lò hơi từ 10 tấn hơi/giờ, nên 2/3 số lò đốt dưới 5 tấn hơi/giờ đang được thả nổi. Nếu “bật đèn xanh” cho việc chuyển đổi nhiên liệu theo xu thế dùng than củi thay dầu thì việc kiểm soát các lò công suất lớn sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều.Vài năm trước Đồng Nai đã phải tốn rất nhiều công sức, tiền của khuyến khích các lò gạch, gốm  dùng than củi  ở Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa  An chuyển ra khỏi thành phố và dùng gas thay thế, mới giải quyết được một phần nạn ô nhiễm khí thải.
 
Thực ra đây không phải là vấn đề cần bàn cãi, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ ràng, chủ nguồn thải phải chịu trách nhiệm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi xả. Điều khó khăn chính là việc cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát có quyết liệt buộc các chủ nguồn thải tuân thủ Luật hay không.