Truy tìm virus gây đại dịch tiếp theo

Hãy thử tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra nếu như ở thời điểm SARS-CoV-2 xuất hiện vào cuối năm 2019, nó không phải là loại virus mới lạ và từng được các nhà khoa học nghiên cứu và giải trình tự trong phòng thí nghiệm trước đó?

Điều gì xảy ra nếu như các nhà khoa học trên khắp thế giới được tiếp cận ngay với trình tự và mẫu virus chỉ vài ngày hoặc vài tuần sau khi nó được phát hiện?

Một vài khác biệt nhỏ như vậy thôi cũng có thể tạo nên hệ quả lớn. Có lẽ, thế giới đã có thể tăng cường xét nghiệm nhanh hơn, làm giảm tốc độ lây lan của virus và tiết kiệm nhiều tháng nghiên cứu thuốc và vaccine COVID-19. Hoặc, các nhà khoa học có thể đã xác định được các điểm yếu trong phòng chống dịch để gia cố lại và ngăn chặn hoàn toàn đại dịch.

Các nhà nghiên cứu đang quan sát máy phân tích vật liệu di truyền từ một ca bệnh COVID tại Viện Nghiên cứu bộ gene Sanger, Hinxton, Anh, ngày 07/01. Ảnh: Frank Augstein/AP

Dù tất cả chỉ là giả thuyết, nhưng một số nhà khoa học tin rằng, đây là điều có thể đạt được. Và ngay bây giờ, chúng ta cũng đang có một cơ hội để ngăn chặn những đại dịch tương tự trong tương lai.

Xuất phát từ đâu?

Trước đây, thế giới đã từng phải đối mặt với những đợt bùng phát dịch do coronavirus. Tuy nhiên, sau đợt dịch SARS năm 2003 và MERS năm 2012 (cả hai đều được ngăn chặn nhờ sự kết hợp của các phương pháp kiểm soát lây nhiễm và sự may mắn), các nghiên cứu về virus này đã bị ngưng trệ. Nếu như các nhà khoa học vẫn duy trì tìm kiếm và chia sẻ thông tin về các mối đe dọa tiềm ẩn mới, họ có thể đã tìm thấy tổ tiên trực tiếp của SARS-CoV-2. Và có thể, các phương thuốc điều trị và vaccine chống COVID đã có sẵn trước cả khi bệnh nhân đầu tiên xuất hiện cách đây hơn hai năm.

Các nhà nghiên cứu bắt dơi tại một hang động ở Gabon vào ngày 25/11/2020. Họ vào sâu trong rừng nhiệt đới để thu các mẫu vật nghi ngờ liên quan đến nguồn gốc của các dịch SARS, MERS, Ebola và bây giờ là COVID. Ảnh: Steve Jordan/AFP/ Getty Images

COVID không chỉ do thế lực tự nhiên tạo ra, cũng không phải là sự kiện ngẫu nhiên, mà hoạt động của con người có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh mới. Vì vậy, lộ trình chống lại sự bùng phát của một đợt dịch mới trước khi nó bắt đầu đòi hỏi phải tiếp cận từ hai hướng.

Đầu tiên, các nhà khoa học cần thu hẹp danh sách các mầm bệnh đáng quan tâm nhất và tăng cường truy tìm chúng tại các điểm nóng tiềm năng. Sau đó, họ cần xây dựng kho dữ liệu về các mầm bệnh và chia sẻ chúng để nghiên cứu một cách an toàn. Điều này có thể giúp nhận diện được các virus có khả năng gây ra đại dịch mới cũng như hiểu sâu hơn về các bệnh truyền nhiễm hiện có.

Sự cấp bách của khủng hoảng y tế toàn cầu đã chứng minh giá trị của việc chia sẻ thông tin. Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến mức độ hợp tác đáng kinh ngạc giữa các nhà khoa học, đặc biệt là trong tốc độ giải trình tự gene và chia sẻ cho đồng nghiệp. Hiện có nhiều cơ sở dữ liệu để các nhà khoa học tải lên các trình tự gene SARS-CoV-2 mà họ thu nhận được để so sánh với hàng triệu trình tự gene khác. Nhờ đó mà các phương pháp điều trị và chủng ngừa được thực hiện trong thời gian ngắn kỷ lục. Đồng thời, sự giám sát này cũng đã giúp phát hiện và đánh dấu các đột biến tiềm năng.

Tuy nhiên, việc phát triển một kho lưu trữ virus toàn diện và trình tự gene của chúng đòi hỏi các quốc gia phải giải quyết các vấn đề đau đầu về quản trị, sự công bằng, minh bạch và an toàn – một công việc rất tốn kém và mất thời gian. Song, nếu như việc này có thể giúp hạn chế dù chỉ một phần nhỏ thiệt hại về người và của trong một đại dịch tương lai, đây vẫn là một điều xứng đáng để làm.

Ai kiểm soát việc nghiên cứu virus

Ngay từ lần đầu tiên phân lập được SARS-CoV-2, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố trình tự gene của nó, tạo tiền đề cho việc phát triển vaccine và thuốc nhanh chóng. Nhưng chỉ trình tự gene là chưa đủ. Các nhà khoa học cần phải thao tác trên virus sống.

Các quốc gia khác nhau có quy định về quản lý mầm bệnh khác nhau, và không được thiết kế phù hợp cho kịch bản mầm bệnh lan rộng toàn cầu hay trở thành tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Mặc dù các mầm bệnh lây lan khắp thế giới dễ dàng, nhưng chúng thuộc về “chủ quyền” của các quốc gia tìm thấy chúng. Điều này được quy định trong công ước về đa dạng sinh học và được ban hành thông qua Nghị định thư Nagoya.

Đây là một hiệp ước quốc tế nhằm điều chỉnh các chính sách bảo tồn thiên nhiên trong và xuyên biên giới. (Đáng chú ý, nó không được Hoa Kỳ phê chuẩn). Nếu virus được tìm thấy tại một quốc gia nhất định, thì quốc gia đó có thể yêu cầu một phần lợi nhuận từ các công ty dược phẩm sản xuất thuốc và vaccine cho mầm bệnh đó. Những lo lắng về việc chia sẻ lợi ích đã cản trở khả năng ứng phó với bệnh tật. Năm 2007, Indonesia từ chối gửi mẫu virus H5N1 cho WHO để phát triển vaccine. Các quan chức Indonesia lo lắng vì họ không đủ khả năng mua vaccine. Họ cho rằng các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh phải chịu chi phí lớn nhất cho vaccine và thuốc điều trị, trong khi lợi ích kinh tế thuộc về các nước công nghiệp phát triển.

Nếu không có lợi ích cân bằng, và nơi đầu tiên bùng phát một bệnh dịch không thấy lợi ích nào trong việc chia sẻ phát hiện của họ, thì sẽ có thể dẫn đến việc trì hoãn việc phát triển thuốc men cần thiết cho thế giới.

Cần nhất là sự minh bạch

WHO đang cố gắng giải quyết một số trở ngại thông qua một hiệp ước nhằm chia sẻ nguồn lực phòng chống đại dịch, mặc dù điều khoản cụ thể vẫn còn đang được thảo luận. Một số người đề xuất dự án Virome – thư viện trình tự gene cho tất cả virus. Các trang miễn phí như GISAID và Nextstrain cũng đang làm công việc này. Đối với thư viện virus sống, Mỹ và châu Âu đã chia sẻ mẫu virus cho các phòng thí nghiệm khắp thế giới. Đây thường là các ngân hàng sinh học phi lợi nhuận hoặc được chính phủ tài trợ để giúp những nơi khác có điều kiện tiếp cận tài nguyên nghiên cứu.

Hiện tại có hàng chục phòng nghiên cứu các loài virus nguy hiểm trên khắp thế giới nhưng hầu hết chưa đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, minh bạch và chia sẻ thông tin.

Tất nhiên, việc chủ động tìm kiếm virus nguy hiểm không đảm bảo sẽ phát hiện kịp thời các mối đe dọa, cũng như không bị chính trị can thiệp. Viện Sức khỏe Hoa Kỳ NIH từng tài trợ 3,7 triệu USD để sàng lọc virus trên dơi nhưng không thể lường trước được SARS-CoV-2. Jesse Bloom, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson nhận thấy các trình tự gene đầu tiên của SARS-CoV-2 bị xóa khỏi cơ sở dữ liệu của NIH và nghi ngờ nó đã làm theo yêu cầu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc vì lý do mờ ám. Sau đó, các trình tự gene này đã được công khai trở lại.

Ngoài ra, việc sàng lọc các mầm bệnh tiềm năng chỉ hiệu quả khi các nhà hoạch định chính sách và nhà khoa học nhìn nhận chính xác nó là mối đe dọa và bắt đầu hành động. Họ cũng cần tạo ra văn hóa khuyến khích và khen thưởng cho các phát hiện mới. Ví dụ, Viện virus Vũ Hán đã ghi nhận một loại coronavirus hồi năm 2013 trên một nhóm thợ mỏ. Bộ gene của nó trùng lặp với SARS-CoV-2 đến 96%. Điều này thúc đẩy giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm nhưng thực ra chúng đến từ hai nhánh tiến hóa khác nhau. Hiện không tìm thấy tổ tiên trực tiếp của SARS-CoV-2 tại Viện Virus Vũ Hán hoặc trên động vật hoang dã để đưa ra kết luận xác đáng về nguồn gốc đại dịch.

Các dữ liệu mới nhất đều cho thấy virus xuất phát từ chợ mua bán động vật hoang dã tại Vũ Hán và có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, hành xử của Trung Quốc làm trầm trọng thêm sự ngờ vực. Họ đã cố tình hạ thấp mức độ nghiêm trọng của COVID trong những ngày đầu phát hiện, theo cáo buộc của Mỹ. Viện Virus Vũ Hán cũng rút lại cơ sở dữ liệu về virus từ tháng 9/2019 của họ, lấy lý do phòng ngừa các cuộc tấn công mạng. Các nhà khoa học nước này cũng phải được chính phủ chấp thuận trước khi công bố các nghiên cứu về COVID-19.

Vì vậy, mặc dù có thể phát hiện những loài họ hàng với SARS-CoV-2 trong năm trước đó, nhưng Trung Quốc không cung cấp và chia sẻ thông tin quan trọng này. Ngược lại, ngay khi phát hiện những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, Nam Phi đã công bố ngay, tuy nhiên kết quả là họ đã phải gánh chịu thiệt hại kinh tế vì các lệnh cấm đi lại từ quốc tế. Có lẽ, các quốc gia khác sẽ nhìn vào sự việc này và không còn muốn tìm kiếm các biến thể mới nữa.

Hãy bắt đầu ngay bây giờ

Vẫn chưa biết bao giờ khủng hoảng COVID-19 sẽ chấm dứt, nhưng chắc chắn điều này rồi sẽ đến. Chúng ta không thể dự đoán chính xác loại virus gây ra đại dịch tiếp theo, nhưng nếu hiểu rõ về rất cả các chủng virus, chúng ta sẽ ở một vị thế tốt hơn để ứng phó.

Cách các biến thể xuất hiện và chiếm ưu thế cũng giúp chúng ta bổ sung kiến thức về sự tiến hóa của virus.

Sàng lọc các mầm bệnh tiềm năng là công việc tốn nhiều thời gian, và các quốc gia cũng mất nhiều năm để đưa ra quy tắc quản lý và chia sẻ. Nhưng đứng trước nguy cơ một loại virus mới sẽ xuất hiện, chúng ta phải hành động ngay. Trì hoãn chỉ khiến chúng ta đối mặt với tương lai hối hận muộn màng.

Virus rất đơn giản về mặt sinh học. Chúng chỉ gồm một mảnh nhỏ vật chất di truyền – RNA hoặc DNA – được bọc trong một lớp vỏ protein cực nhỏ. Chúng cũng là loài ký sinh thu động, không thể sinh sản nếu như không lây nhiễm cho vật chủ. Nhiều nhà khoa học thậm chí không coi virus là sinh vật.

Nhưng chính sự đơn giản đó lại dẫn đến những biến đổi khôn lường về hình dạng, kích thước và nạn nhân của virus. Theo ước tính, số lượng hạt virus trên Trái đất nhiều hơn số lượng các ngôi sao trong vũ trụ. Hơn 320.000 loài virus khác nhau chỉ lây nhiễm trên động vật có vú, nhiều loài khác lây nhiễm trên cá, chim, bò sát, côn trùng, thực vật, nấm, và vi khuẩn.

Phần lớn các virus mới ở người bắt nguồn từ việc tiếp xúc với động vật. Đã có hơn 200 loài lây nhiễm sang người, và các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm các mầm bệnh tiềm năng. Virus cũng dễ mắc lỗi khi nhân bản, do đó chúng thường xuyên bị đột biến. Đây cũng là lý do tại sao các biến thể của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, mới đây là biến thể BA.2 Omicron.

Có một thực tế là chúng ta không thể nào lấy hết được các mẫu virus của động vật hoang dã. Bởi vậy, thay vào đó, các nhà khoa học mong muốn nghiên cứu tại những vùng giáp ranh, những khu định cư mới mọc lấn chiếm vào những khu hoang dã. Tại đây, họ sẽ giám sát chủ động, sàng lọc trên một nhóm động vật hoặc người, hoặc giám sát thụ động, trên người và động vật bị ốm để tìm mầm bệnh, hoặc từ các mẫu môi trường như nước thải. Nhà virus học Stephen Goldstein tại đại học Utah kêu gọi giám sát chủ động và thụ động tại các điểm tương tác giữa người với động vật tại các khu vực như rừng nhiệt đới Amazon, nơi tình trạng phá rừng và buôn bán động vật hoang dã diễn biến phức tạp.

Bên cạnh việc thu thập virus, các nhà khoa học cũng phải phát triển thư viện các tế bào được tiêu chuẩn hóa (các dòng tế bào) là môi trường nuôi cấy, bảo quản các mầm bệnh, sao cho càng giống với mô động vật càng tốt, để mô phỏng quá trình lây nhiễm ngoài tự nhiên.

Theo báo cáo của WHO, có đến 1/3 các quốc gia trên thế giới chưa đủ năng lực để xác định, giải trình tự và chia sẻ bộ gene của các mầm bệnh.