Bảo vệ, phát triển rừng tại Hà Nội: Vì mục tiêu phát triển bền vững

Diện tích rừng ở Hà Nội không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Vì vậy, việc giữ rừng phòng hộ, đặc dụng, phát triển rừng sản xuất gắn với bảo vệ sinh thái, góp phần thúc đẩy đời sống của người dân là rất cần thiết. Đây là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài cho mục tiêu phát triển bền vững.

Rừng của huyện Ba Vì có vai trò quan trọng, là vành đai xanh “lá phổi tự nhiên” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô và có giá trị đặc biệt về cảnh quan.

Khả năng phòng hộ, giá trị kinh tế còn thấp

Hiện Hà Nội có 11.007,57ha rừng đặc dụng, 5.821,9ha rừng phòng hộ, 10.332,57ha rừng sản xuất và diện tích đất lâm nghiệp chưa thành rừng là 7.538,24ha phân bố ở 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Sơn Tây).

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, những năm gần đây, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện quyết liệt. Thành phố cơ bản khắc phục được những tồn tại trong công tác quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp… nên không xảy ra tình trạng “mất” rừng. Tuy nhiên, xu hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh cũng như nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương ngày càng cao đang tạo sức ép lên rừng và đất lâm nghiệp. Mặt khác, thu nhập trên mỗi héc ta đất lâm nghiệp chỉ đạt 10 đến 15 triệu đồng/năm, thấp hơn rất nhiều so với các hoạt động kinh tế khác cũng đang đặt ra nhiều vấn đề với ngành Lâm nghiệp Thủ đô.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết: Huyện có gần 9.700ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm gần 40% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của thành phố Hà Nội. Hiện việc trồng rừng tại địa phương vẫn mang nặng tư tưởng phủ xanh đất trống đồi trọc, quảng canh với một số loài cây như keo, bạch đàn… và thu hoạch trong ngắn hạn nên giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế từ rừng còn thấp.

Còn ông Lê Văn Đích (thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) chia sẻ: Bản thân gia đình muốn trồng các loại cây gỗ lớn nhưng chu kỳ khai thác phải từ 10 năm trở lên nên rất khó khăn về vốn, chưa thể đầu tư.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng: Rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn phần lớn được trồng thông qua các chương trình, dự án và người dân tự trồng, chủ yếu là rừng trồng hỗn giao, có một số diện tích trồng thuần loài nên khả năng phòng hộ, giữ và điều tiết nước kém, khô kiệt về mùa khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.

Lực lượng chức năng tuyên truyền cho người dân các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng tại Vườn quốc gia Ba Vì. (Ảnh: Bình Minh)

Nhiều giải pháp làm giàu rừng

Việc làm giàu rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển các loại hình kinh tế lâm nghiệp cũng như đối phó với biến đổi khí hậu, đang khiến xuất hiện ngày càng nhiều hình thái thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán… Điều này càng cấp thiết khi gần đây Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.

Để nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025: Nâng độ che phủ rừng từ 5,67% hiện nay lên 6,2%; nâng mức thu nhập trên đất lâm nghiệp từ 15 triệu đồng/ha/năm lên 40-60 triệu đồng/ ha/năm vào năm 2025…

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên thông tin thêm: Trên cơ sở thực tế 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất), thành phố sẽ có định hướng và cơ chế chính sách làm giàu rừng khác nhau. Ví dụ, đối với rừng phòng hộ thì tập trung làm tốt việc khoanh nuôi, bảo đảm đa dạng sinh học, trồng bổ sung các loại gỗ lớn, gỗ quý tạo nhiều tầng thảm thực vật. Còn với rừng trồng, Hà Nội không đặt vấn đề lấy trữ lượng để phục vụ công nghiệp chế biến gỗ mà hướng tới trồng các loại cây gỗ lâu năm, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ông Lê Minh Tuyên đề xuất, “thành phố cần có chính sách hỗ trợ người trồng rừng về vốn, giống… để ít nhất trong 10 năm đầu khi rừng trồng chưa cho khai thác, người dân vẫn có cuộc sống tốt, giảm áp lực phụ thuộc vào rừng”.

Từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Thắng cho biết: Diện tích rừng tại địa phương với hơn 500ha có tác dụng ngăn chặn, hạn chế lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về. Chính quyền xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó giúp người dân địa phương thấy rõ hơn trách nhiệm trong bảo vệ và phát triển rừng, chủ động thay thế những loài cây có khả năng phòng hộ kém bằng các loài cây bản địa. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, để làm giàu từ rừng, Sóc Sơn sẽ đẩy mạnh thực hiện mô hình thí điểm trồng bổ sung các loài cây như: Lim xanh, sến, sao đen…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ về trồng rừng như hỗ trợ 100% vốn giống đối với cây lâm nghiệp lâu năm; hỗ trợ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ mỗi địa phương xây dựng 1-2 mô hình trồng và làm giàu rừng hiệu quả làm cơ sở để nhân rộng. Đồng thời, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan thiết lập hồ sơ quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp từ cơ sở đến thành phố, cụ thể đến từng lô, khoảnh; xác định rõ ranh giới trên bản đồ cũng như ngoài thực địa.