Những người đo lũ lịch sử

Để có được số liệu cảnh báo, các quan trắc viên thủy văn phải dầm mình dưới mưa lũ để đo đạc, cập nhật từng giờ. 10 ngày qua, họ liên tục ghi nhận các số liệu về đỉnh lũ lịch sử.’

Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị đang ở trong một đợt lũ lịch sử. Đêm 18/10, lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) lên cao 4,79 m, cao hơn mực lũ lịch sử năm 1979 gần 1 m. Các quan trắc viên của trạm thủy văn khu vực là người ghi nhận các số liệu lịch sử này.
“Sống chung với lũ” là cụm từ mô tả chính xác công việc của các quan trắc viên trong những ngày này. Bất kể là đêm hay ngày, họ dầm mình dưới mưa lũ, mang thiết bị ra đo đạc, ghi chép, cập nhật.
Các quan trắc viên thực hiện chế độ quan trắc lũ theo tần suất dày nhất, 24 lần/ngày, cách một tiếng cập nhật số liệu một lần. Ngoài ra, tại các thời điểm lũ đạt đỉnh hoặc vượt mức lịch sử, số liệu sẽ được cập nhật theo các mốc 5 phút, 10 phút, 15 phút và 20 phút, từ khi lũ lên đến hết trận lũ.
Phương tiện làm việc của các quan trắc viên là cano. Họ được trang bị áo phao khi di chuyển trên dòng lũ để đo đạc, thu thập số liệu.
Đêm 18/10, lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) lên nhanh. Một quan trắc viên di chuyển về trụ sở sau khi đã đo đạc xong, mang số liệu về để xử lý. Số liệu mang về sẽ được báo cáo lên Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ để cập nhật và so sánh, đánh giá với các số liệu lịch sử. Đêm đó, sông Thạch Hãn ghi nhận mực lũ cao 7,39 m, cao hơn trận lũ lịch sử năm 1999 là 0,1 m.
Nơi làm việc của các nhân viên ngành khí tượng vào mùa mưa lũ, họ phải dùng nhiều xô chậu để dự trữ nước sạch. Nhiều cán bộ ăn uống, ngủ nghỉ ngay tại cơ quan để thuận tiện giao ca và hỗ trợ nhau.
Phòng làm việc ngập đến ngang đầu gối ở trạm thủy văn Đông Hà, Quảng Trị. Đêm 17/10, lần thứ 2 trong vòng 10 ngày qua, các quan trắc viên ghi nhận mức lũ lên cao trên đỉnh lũ lịch sử năm 1999.
Bên ngoài, trạm thủy văn Đông Hà nằm giữa bốn bề là nước lũ, thời điểm lũ bắt đầu xuống chậm sau khi đạt đỉnh ngày 18/10.