Loài mới qua một thập kỷ khám phá

ThienNhien.Net – Trong một thập kỷ qua, các nhà khoa học, nghiên cứu về lịch sử tự nhiên trên thế giới đã có nhiều phát hiện loài mới cùng những điều thú vị trong đời sống hoang dã. Đúc kết những thành tựu này, Hãng BBC (Anh) phối hợp với Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) đã sản xuất bộ phim tài liệu “Thập kỷ khám phá”, nhằm giới thiệu những loài mới ấn tượng nhất được phát hiện trong 10 năm qua. Bộ phim đã được công chiếu ngày 14/12/2010 trên kênh BBC2. Dưới đây là một số loài tiêu biểu.

Tháng 12/2010, các nhà khoa học Anh cho biết đã phát hiện một loài vượn cáo mới sinh sống tại các cánh rừng khô Madagascar. Chúng được phân biệt với các loài khác bởi một sọc hình chữ Y ở phần đầu phía trước, chân to, lưỡi dài, và được chuyên gia linh trưởng Russ Mittermeier đặt tên là vượn cáo đầu vằn chẻ. Hiện nay còn 4 chủng khác của vượn cáo (giống Phaner), và loài này được xem là thứ 5.
Lười lùn ba ngón Bradypus pygmaeus được phát hiện năm 2001, chỉ sống tại hòn đảo nhỏ Isla Escudo de Veraguas (3,4km2) ngoài khơi bờ biển Panama, Trung Mỹ. Hiện chỉ còn khoảng 200 cá thể sống trên đảo này.
Cá mập tre Hemiscyllium galei hay còn gọi là cá mập “đi bộ” được tìm thấy năm 2006 tại vịnh Cenderawasih, phía Tây tỉnh Papua, Indonesia. Loài cá mập này có thể bơi khi cần thiết, nhưng nó thường sử dụng các vây ngực để “đi bộ” và tìm thức ăn dọc theo các rạn san hô.
Sengi mặt xám hay chuột chù voi được khám phá lần đầu tiên năm 2006 tại công viên quốc gia Uzungwa thuộc Tanzania, châu Phi. Nhà khoa học Francesco Rovero thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Trento, miền bắc Ý đã “chộp” được hình loài này nhờ đặt bẫy ảnh tự động tại Uzungwa. Sengi mặt xám có kích thước cơ thể tương đương một con thỏ, nặng 700g và có cái mũi dài, linh hoạt như vòi voi. Thật kỳ lạ, theo các nhà khoa học, chuột chù voi không có họ hàng với chuột chù nhưng lại có tổ tiên chung với voi.
Được phát hiện từ năm 1939 nhưng phải 70 năm sau các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Hải dương Monterey Bay (MBARI) ở California, Mỹ mới ghi hình được loài cá mắt thùng (barreleye) – một loài cá rất lạ có đầu trong suốt và đôi mắt hình ống. Cá mắt thùng sống thích nghi với môi trường tối tăm dưới đáy biển, nơi ánh sáng mặt trời không thể tới được. Tuy nhiên, sắc tố màu xanh trong mắt chúng có thể hấp thu ánh sáng mặt trời, giúp cá mắt thùng dễ dàng phát hiện con mồi.
Sứa đỏ khổng lồ Tiburonia granrojo, được công bố năm 2003. Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Hải dương Monterey Bay (MBARI) ở California, Mỹ đã quay được loài sứa đỏ khổng lồ này ở độ sâu hơn 3.000m dưới vùng biển Thái Bình Dương. Chúng có bề ngang cơ thể khoảng 1m, không có xúc tu, thay vào đó là những “cánh tay béo” để bắt mồi. Do chúng sống bí ẩn nên hiện nay các nhà khoa học chưa biết chúng ăn thức ăn gì.
Cây nắp ấm khổng lồ Nepenthes palawanensis được phát hiện năm 2010 trên đỉnh núi cao Sultan thuộc đảo Palawan, Philippines. Loài thực vật đặc biệt này phát triển một chiếc “nắp ấm” khổng lồ chứa đầy mật ngọt để dẫn dụ côn trùng. Những kẻ xấu số đậu trên thành ấm trơn trượt này sẽ bị đẩy xuống đáy bình và lập tức bị chiếc “nắp ấm” tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng nuôi sống cây.
Tắc kè ngón cong Cyrtodactylus macrotuberculatus được phát hiện lần đầu tiên năm 2008 tại một hòn đảo ngoài khơi Tây Bắc Malaysia. Nó có thị lực đáng kinh ngạc, do đó dễ dàng săn mồi dưới tầng đáy rừng vào ban đêm. Gần đây, các nhà khoa học lại phát hiện nó sống trong một hang đá vôi cũng tại khu vực trên. Màu sắc cơ thể của loài này tại hai nơi cư trú có vài điểm khác biệt. Các nhà khoa học tin rằng trải qua quá trình tiến hóa, loài tắc kè này đã di chuyển vào hang để tránh những con rắn độc trong rừng.
Côn trùng hình que khổng lồ Phobaeticus chani, dài khoảng 56,6cm, được tìm thấy ở công viên quốc gia Gunung Kinabalu thuộc đảo Borneo, địa phận bang Sabah, Malaysia. Các nhà khoa học cho biết loài này có kích thước to lớn nhưng lại sống trên vòm rừng nhiệt đới nên quá trình tìm kiếm chúng rất khó khăn, và do đó có rất ít thông tin về chúng.
Khỉ Rungwecebus kipunji được phát hiện từ những năm 1920 và được nhà sinh học Tim Davenport (Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã – WCS) theo dõi trong suốt năm 2003 tại khu vực núi Rungwe, Tanzania. Trải qua quá trình nghiên cứu và phân tích ADN, các nhà khoa học cho biết loài khỉ này thuộc một chi hoàn toàn mới. Kết quả điều tra mới nhất cho biết, khỉ Rungwecebus kipunji chỉ còn 1.117 cá thể trong hoang dã, được phân loại ở mức “cực kỳ nguy cấp” trong sách đỏ của Hiệp hội Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Lan tím khổng lồ Phragmipedium Kovachii được phát hiện năm 2001 khi bị một “thợ săn” phong lan đem bán ở một lề đường tại Peru. Loài lan tím khổng lồ này có bề ngang cánh tới 20cm, có nguồn gốc từ dãy núi Andes, địa phận Peru.