Để quỹ bảo vệ rừng an toàn khỏi tham nhũng

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa có báo cáo mới về việc thực hiện Sáng kiến Rừng Trung Phi (Central African Forest Initiative – CAFI) để cải thiện tính minh bạch và bảo vệ các dự án phát triển rừng khỏi tham nhũng.

Ảnh: Magdalena Michalka/Transparency International

Câu chuyện ở Congo

Câu chuyện hi hữu đã xảy ra với một giám đốc của Bộ Quản lý rừng ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Năm 2009, ông đã viết thư gửi Tổng thống và Thủ tướng Congo cáo buộc Tổng Thư ký Bộ Quản lý rừng đã chuyển hướng 38 triệu USD tài trợ từ dự án quốc tế hỗ trợ tài chính để bảo vệ rừng, viết tắt là REDD+. Tuy nhiên, Tổng Thư ký có những người bạn quyền lực và sau đó, giám đốc lại là người bị bắt giữ.

Trong sự tuyệt vọng, gia đình ông đã tìm đến Licoco (Cơ quan Đại diện TI ở DRC) nhờ trợ giúp.

Licoco đã đề nghị Cơ quan Công tố và Thanh tra Tài chính tiến hành một cuộc kiểm toán. Báo cáo kiểm toán xác nhận các thông tin của vị giám đốc là chính xác và ông được thả ra. Kẻ phạm tội là Tổng Thư ký và một số đồng phạm bị sa thải.

Vụ việc đã dẫn tới những thay đổi về quản trị và REDD+ hiện được bảo vệ với các biện pháp mạnh mẽ hơn.

“Lá phổi thứ 2” của trái đất đang bị đe dọa

Với sự quan tâm mạnh mẽ của giới truyền thông báo chí và dư luận về câu chuyện ở Congo vừa nêu, Licoco đang làm việc với Tổng Thư ký mới của Bộ Quản lý rừng Congo để tăng cường tính minh bạch trong suốt quá trình thực hiện Dự án REDD+.

Quỹ REDD+ ở DRC hiện được tài trợ thông qua Quỹ Quốc gia National REDD+ (FONAREDD), do CAFI cung cấp. CAFI là sáng kiến do Liên hiệp quốc phát động vào năm 2015, nhằm kết nối các nhà tài trợ châu Âu với 6  quốc gia Trung Phi. Gabon là nước đầu tiên được trả tiền để bảo vệ rừng.

Làm việc với các đối tác địa phương, CAFI giúp đỡ các Chính phủ ở Cộng hòa Trung Phi, DRC, Cameroon, Cộng hòa Congo, Guinea Xích đạo và Gabon thực hiện các cải cách và tăng cường đầu tư để bảo tồn rừng ở lưu vực Congo và sử dụng chúng có hiệu quả bền vững.

Khu vực này có rừng mưa nhiệt đới lớn thứ 2 thế giới – khoảng 240 triệu ha, với đa dạng sinh học cao nhất ở châu Phi. Đây còn được gọi là “lá phổi thứ 2” của trái đất. Sức khỏe của nó không chỉ có ý nghĩa đối với động thực vật và cộng đồng ở đó, mà còn đặc biệt quan trọng với toàn bộ hành tinh của chúng ta.

CAFI tìm cách bảo vệ những khu rừng này để giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm đói nghèo trong các nhóm dân cư sống phụ thuộc vào rừng và giúp thúc đẩy phát triển bền vững.

Tham nhũng trong bảo tồn rừng

Nhiệt độ toàn cầu tăng lên và đại dịch do virus corona gây ra cho thấy rằng, những sáng kiến như CAFI là cần thiết. Bởi, mất môi trường sống, khai thác gỗ bất hợp pháp và buôn bán trái phép động vật hoang dã, được thúc đẩy bởi tham nhũng, đang làm cho các bệnh lây truyền từ động vật như COVID-19 ngày càng phổ biến. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tập trung nguồn lực để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, nhưng trước hết, cần giải quyết tình trạng tham nhũng tràn lan trong việc quản lý các quỹ có nguy cơ làm suy yếu công tác bảo tồn.

Trên khắp Trung Phi, tham nhũng trong khu vực công đang ở mức cao đáng báo động. Theo đánh giá Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2019, quốc gia có thành tích tốt nhất trong khu vực là Gabon, với 31/100 điểm, xếp thứ 123/180 quốc gia. Thấp nhất là Guinea Xích đạo, chỉ đạt 16 điểm và xếp thứ 173.

Nếu tham nhũng và các nguyên nhân dẫn tới tham nhũng không được kiểm soát, các quỹ hỗ trợ sẽ bị đe dọa và cuối cùng là gây ra những tác hại không thể phục hồi cho các khu rừng quý giá trong khu vực.

Các cách để tăng cường bảo vệ quỹ phát triển rừng

Mới đây, TI đã có báo cáo đánh giá tình hình quản lý của CAFI và đưa ra khuyến nghị về những hành động cụ thể nhằm tăng cường tính liêm chính của sáng kiến này.

Đánh giá cho thấy, CAFI thiếu chính sách minh bạch và chống tham nhũng, thay vào đó, lại dựa vào các tổ chức tham gia sử dụng hệ thống của riêng họ. Để thúc đẩy tính minh bạch trong hoạt động của CAFI, TI đề xuất hành động:

– Thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình

Mức độ minh bạch cao hơn có nghĩa là mọi người biết những gì sẽ xảy ra và có thể yêu cầu CAFI chịu trách nhiệm về những gì diễn ra. Báo cáo của TI khuyến nghị CAFI áp dụng các biện pháp minh bạch và trách nhiệm giải trình của riêng mình, bao gồm chính sách công bố thông tin mạnh mẽ, đăng tải thông tin rộng rãi trên trang web của mình bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp, mở các cuộc họp với quan sát viên xã hội dân sự và xuất bản biên bản ghi nhớ với các đối tác phát triển – bao gồm các chi tiết chuyển tiền.

– Ngăn chặn và chấm dứt tham nhũng

Để phát hiện và ngăn chặn tham nhũng, đồng thời bảo đảm rằng không có ai tố cáo hành vi sai trái bị trả thù. Báo cáo của TI kêu gọi CAFI đưa ra các thủ tục khiếu nại rõ ràng, dễ tiếp cận và thiết lập cơ chế bảo vệ người tố cáo của riêng mình…

– Ngăn ngừa xung đột lợi ích

Một lỗ hổng lớn trong quá trình ra quyết định của CAFI cho phép các cơ quan thực hiện vào vị trí của cơ quan ra quyết định, từ đó gây ra xung đột lợi ích đáng kể. Để ngăn cản điều này, TI khuyến nghị CAFI công khai các tuyên bố về xung đột lợi ích từ các thành viên và yêu cầu những người ra quyết định tạm dừng vai trò thực hiện của họ.

– Hướng tới quản trị mạnh mẽ hơn

Ban điều hành của CAFI ghi nhận Báo cáo của TI là “công cụ quan trọng kịp thời nhất”. Cùng với các đánh giá độc lập khác trong năm 2020, CAFI sẽ thông báo về việc sửa đổi các thủ tục của CAFI, làm cho chúng trở nên minh bạch và hiệu quả hơn. Các khuyến nghị của TI đã tạo ra sự thay đổi. Trước cuộc họp Ban điều hành sắp tới của CAFI vào tháng 11, các thành viên của Ban sẽ được yêu cầu gửi báo cáo xung đột lợi ích, thay vì tính chất tự nguyện như trước đây.

Các khuyến nghị khác đang chờ Ban Điều hành CAFI phê duyệt chính thức tại cuộc họp tháng 11 tới.