Bà Rịa – Vũng Tàu: Nguồn nước đang suy kiệt!

Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đang chuyển sang trạng thái bán khô hạn. PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, ĐH Quốc gia Hà Nội cảnh báo, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy BR-VT phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng…

Ngày 04/03, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Đình Hòe đã công bố một số số liệu nghiên cứu phục vụ kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh BR-VT đến năm 2015 tầm nhìn 2020.

Theo số liệu thống kê của 3 trạm khí tượng: Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu trong giai đoạn 1978-1985 cho thấy độ bốc hơi trung bình/năm cả tỉnh là 1.978,4mm, trong khi lượng mưa trung bình/năm là 1.480mm. Chỉ số khô hạn giai đoạn này là 1,33.

Theo các số liệu tính toán chỉ số khô hạn suốt 30 năm qua tới nay luôn lớn hơn 1,0 cho thấy BR-VT đã chớm chuyển sang trạng thái bán khô hạn. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm là mùa thiếu nước, đặc biệt vào 3 tháng đầu năm dương lịch không có mưa.

Trong khi đó, các dòng sông cung cấp nước cho tỉnh chủ yếu là những sông nội tỉnh là sông Dinh và sông Ray. Đặc điểm của hai con sông này là ngắn và có lưu vực nhỏ, hiện đang bị ô nhiễm. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, nguồn nước dự trữ của tỉnh bình quân theo đầu người là 1.049 m3/người/năm. Khả năng cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất vào 2010 chỉ còn khoảng 892,85 m3/người/năm. So với chuẩn cấp nước bền vững cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuât (2.500 m3/người/năm) thì khả năng cung cấp nguồn tài nguyên nước của BR-VT chỉ đạt 35,7%!.

Còn so với tiêu chuẩn của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), ngưỡng cực kỳ thiếu nước là dưới 2.000 m3/người /năm thì BR-VT thuộc loại cực kỳ thiếu nước.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe dẫn một số hiện tượng báo hiệu quá trình bán khô hạn ở BR-VT đã và đang diển ra. Đó là hiện tượng các cảnh quan núi thấp có đá lộ đầu, các trảng cây bụi, cây chịu hạn lá nhỏ hoặc cây có gai xen trảng cỏ phát triển nhiều nơi ở các dải đất dốc huyện Tân Thành và các vùng ven biển. Sự hình thành các cảnh quan này phản ánh sự thiếu nước từ lâu của hệ sinh thái.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, việc gia tăng sử dụng nước quá mức của BR-VT phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội dẫn đến hệ sinh thái tự nhiên bị tước đoạt nguồn nước. Từ đó, quá trình khí hậu chớm chuyển sang bán khô hạn trong nhiều thập kỷ qua sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Cảnh báo thảm họa môi trường vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Theo cảnh báo của các chuyên gia môi trường, hàng chục triệu người sống quanh lưu vực sông Đồng Nai sẽ có nguy cơ thiếu nguồn nước sinh hoạt do nước sông bị ô nhiễm.

Đến năm 2010, với đà phát triển như quy hoạch thì vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có 74 KCN-KCX đi vào hoạt động thì mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai sẽ phải tiếp nhận khoảng 1,54 triệu m3 nước thải công nghiệp, trong đó có khoảng 278 tấn cặn lơ lửng, 231 tấn BOD5, 493 tấn COD, 89 tấn Nitơ tổng, 12 tấn Phospho và nhiều kim loại nặng cùng với các tác nhân ô nhiễm độc hại khác.

Kèm theo, mỗi ngày sông Đồng Nai còn “tiếp nhận” khoảng 1,73 triệu m3 nước thải sinh hoạt, trong đó có khoảng 702 tấn cặn lơ lửng, 421 tấn BOD5, 756 tấn COD, 59 tấn Nitơ tổng, 15 tấn Phospho tổng, 243 tấn dầu mỡ phi khoáng và nhiều vi trùng gây bệnh khác cũng sẽ được xả thẳng ra hệ thống sông Đồng Nai. (Theo Bộ TN-MT).