Gian nan giữ rừng U Minh Hạ

Sau những cơn mưa trái mùa là nắng hạn. Gần 25 nghìn ha rừng tràm U Minh hạ đang cạn kiệt nước, báo động cháy ở cấp độ cao nhất. Cà Mau đã và đang triển khai nhiều biện pháp chống hạn, phòng, chống cháy rừng với quyết tâm cao nhất không để xảy ra cháy rừng trong mùa khô này.

Chủ động phòng cháy rừng

Ðầu tháng ba, về lại U Minh hạ. Sau những cơn mưa trái mùa, nắng hạn trở nên gay gắt hơn. Con đường láng nhựa hơn 40 km chạy theo bìa rừng về huyện U Minh, nhiều kênh mương đã cạn kiệt nước, phơi đáy. Vậy mà rừng tràm vẫn xanh thẳm, tràn sức sống. Hoa tràm nở trắng.

Là người gắn bó gần bảy chục năm với rừng tràm U Minh hạ, lão nông Trần Văn Bảnh, nhà ở đầu kênh Khai Hoang với kinh nghiệm riêng: “Sáng sớm, nhìn đâu cũng thấy sương mù giăng giăng; giữa trưa trời trong xanh, cao vời vợi, nắng chói chang… ắt là khô hạn sẽ gay gắt”.

Theo chủ tịch UBND huyện U Minh Ðỗ Văn Sơ: Từ sau Tết nguyên đán đến nay, U Minh đã dồn sức cho công tác chống hạn, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn rừng tràm trong mùa khô này. Thực ra, công tác chống hạn, phòng, chống cháy rừng (PCCR) đã được huyện và Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các chủ rừng phối hợp triển khai từ đầu tháng mười năm trước, khi mùa mưa sắp kết thúc. Ðó là việc tự chủ xây dựng các phương án chống hạn, PCCR của các đơn vị và các chủ rừng, sau đó tiến hành xét duyệt, kiểm tra một cách cụ thể phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi nơi.

Từ các phương án này, các đơn vị và chủ rừng triển khai thực hiện công tác chống hạn, PCCR trên phần mình quản lý một cách hiệu quả nhất. Thông qua đó, U Minh đã vận động được hầu hết người dân sống trên lâm phần cùng với các đơn vị quản lý đào đắp hàng trăm con đập thời vụ, củng cố hệ thống bờ bao khép kín toàn tuyến, khơi thông dòng chảy nhằm tích trữ nước, giữ và duy trì kéo dài độ ẩm dưới chân rừng để hạn chế làm chậm mức độ khô hạn nhanh.

Việc đóng cửa rừng, không cho người vào rừng trong thời điểm khô hạn gay gắt cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân sống trong lâm phần nâng cao ý thức trách nhiệm PCCR cũng được coi trọng; nhất là phát huy vai trò đầu mối của các đoàn thể, các đội thanh niên xung kích, các tổ đoàn kết sản xuất về nghề rừng có tác dụng thiết thực.

Tuy đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng đã có hơn 3 nghìn hộ dân trên lâm phần nhận khoán rừng và đất rừng đã ký cam kết, tự nguyện và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho công tác chống hạn, giữ và PCCR. Huyện U Minh hiện có 36 nghìn ha rừng tràm trên tổng diện tích gần 50 nghìn ha rừng tràm của toàn tỉnh Cà Mau. Ðến thời điểm này, phần lớn diện tích rừng tràm trên địa bàn huyện U Minh dù đã khô hạn nhanh, nhưng vẫn còn cầm cự được.

Nhờ những biện pháp chủ động chống hạn ngay từ đầu cho nên từ đầu mùa khô đến nay, U Minh vẫn chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào. Tại tập đoàn sản xuất số 1, tiểu khu 2, thuộc Công ty Lâm nghiệp U Minh hạ, nhiều nông dân tâm huyết với rừng, cho biết: Ở đây có nhiều hộ đã tự trang bị máy bơm nước và khi cần mỗi ngày bơm nước vào rừng từ 2-3 giờ; tuy có tốn kém nhưng bù lại đã giữ được rừng khỏi bị cháy trong nhiều năm liền. Việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân sống trên lâm phần chính là xây dựng “một đường băng” cản lửa hiệu quả nhất trong công tác chống hạn, PCCR tại Cà Mau trong vài năm gần đây.

Quyết liệt giữ từng gốc tràm

Từ huyện U Minh, theo một con đường mới mở, nhiều đoạn vừa được rải đá, láng nhựa, chạy men theo bìa rừng, phục vụ cho công tác PCCR. Giám đốc, Nguyễn Văn Thế, nói rằng: “cứ đến hẹn lại lên”, hằng năm vào mùa khô là chúng tôi lại phải đối mặt với bao nhiêu nhọc nhằn, gian nan, nhưng vẫn quyết giữ cho rừng tràm yên bình. Ðến thời điểm này, đã có hơn 4,5 nghìn ha rừng ở đây bị khô nước, đặt trong tình trạng cấp độ báo cháy cao nhất.

Với kinh nghiệm của mình, đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai phương án chống hạn, PCCR rất cụ thể, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn. Ngay từ đầu mùa khô năm 2007, đơn vị đã thực hiện việc đóng cửa rừng. Toàn bộ hệ thống bờ bao, kênh mương đã được đắp đập, khóa kín để giữ lại lượng nước nhằm bù đắp lượng nước bốc hơi, duy trì độ ẩm cho rừng, kéo dài sự sống lớp thực vật, lớp than bùn nhằm giảm khô hạn trước khi mùa mưa đến. Trong những ngày qua, nước trên lâm phần rút khá nhanh, nhiều con kênh dẫn nước đã nằm phơi đáy. Ðể giữ từng gốc tràm, công tác PCCR ở đây càng khẩn trương, quyết liệt hơn với nhiều cách làm thiết thực theo phương châm 4 tại chỗ: như động viên, khuyến khích anh em bám rừng tại các chốt trạm gác rừng…

Hiện Vườn quốc gia đã bố trí 30 chốt và hơn trăm chiến sĩ kiểm lâm canh trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng cứu trên toàn địa bàn khi xảy ra tình huống cháy, kịp thời dập tắt không để cháy lây lan và cháy lớn. Số anh em kiểm lâm này được trang bị máy thông tin bộ đàm, thay nhau cắt và luồn rừng xuyên suốt từ sáng đến chiều tối nhằm thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, ngăn chặn phát hiện người lạ vào rừng săn thú, bắt cá, đốt ong lấy mật là nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ cháy rừng.

Ðơn vị đã san ủi hơn 40 km lộ giao thông xuyên rừng bảo đảm xe ô-tô, xe máy đi đến tất cả các chốt, trạm; phát dọn làm sạch gần 200 km đường băng trắng, băng xanh cản lửa ở những vị trí xung yếu và chung quanh lâm phần phục vụ công tác PCCR. Các phương tiện như máy bơm nước công suất lớn, ống dẫn nước, máy thông tin liên lạc; công tác hậu cần được tổ chức khá chặt chẽ, triển khai xuống túc trực từng địa bàn, từng tiểu khu.

Vào những ngày này, đơn vị đã chỉ đạo việc bơm nước tiếp sức vào những giờ cao điểm dễ phát cháy vào buổi trưa tại một số tiểu khu, vị trí xung yếu ở các cánh rừng. Việc bơm nước chống hạn có tác dụng cầm cự, duy trì độ ẩm cho từng gốc tràm rất tốt, giữ cho rừng Vườn quốc gia trụ vững, xanh tươi.

Vườn quốc gia U Minh hạ hiện có hơn 450 hộ dân sống trong vùng đệm. Lâu nay, do coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác, cho nên đơn vị đã tạo dựng được lòng tin và người dân ở đây đã chung sức tham gia công tác PCCR trong mùa khô này rất tích cực. Ðã có hàng trăm hộ dân đã nhận đất; được tổ chức thành các tổ, đội từ 10-15 hộ ký cam kết bảo vệ rừng.

Ðể người dân yên tâm, nhất là với những gia đình quá khó khăn do không thu được nguồn lợi từ rừng trong mùa khô, đơn vị đã hỗ trợ tiền, gạo ăn; cấp phát phương tiện chữa cháy như ống dẫn nước, các dụng cụ cầm tay; thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con cộng đồng trách nhiệm PCCR.

Vườn quốc gia U Minh hạ có diện tích trên 10 nghìn ha, trong đó diện tích có rừng gần 8 nghìn ha. Ðây là khu rừng gần như còn nguyên, với hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, phong phú nhất của toàn bộ vốn rừng U Minh hạ và được gìn giữ bảo vệ nghiêm ngặt nhất lâu nay. Ý thức được về khu rừng quý hiếm và cũng như rút ra những kinh nghiệm về công tác PCCR, trong 5 năm vừa qua, tập thể cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm và người dân ở đây “cứ đến hẹn lại lên” đã nỗ lực khá tốt công tác bảo vệ, không để xảy ra vụ cháy lớn nào và giữ được sự bình yên cho rừng Vườn quốc gia.

Giải pháp phòng, chống cháy dài lâu

Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Lê Văn Hải, cho biết: Theo kinh nghiệm, năm nay là năm đúng chu kỳ rừng có thể cháy lớn; là năm dự báo xảy ra hiện tượng El Nino. Toàn tỉnh hiện có gần 25/49 nghìn ha rừng tràm U Minh hạ bị khô hạn; trong số này gần 12 nghìn ha đang trong tình trạng báo động cháy ở cấp độ cao nhất và có thể cháy bất cứ lúc nào.

Trước tình hình trên, tỉnh đã chỉ đạo Công ty lâm nghiệp, đơn vị quản lý, các địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng; tổ chức đắp hơn 300 đập lớn nhỏ giữ nước; phát hoang dọn dẹp, khơi dòng chảy thông thoáng gần 1.000 km kênh dẫn, đường băng cản lửa, chuẩn bị gần 160 máy bơm công suất lớn, hàng chục nghìn mét ống dẫn nước và vòi bơm nước… Toàn bộ số phương tiện PCCR được đưa về đến điểm tập kết.

Ðối với những khu rừng xung yếu, quý hiếm thực hiện việc bơm nước tiếp sức vào giờ cao điểm; tổ chức canh trực ngày đêm từ 123 chòi cao trên khắp lâm phần và qua đó giúp lực lượng bảo vệ rừng có thể xác định được vị trí, tọa độ và mức độ cháy của mũi lửa nhanh và chính xác; từ đó kịp thời huy động lực lượng đến hiện trường dập tắt lửa ngay.

Tỉnh đã phân công cán bộ đầu ngành tỉnh cùng với đơn vị, địa phương có rừng phụ trách, bám từng địa bàn; mọi phương án đều được rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên bởi Ban chỉ đạo PCCR cấp tỉnh, huyện nhằm kịp thời đối phó khi có cháy. Trên vùng đệm toàn lâm phần U Minh hạ hiện có gần 6 nghìn hộ dân sản xuất sinh sống từ nghề rừng. Hầu hết số hộ này đã ký cam kết, giao ước cộng đồng trách nhiệm nâng cao ý thức bảo vệ, PCCR. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Công ty lâm nghiệp, đơn vị quản lý và địa phương có rừng quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân mưu sinh từ nghề rừng còn nhiều khó khăn như khoan lắp đặt thêm một số giếng nước ngầm nơi rừng xung yếu, cụm dân cư, hỗ trợ gạo ăn và không để cho bà con thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô này.

Hiện toàn lâm phần đã có hơn 4.000 người là tình nguyện viên, tham gia lực lượng xung kích; được tổ chức thành nhiều nhóm, tổ, trung đội, đại đội tự vệ và được hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ chữa cháy, ra sức bảo vệ rừng khi có tình huống xấu. Vài năm gần đây, Cà Mau đã đầu tư hàng chục tỷ đồng đào mới, nạo vét, bố trí lại hệ thống cống đập, đê bao, kênh, mương, làm mới đường giao thông rãi đá, thảm nhựa, san ủi đường đất luồng rừng gần như khép kín toàn tuyến chính của U Minh hạ nhằm phục vụ công tác vận chuyển người, phương tiện, vật tư PCCR, đồng thời giúp cho bà con trong vùng đi lại dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, để có bước đi, cách làm căn cơ về lâu dài, Cà Mau vừa triển khai Dự án nâng cao năng lực PCCR, với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 27 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 7 tỷ đồng. Mục tiêu của dư án này là khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún gây tốn kém và lãng phí lớn mà nhiều năm qua cứ vào mùa khô Cà Mau lại tốn kém nhiều tỷ đồng nhưng rừng vẫn cháy…

Về lại U Minh hạ, gặp và hỏi chuyện những người đêm ngày bám rừng, chúng tôi đều ghi nhận sự nỗ lực và quyết tâm cao trong công tác chống hạn, PCCR. Nhiều ý kiến cho rằng: để rừng không bị xâm hại, hạn chế cháy lớn, vấn đề cốt lõi vẫn là tạo công ăn việc làm ổn định, căn cơ; nâng cao ý thức trách nhiệm của cư dân sống trên lâm phần.