Không phải voi hay tê giác, đây mới là sinh vật bị buôn lậu nhiều nhất hành tinh và nỗi trăn trở của khoa học

Càng cấm, con người càng săn đuổi chúng vì món lợi có thể mang lại. Và như một vòng luẩn quẩn, tình trạng của loài vật này càng trở nên tồi tệ hơn.

Như một vòng luẩn quẩn: Luật pháp đưa ra để bảo vệ các loài động vật quý hiếm khỏi bị săn đuổi, nhưng càng cấm thì càng hiếm, thu lợi càng cao và người ta càng làm. Rốt cục thì ở thời điểm hiện tại, săn trộm và buôn bán động vật hoang dã đã luôn là vấn đề hết sức nan giải đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhưng liệu bạn có biết đâu là loài vật bị săn trộm và buôn lậu nhiều nhất hành tinh này không? Hổ, voi, tê giác, sư tử, rắn? Đều không phải! Đáp án là tê tê, nằm trong số sinh vật thuộc tình trạng nguy cấp nhất hiện nay.

Vảy của tê tê – dược liệu quý trong y học cổ truyền Trung Quốc.

Sinh vật nguy cấp nhất

Vận mệnh gắn liền với tê tê của Elisa Panjang bắt đầu từ năm 10 tuổi, khi cô sống trong một ngôi làng giữa rừng ở phía Bắc đảo Borneo (Malaysia). Giờ đây, cô là một chuyên gia thuộc Trung tâm bảo tồn Danau Girang (Sabah, Malaysia), chuyên nghiên cứu về chính loài vật hiện đang ở trong tình trạng nguy cấp bậc nhất Đông Nam Á.

Panjang kể lại rằng khi còn bé, một ngày cô đang chạy ra ngoài chơi thì bắt gặp một sinh vật có màu nâu, thân chứa vảy đang bò một cách chậm rãi ngoài bìa rừng.Vốn đã quá quen với nhiều loài vật hoang dã như lợn rừng hoặc chồn, nhưng sinh vật kia thực sự khá mới mẻ với cô bé Panjang 10 tuổi.

Không phải voi hay tê giác, đây mới là sinh vật bị buôn lậu nhiều nhất hành tinh và nỗi trăn trở của khoa học – Ảnh 2.
Panjang vội chạy đến hỏi mẹ, và nhận được câu trả lời rằng đó là một con “tenggiling” – tên gọi tiếng Malaysia dành cho tê tê. Chúng ăn kiến, và có lớp vảy rất cứng.

Vẻ ngoài kỳ lạ của tê tê đã khiến Panjang cảm thấy ngỡ ngàng. “Tôi thích nó luôn từ cái nhìn đầu tiên. Chỉ lần đầu gặp mà tê tê đã trở thành loài vật tôi thích nhất,” – Panjang kể lại.

Từ sự tò mò, Panjang tìm hiểu nhiều hơn về tê tê. Đề tài khóa luận tốt nghiệp đại học của cô là tê tê Java. Luận văn thạc sĩ cũng là tê tê, và cả đồ án tiến sĩ tại ĐH Cardiff (Anh Quốc) cũng vậy. Nhưng càng tìm hiểu về tê tê, Panjang càng nhận ra một sự thật: số lượng của chúng đang giảm đi một cách đáng sợ.

Bị buôn lậu nhiều nhất thế giới

Trên thế giới có 8 loài tê tê sinh sống tại châu Phi và châu Á, tất cả đều đang ở tình trạng nguy cấp. Dù vào tháng 1/2017, lệnh cấm buôn bán trao đổi tê tê quốc tế đã được ban hành, nhưng nạn buôn lậu vẫn tiếp tục diễn ra. Ở Đông Nam Á, loài tê tê Java bị săn trộm và tuồn sang tiêu thụ ở một số quốc gia như Trung Quốc – nơi thịt và vảy tê tê đều có giá trị cao.

Từ năm 2015, Panjang và các nhà bảo tồn khác tại Sabah đã kiến nghị nhà chức trách áp dụng lệnh cấm mạnh mẽ hơn để bảo vệ tê tê Java. Công sức của họ dường như đã được đền đáp vào Ngày Tê tê Thế giới 2018 (tổ chức ngày 18/2), khi chính phủ Malaysia tình trạng bảo vệ trong bộ luật. Trước ngày hôm đó, việc săn bắt tê tê vẫn được hợp pháp tại một vài tiểu bang, thì nay hoàn toàn bị nghiêm cấm.

Trong giai đoạn 2010 – 2015, nhà chức trách tại 67 quốc gia đã tịch thu được những lô hàng chứa 47.000 con tê tê nguyên con, và một vài lô khác có trọng lượng khoảng 120 tấn chứa các bộ phận của tê tê. Những con số này được ghi nhận trong báo cáo của TRAFFIC – tổ chức phi chính phủ theo dõi nạn buôn lậu động vật hoang dã.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những kẻ buôn lậu ngày càng trở nên cơ động hơn. Chúng sử dụng hơn 150 tuyến đường hết sức đặc biệt, và mỗi năm bổ sung thêm khoảng 27 tuyến mới. Đa số tê tê săn được chuyển tới Trung Quốc. Tháng 11/2017, chính phủ Trung Quốc thu giữ lô hàng vảy tê tê nặng 11,9 tấn tại một cảng phía nam. Ước tính, số vảy ấy đến từ ít nhất 20.000 con tê tê tại châu Phi.

Một trong những câu hỏi lớn đối với các nhà khoa học, đó là tại sao những kẻ săn trộm có thể săn được số lượng tê tê lên tới cả ngàn con? Nói một cách công bằng thì tê tê khá dễ bắt. Chúng chậm chạp, nặng nề do cấu tạo khá bất cân xứng giữa thân và đuôi mà tạo hóa đưa ra. “Nếu thấy một con ở trong rừng, chắc chắn bạn sẽ bắt được nó,” – Panjang cho biết. Nhưng có tìm được chúng hay không thì lại đi một nhẽ khác.

Không phải voi hay tê giác, đây mới là sinh vật bị buôn lậu nhiều nhất hành tinh và nỗi trăn trở của khoa học – Ảnh 4.
Theo Panjang, tê tê Java là loài vật sống độc lập và lẩn trốn khá kỹ. Chúng di chuyển một cách lặng lẽ trong rừng, với bộ vảy màu nâu tạo nên một lớp ngụy trang tương đối hoàn hảo. Chúng có thể trốn trong các hang hốc, hoặc leo lên cây với tốc độ khá nhanh. Trong 7 năm nghiên cứu về loài vật này, với sự hỗ trợ của bẫy camera, GPS và các hướng dẫn viên là con người, Panjang cũng chỉ tìm thấy khoảng 7 con ngoài tự nhiên thôi.

Vậy nếu tê tê khó tìm như vậy, làm sao những kẻ săn trộm có thể ra tay. Panjang cho biết, một cựu thợ săn tê tê đã tiết lộ rằng thực ra họ cũng phải tốn nhiều thời gian. Để làm được, họ giăng một tấm lưới tê tê dài tới cả trăm mét trên nền đất rừng, và tiến hành thu hoạch sau khi thu được một số lượng đủ lớn.

Con đường bảo vệ gặp quá nhiều trắc trở

Tại Malaysia, người dân địa phương từng săn đuổi tê tê làm thực phẩm. Giờ thì chẳng ai ăn tê tê nữa, mà họ bán chúng đi. Đó là một nguồn lợi rất lớn, do nhu cầu tê tê từ Trung Quốc ngày càng tăng.

Năm 2015, các nhà bảo tồn tại Sabah đã phải đối mặt với cuộc chiến rất khó khăn để nâng tê tê thành loài được bảo vệ hoàn toàn bởi pháp luật. Cuộc chiến này yêu cầu họ phải cung cấp bằng chứng khoa học xác thực về việc tê tê đang bị đe dọa. Nhưng vấn đề là có bao nhiêu con tê tê Java còn sót lại ngoài tự nhiên, câu hỏi này chẳng ai có thể trả lời, kể cả bây giờ. Bởi thiếu số liệu, đề xuất của họ bị từ chối. Rồi họ lại đề xuất, lại tiếp tục bị từ chối.

Chúng tôi không thể trả lời mọi số liệu mà họ cần. Thật sự rất mệt mỏi và kiệt quệ,” – Panjang cho biết.

Tê tê có thể được dùng làm thực phẩm ở một số quốc gia.

Đội nghiên cứu sau đó quyết định đổi chiến thuật. Họ thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng đối với tê tê, rằng loài vật này đang thực sự ở trong tình trạng nguy cấp, cộng thêm việc cung cấp số liệu về buôn bán tê tê trái phép. Cuối cùng sau 6 lần bị từ chối, bản đề xuất đã được chấp thuận.

Theo Panjang, luật pháp chỉ là một phần, còn lại thuộc về con người. Những nhà bảo tồn như cô đã tổ chức những buổi workshop tại trường học và làng mạc, kêu gọi truyền thông lên tiếng. Giờ đây, ý thức của người dân đã được dâng cao, đến mức đôi lúc cô còn nhận được cuộc gọi lúc nửa đêm để thông báo về việc tìm thấy tê tê bị thương.

Khoảng 5 năm trước, đừng bao giờ nghĩ sẽ có một cuộc gọi như thế tồn tại. Điều này thực sự rất ổn.

Các thợ săn địa phương cũng dần thay đổi. Có lần, một thợ săn về hưu tìm thấy tê tê trong bẫy. Thay vì giữ lại bán, ông giao nộp nó cho Panjang.

Một buổi học nâng cao nhận thức về tê tê do các nhà bảo tồn tổ chức.

Theo đánh giá của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), tê tê Java có thể sẽ chính thức tuyệt chủng trong vòng 1 thập kỷ tới, nếu không ngăn chặn được nạn săn trộm và buôn bán trái phép.