Đấu tranh giữ hồn cho dòng Mê Kông

Tháng 6/2020, Báo cáo thường niên Thủy sản và Ngư nghiệp thế giới do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc xếp lưu vực Mê Kông là ngư trường nước ngọt giàu có nhất thế giới, chiếm 15% sản lượng cá nước ngọt đánh bắt được. WWF ước lượng phần đóng góp của Mê Kông lên tới 1/4 sản lượng thế giới. Ngư trường này đóng vai trò thiết yếu với an ninh lương thực của hàng chục triệu người Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, đồng thời được chu trình dòng chảy tự nhiên của sông Mê Kông nuôi nấng. Thường thì vào thời điểm này trong năm, Mê Kông sẽ chuyển đổi từ dòng chảy cạn của mùa khô sang mùa mưa mang nước lũ đến bồi đắp cho cả lưu vực.

Mỗi năm, xung lũ trong mùa mưa sẽ đưa nước sông Mê Kông ngược trở lại hồ Tonle Sap (Campuchia) qua một dòng nhánh ở Phnom Penh, giúp mở rộng hồ lên gấp 5 lần mùa khô. Tonle Sap là đặc trưng tiêu biểu nhất của Mê Kông và là nền tảng cho ngư nghiệp cả dòng sông. Hồ rộng ra và co lại đáng kể vào mùa khô, nơi tạo ra 500.000 tấn cá đánh bắt trong hồ và đưa cá di cư đi khắp lưu vực Mê Kông.

Xung lũ mùa mưa cũng vô cùng thiết yếu với ngành nông nghiệp hai bờ sông, bồi đắp sinh kế cho hàng triệu người sống dọc dòng chính và các dòng nhánh. Ở quy mô lớn hơn, lũ mang trầm tích màu mỡ tới các vùng ngập ở đồng bằng trải dài từ phía tây bắc Campuchia tới Việt Nam. Tuy nhiên, dòng chảy tự nhiên của sông Mê Kông và nhịp tim của hồ Tonle Sap đang bị suy giảm do các con đập ở Trung Quốc và cả các nước hạ nguồn giữ nước lại. Khi lượng mưa trong mùa mưa thấp như hiện nay, các con đập giữ nước càng khiến xung lũ Mê Kông yếu hơn. Năm nay, xung lũ Mê Kông lại đến muộn.

Sinh kế hàng chục triệu người sống hai bên bờ Mê Kông phụ thuộc vào dòng chảy tự nhiên con sông. (Ảnh: TNN)

Đầu tháng 7/2020, các tổ chức nghiên cứu học thuật của Trung Quốc, kể cả Đại học Thanh Hoa công bố một nghiên cứu (gọi tắt là nghiên cứu Thanh Hoa) biện minh rằng vào mùa mưa, chính việc các đập thượng nguồn ở Trung Quốc giữ nước có tác động tích cực đến sông Mê Kông. Nghiên cứu này khiến cộng đồng quan tâm nhưng nhóm tác giả đã lờ đi tầm quan trọng của dòng chảy tự nhiên sông Mê Kông và nguồn tài nguyên được chính dòng chảy này tạo ra.

Nghiên cứu Thanh Hoa được thực hiện để đáp lại nghiên cứu của tổ chức Eyes on Earth (EoE) công bố vào tháng 4. Nghiên cứu EoE so sánh số đo thực tế của Ủy hội sông Mê Kông tại trạm đo Chiang Saen, Thái Lan (gần Trung Quốc nhất) với mô hình dòng chảy tự nhiên dẫn xuất từ chỉ số độ ẩm lấy từ dữ liệu viễn thám để đo mọi loại độ ẩm, kể cả lượng mưa, tuyết tan, nước ngầm, nước bốc hơi, thậm chí sương móc.

Nghiên cứu EoE phát hiện ra cách điều tiết đập thượng nguồn ở Trung Quốc đã thay đổi lớn đến dòng chảy tự nhiên sông Mê Kông, giữ lại một lượng lớn nước vào mùa mưa 2019 vào thời điểm các nước hạ nguồn đang hứng chịu hạn hán khốc liệt vì thời tiết.

Theo dòng chảy tự nhiên, xung lũ Mê Kông sẽ thể hện ở Chiang Saen nhưng các đập thượng nguồn giữ nước đã trung hòa xung lũ đó. Nghiên cứu kết luận việc Trung Quốc vận hành 11 con đập thượng nguồn đã làm trầm trọng thêm hạn hán ở các nước hạ nguồn. Các cuộc điều tra tiếp theo cho thấy chỉ riêng 2 đập lớn nhất là Tiểu Loan và Nọa Trác Độ đã giữ lại 20 tỷ mét khối nước trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11/2019. Hình ảnh vệ tinh chỉ rõ các đập này hiện vẫn giữ lại nước như năm ngoái.

Nghiên cứu Thanh Hoa cũng đưa ra những kết quả và kết luận phù hợp với nghiên cứu EoE. Cả hai đều nghiên cứu mô hình dòng chảy sông trong 10 năm (2010-2019), cho thấy các đập ở Trung Quốc xả nước chủ yếu vào mùa khô và tích nước (so sánh với dòng chảy tự nhiên) vào mùa mưa.

Nghiên cứu Thanh Hoa cũng xác định việc đo lượng mưa bằng công nghệ viễn thám là phương pháp đáng tin cậy để tính toán dòng chảy của sông, nhất là trong bối cảnh dữ liệu mạng lưới quan sát bề mặt ở Trung Quốc không đầy đủ để giám sát tình hình thượng nguồn trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, bất chấp những bất cập về dữ liệu, nhóm tác giả vẫn sử dụng mạng lưới dữ liệu còn nhiều hạn chế để đưa ra kết luận khu vực thượng nguồn hứng chịu hạn hán từ tháng 6 đến tháng 8/2019.

Ngược lại, nghiên cứ EoE khẳng định tới tận cuối năm 2019, thượng nguồn Mê Kông ở Trung Quốc vẫn đủ nước để tạo thành xung lũ ở Chiang Saen. Những phát hiện này được chứng thực bằng dữ liệu viễn thám sẵn có từ Google’s Earth Engine.

Trong khi đó, nghiên cứu Thanh Hoa kết luận rằng lưu vực Mê Kông “đang liên tục hứng chịu hạn hán, tỷ lệ hạn hán xảy ra trong mùa khô cao hơn hẳn mùa mưa”. Giả thiết của nghiên cứu là “việc điều tiết các hồ chứa ở lưu vực Mê Kông đóng vai trò quan trọng trong ứng phó với hạn hán” và nhấn mạnh vai trò tích cực của các đập thượng nguồn ở Trung Quốc do giữ nhiều nước trong mùa mưa và xả vào mùa khô.

Kinh nghiệm lịch sử của Trung Quốc với các dòng sông cho thấy rõ mục tiêu khai thác và chế ngự các con sông để ngăn lũ lụt. Ví dụ trận lũ trên sông Dương Tử năm 1931 cướp đi mạng sống của 3,7 triệu người, lịch sử Trung Quốc cũng còn nhiều trận lụt khác lấy đi sinh mạng của ít nhất một triệu người. Những thảm họa đó khiến Trung Quốc nóng lòng kiểm soát hầu như mọi dòng sông tự do. Suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, các dòng sông được quan niệm là nguy hiểm và cần phải thuần phục để phục vụ con người. Hiện nay Trung Quốc muốn xuất khẩu kinh nghiệm lịch sử này tới các nước Mê Kông qua Cơ chế hợp tác Lan Thương – Mê Kông (LMC) và những nghiên cứu như nghiên cứu Thanh Hoa. Câu chú nhiệm màu của LMC là các con đập và điều tiết sông là cần thiết để kiểm soát lũ hiệu quả và giảm hạn hán.

Đó là một diễn ngôn nguy hiểm cho một hệ thống sông có chu trình dòng chảy tự nhiên đóng vai trò trụ cột cho an ninh lương thực và kinh tế các nước Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan. Mê Kông là một hệ thống sông hoàn toàn khác hẳn. Lịch sử chưa ghi nhận trận lụt nghiêm trọng nào giết chết hàng nghìn người ở lưu vực chứ chưa nói đến cả triệu người. Sản lượng của ĐBSCL – một trong những vùng sản xuất lúa gạo và nông sản lớn của thế giới – phụ thuộc vào lũ sông Mê Kông. Đỉnh lũ không xảy ra vào tháng 8/2019 ở Đông bắc Thái Lan và Nam Lào khiến nhiều cộng đồng sống phụ thuộc vào lũ gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu do MRC công bố năm 2017 ước tính lũ mùa mưa mang lại lợi ích kinh tế trị giá 8-10 tỷ đô la trong khi chỉ gây ra thiệt hại chưa đến 70 triệu. Lợi ích từ dòng chảy tự nhiên gấp hơn 100 lần thiệt hại.

Kết luận của nghiên cứu Thanh Hoa dựa trên một tiền đề sai. Sự thật là sự sống ở Mê Kông phụ thuộc vào xung lũ. Những nỗ lực để hạn chế xung lũ này dưới danh nghĩa “kiểm soát lũ” đe dọa đến sinh kế của hàng chục triệu nông dân và ngư dân hạ nguồn, trong khi bên hưởng lợi chỉ là những nhà vận hành đập và thị trường điện ở Trung Quốc.

Nhật Anh (Theo Bangkok Post)

Nguồn: