Nhóm các thành phố C40 cam kết phục hồi xanh hậu COVID-19

Nhóm các thành phố dẫn đầu về ứng phó biến đổi khí hậu C40 vừa công bố Chương trình nghị sự mới tập trung vào sức khỏe, không khí sạch và việc làm mới để phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Các thành phố lớn như Freetown (Sierra Leone), Hồng Kông, Lisbon (Bồ Đào Nha), Los Angeles, Seattle và New Orleans (Mỹ), Melbourne (Úc), Medellin (Colombia), Milan (Ý), Montreal (Canada), Rotterdam (Hà Lan), Seoul (Hàn Quốc) đang chung tay dẫn dắt cuộc phục hồi lành mạnh này.

Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 đang chạm ngưỡng 12 triệu và đe dọa lấy đi 305 triệu việc làm, các thành viên của C40 – một liên minh gồm 96 thành phố đại diện cho 700 triệu dân, mới đây đã đưa ra một loạt hành động và đề nghị lãnh đạo các thành phố nên thực hiện. Mục tiêu nhằm bảo vệ sức khỏe công dân, duy trì tăng trưởng, đảm bảo phục hồi kinh tế song hành với bảo vệ môi trường.

Các hành động được đề xuất bao gồm: Trả lại đường phố cho người dân, đào tạo và nâng cao năng lực cho công nhân, cung cấp công việc mới và đảm bảo một hệ thống giao thông công cộng an toàn. Với tiềm năng mang lại 24 nghìn tỷ USD vào năm 2050, các khoản đầu tư khí hậu có thể hỗ trợ hơn 80 triệu việc làm vào năm 2030.

Nhiều thành phố đã hành động nhanh hơn cả chính phủ quốc gia. Trong đợt dịch COVID-19, đã có hơn 2.000 km đường dành cho xe đạp đã được xây dựng thêm trên toàn cầu. Riêng thành phố Bogotá đã triển khai 35 km đường dành cho xe đạp và hệ thống phố cấm ô tô. London và Milan đang mở rộng hạ tầng và đưa ra kế hoạch thúc đẩy việc đi xe đạp và đi bộ trong cộng đồng.

Nhiều thành phố sẽ ưu tiên mở rộng hạ tầng cho các loại phương tiện không phát thải khí nhà kính

Thành phố Freetown đã tăng cung cấp nước tại những khu vực khan hiếm nước do chịu tác động của nắng nóng, hạn hán; trong khi TP Los Angeles đã lắp đặt miễn phí các tấm pin mặt trời tại nhà cho gần 2.000 gia đình thu nhập thấp. TP Seoul sẽ khởi động một kế hoạch tái kiến thiết các tòa nhà và dự kiến sẽ tạo ra 20.000 việc làm vào năm 2022.

Bên cạnh đó, TP Medellin đang đào tạo 25.000 người làm việc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới, các đối tượng thụ hưởng chủ yếu là phụ nữ, thanh niên và người cao tuổi.

Chương trình nghị sự do các thành viên của Uỷ ban đặc nhiệm phục hồi COVID-19 của nhóm thị trưởng toàn cầu lên kế hoạch, và được Ban chỉ đạo của Ủy ban phê duyệt.

Ông Sadiq Khan, Thị trưởng London, Vương quốc Anh chia sẻ: Khi London cùng cả thế giới bắt đầu bước ra khỏi đợt phong toả vì COVID-19, hợp tác toàn cầu giữa các thành phố sẽ là chìa khóa để chúng ta thực hiện một cuộc phục hồi đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp địa phương và toàn cầu. Chúng ta đang nắm trong tay cơ hội hiếm hoi một lần trong đời để cùng xây dựng lại các thành phố và nền kinh tế của mình theo hướng xanh hơn, công bằng hơn và bền vững hơn. Tôi rất mong đợi cơ hội được làm việc với các thị trưởng trên khắp thế giới để hiện thực hoá các hành động, bao gồm thúc đẩy nhu cầu cho gói kích thích xanh, trong đó tăng việc làm xanh và thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch để xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn.

Ông Sharan Burrow, Tổng thư ký, Liên đoàn Công đoàn Quốc tế (ITUC) hoan nghênh chương trình nghị sự mới này và cho rằng, các thành phố chính là chìa khóa dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn, khi công ăn việc làm phù hợp đi đôi với những chuyển đổi phi khí thải nhà kính trong tất cả các lĩnh vực. Hỗ trợ về kích thích kinh tế phải đi kèm với điều kiện đảm bảo công việc tốt và chuyển đổi công bằng. Không có công nhân và không cộng đồng nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Cùng quan điểm, Giáo sư Michael Jacobs cho rằng, khi chống chọi với dịch COVID 19 cũng như với khủng hoảng môi trường, nguy cơ từ việc chúng ta không làm gì lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro từ việc thực sự hành động. Từ những gì họ đã làm trong đợt đối phó với đại dịch, thị trưởng các thành phố đã chỉ ra rằng họ có khả năng hành động nhanh chóng và trên một quy mô lớn hơn những gì họ từng nghĩ .