Huy động đầu tư năng lượng sạch ở Đông Nam Á

Một số quỹ từ thiện toàn cầu lớn vừa công bố sáng kiến tài trợ từ thiện, nhằm huy động hơn 2,5 tỷ đô la Mỹ đầu tư tư nhân cho các dự án năng lượng sạch ở Đông Nam Á. Trong giai đoạn đầu, sáng kiến mới này tập trung vào các dự án tại Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Sáng kiến mới nhằm thu hút quỹ đầu tư cho năng lượng tái tạo

Công ty quản lý quỹ Clime Capital, Quỹ năng lượng sạch Đông Nam Á (SEACEF) sẽ quản lý nguồn quỹ này, với sự hỗ trợ của các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu quốc tế như: Sea Change Foundation International, Wellspring Climate Initiative, High Tide Foundation, Grantham Foundation, Bloomberg Philanthropies, Packard Foundation và Children’s Investment Fund Foundation.

Các tổ chức từ thiện toàn cầu bảo trợ đã đầu tư 10 triệu USD ban đầu vào quỹ và hiện đang tìm cách thu hút thêm 40 triệu USD. Dự kiến, mỗi đô la tài trợ loại hình đầu tư mạo hiểm có rủi ro cao do SEACEF triển khai này sẽ giúp khơi dòng vốn đầu tư tiếp theo vào các dự án đầu tư năng lượng sạch trên khắp Đông Nam Á lên cao gấp 50 lần – đạt hơn 2,5 tỷ USD tài sản – đồng thời giúp phát triển thị trường tại quốc gia đó.

Theo Bloomberg New Energy Finance, điện mặt trời (tấm pin quang điện mặt trời) và điện gió trên bờ hiện là nguồn rẻ nhất trong số các nguồn phát điện mới, có tiềm năng sẽ đảm bảo nguồn cung năng lượng cho 2/3 dân số toàn cầu. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này chỉ muốn tham gia khi dự án đã qua giai đoạn rủi ro ban đầu. Trong khi đó, nhiều dự án khả thi có tiềm năng tại Việt Nam, Indonesia, Philippines và các nước khác ở Đông Nam Á sẽ không được xây dựng nếu không có khoản tài trợ giai đoạn đầu.

Quỹ mới ra mắt vào thời điểm cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến cho các nguồn tài chính truyền thống cho năng lượng tái tạo bị thu hẹp. Ông Mason Wallick, Giám đốc điều hành Công ty quản lý quỹ Clime Capital, cho biết: “Ngay cả trong thời kỳ ổn định cũng rất khó để huy động 1 – 2% nguồn vốn để phát triển các dự án năng lượng sạch, vì đây là khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro cao nhất. Nguồn vốn đầu tư mới này có vai trò rất quan trọng trong thời điểm còn nhiều biến động như hiện nay, có thể giúp huy động nguồn tài trợ đáng kể cho giai đoạn đầu, biến các đề xuất thành các dự án năng lượng sạch lớn”.

Tài trợ giai đoạn đầu của SEACEF sẽ nhắm vào các công nghệ và mô hình kinh doanh đã được chứng minh trên toàn cầu như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và lưu trữ năng lượng; một số mô hình kinh doanh giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi sang carbon thấp như: các phương tiện giao thông chạy bằng điện, hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà và cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng sạch.

Các nhà quản lý quỹ kỳ vọng, sáng kiến này sẽ lấp đầy khoảng trống do các nhà đầu tư tài chính truyền thống để lại, giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường năng lượng sạch ở Đông Nam Á.