EC tham vấn về chính sách thương mại sau đại dịch COVID-19

Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi động chương trình đánh giá sâu rộng về chính sách thương mại của Liên minh châu Âu (EU).

Nhân viên kiểm tra dây chuyền sản xuất vaccine tại nhà máy của Viện Sanofi-Pasteur ở Val-de-Reuil, phía Tây Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tại châu Âu (EACC), Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã khởi động chương trình đánh giá sâu rộng về chính sách thương mại của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có sự tham vấn từ Nghị viện châu Âu, các quốc gia thành viên, các bên liên quan và xã hội dân sự.

Mục tiêu của EC là nhằm xây dựng sự đồng thuận liên quan đến định hướng chính sách thương mại của EU trong trung hạn, để ứng phó với nhiều thách thức toàn cầu mới, trong đó có tính đến các bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

EC cho rằng, một EU mạnh cần một chính sách thương mại và đầu tư mạnh mẽ để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tạo việc làm, bảo vệ các công ty châu Âu trước các hành vi không công bằng ở cả bên trong lẫn bên ngoài, đồng thời đảm bảo sự gắn kết với các ưu tiên rộng lớn hơn trong các lĩnh vực như phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, nền kinh tế kỹ thuật số và an ninh.

Ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch điều hành của EC về Một nền kinh tế Hoạt động vì Người dân, cho biết: “Để giúp khắc phục thiệt hại kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra, truyền động lực cho sự phục hồi châu Âu, bảo vệ và tạo việc làm, gần đây chúng tôi đã đề xuất một kế hoạch để phục hồi cho châu Âu dựa trên việc khai thác toàn bộ tiềm năng ngân sách EU.

EU là siêu cường thương mại thế giới. Thương mại mở và dựa trên quy tắc sẽ đóng góp đáng kể vào sự phục hồi toàn cầu. Chúng tôi cần đảm bảo rằng chính sách thương mại phục vụ công dân và công ty của châu Âu. Do đó, chúng tôi triển khai đánh giá chính sách thương mại để điều chỉnh cách tiếp cận của EU đối với thương mại toàn cầu tại thời điểm quan trọng này”.

Về phần mình, Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan cho rằng, hiện dịch COVID-19 đang định hình lại thế giới và chính sách thương mại của EU phải thích nghi để có hiệu quả hơn trong việc theo đuổi các lợi ích châu Âu. Do đó, EU cần tham vấn quan điểm của công dân và các bên liên quan để giúp khối này phát triển chính sách thương mại của mình đối với giai đoạn hậu COVID-19.

EU muốn chính sách của mình tiếp tục mang lại lợi ích cho người dân và các công ty châu Âu, củng cố tham vọng lãnh đạo toàn cầu trong một loạt lĩnh vực, nhưng cũng có cách tiếp cận cứng rắn hơn để tự vệ trước các hành động thù địch hoặc lạm dụng. EU phải duy trì thương mại tự do và công bằng, được củng cố bởi các quy tắc phù hợp cả trong EU và toàn cầu.

Theo EC, kết quả của cuộc tham vấn trên sẽ được công bố vào cuối năm nay, bao gồm tất cả các chủ đề liên quan đến chính sách thương mại của EU, với trọng tâm đặc biệt là: Xây dựng một nền kinh tế EU bền vững và linh hoạt sau đại dịch COVID-19; Cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Tạo cơ hội kinh doanh toàn cầu cho các doanh nghiệp và đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tối đa hóa sự đóng góp của chính sách thương mại để giải quyết các thách thức toàn cầu quan trọng như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững hoặc chuyển đổi kỹ thuật số; Tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư với các đối tác thương mại quan trọng; Cải thiện sân chơi bình đẳng và bảo vệ doanh nghiệp cũng như công dân EU.