Khối Thịnh vượng Chung bảo vệ rạn san hô bằng công nghệ vệ tinh

Các quốc gia thuộc khối Thịnh vượng Chung sẽ được tiếp cận miễn phí với công nghệ vệ tinh để giám sát và bảo vệ các rạn san hô nguy cấp khỏi những mỗi đe dọa như ô nhiễm, đánh bắt cá vô độ và sự cố khí hậu.

Các nước nằm trong khối này chiếm gần một nửa các rạn san hô nhiệt đới còn lại của thế giới với 47/54 quốc gia thành viên có biển. Gần một nửa trong số đó là các đảo hoặc quần đảo phải đối mặt với các mối đe dọa đặc biệt từ khủng hoảng khí hậu và các rạn san hô đóng vai trò thiết yếu trong việc chống lại các cơn bão, đồng thời là vườn ươm cá và trở thành điểm thu hút du lịch.

Khoảng 250 triệu người phụ thuộc trực tiếp sinh kế vào các rạn san hô. (Ảnh: Nick Graham/Lancaster University/PA)

Vậy nhưng gần như tất cả các rạn san hô đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong những thập kỷ tới khi khủng hoảng khí hậu xảy ra, và gần 1/2 các rạn san hô trên thế giới đã bị phá hủy hoặc bị hư hỏng nặng trong 30 năm qua do biến đổi khí hậu, đánh bắt cá vô độ, ô nhiễm và các hình thức khai thác khác. Khoảng 250 triệu người phụ thuộc trực tiếp sinh kế vào các rạn san hô.

Được biết, công nghệ vệ tinh sẽ sử dụng hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao kết hợp phân tích dữ liệu, từ đó cho phép các nhà khoa học biển, giới chức chính phủ và các nhà hoạch định chính sách theo dõi sức khỏe của các rạn san hô và thực hiện những hành động bảo vệ cần thiết. Phần mềm sẽ được cung cấp miễn phí cho các quốc gia thông qua quan hệ đối tác giữa khối Thịnh vượng Chung với Vulcan Inc – một nhóm có trụ sở tại Hoa Kỳ do đồng sáng lập Microsoft và nhà từ thiện Paul Allen sáng lập. Bản đồ tương tác rạn san hô mới sẽ được lưu trữ trực tuyến tại Trung tâm sáng tạo Khối Thịnh vượng Chung.

“[Các quốc gia] cần dữ liệu để biết những gì họ có thể làm trong ngân sách eo hẹp của mình. Chia sẻ thông tin sẽ khuyến khích chúng tôi làm tốt hơn”, theo Tổng thư ký Khối Thịnh vượng Chung Baroness Patricia Scotland.

Bà Scotland cho biết các cuộc khủng hoảng khí hậu và sinh thái cũng như đại dịch Covid-19 đòi hỏi phải hành động khẩn cấp và sức khỏe của các đại dương là một phần quan trọng của hệ sinh thái toàn cầu: “Thế giới đang nói với chúng ta rằng “Tôi không thể thở nổi. Khi chúng ta ngừng [khai thác], thiên nhiên sẽ tự phục hồi rất nhanh. Nhưng chúng ta không có nhiều thời gian”.

Theo các nhà vận động, ngày nay các khu bảo tồn biển chỉ có thể duy trì sự bảo vệ cơ bản trước một số hoạt động gây thiệt hại nhất như đánh bắt bằng lưới giã cào và các biện pháp bảo vệ khác nhau tùy từng địa điểm.

Các nhà vận động lo ngại rằng trong bối cảnh các cuộc cãi vã đang nổ ra, cả EU và Vương quốc Anh sẽ không giữ được cam kết về ngừng đánh bắt quá mức và tuân theo khuyến cáo khoa học về kích cỡ đánh bắt.

Thế Anh (Lược dịch từ Guardian)

Nguồn: