Càng xây đập ồ ạt, Lào càng lún vào bẫy nợ Trung Quốc

Covid-19 khiến Lào khá điêu đứng và chật vật trong việc bán trái phiếu đô la, gây thêm áp lực cho quốc gia trong cơn xoay sở trả nợ, đặc biệt là với chủ nợ Trung Quốc.

Các nguồn tin thân cận cho hay Chính phủ Lào đã và đang áp dụng thái độ “kiên nhẫn chờ đợi” trước khi tiến hành bán trái phiếu. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Lào vẫn xác nhận liệu việc bán trái phiếu có tiếp tục diễn ra trong năm nay hay không.

Công nhân thi công tuyến đường sắt cao tốc Côn Minh-Vientiane, đoạn ở Ngọc Khê, phía tây nam tỉnh Vâm Nam, Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Việc Lào hướng tới thị trường quốc tế đã được báo hiệu vào tháng 1 sau khi Lào nhận được xếp hạng tín dụng B3 lần đầu tiên từ Moody. Kết quả này chỉ đến sau 4 năm kể từ khi Lào bán 2 đợt trái phiếu trị giá 182 triệu đô la Mỹ cho các nhà đầu tư Thái Lan. Ngoài ra, Lào cũng phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng baht của Thái Lan nhằm lấp đầy kho bạc của mình.

Nhưng xếp hạng của Fitch đã phơi bày quy mô cuộc khủng hoảng tài chính đang lờ mờ hiện ra ở đất nước này. Giữa tháng 5, Fitch hạ triển vọng về nợ của Lào từ mức “ổn định” xuống thành “tiêu cực”.

Fitch nêu rõ “Negative Outlook đã phản ánh các tác động của cú sốc Covid-19 đối với nền kinh tế và thị trường tài chính, gây rủi ro tài chính bên ngoài Lào liên quan đến các khoản nợ nước ngoài sắp đáo hạn và lượng dự trữ ngoại hối thấp.

Cũng theo Fitch, tổ chức đã xếp hạng “B-” cho Lào, 900 triệu đô la thanh toán nợ nước ngoài sẽ đáo hạn trong năm nay, bao gồm hai khoản trái phiếu trị giá 250 triệu đô la cho Thái Lan. Và từ năm 2021 đến 2023, Lào phải bỏ ra 1 tỷ đô la thanh toán nợ nước ngoài mỗi năm.

Với mức dự trữ ngoại hối ước tính khoảng 1 tỷ đô la vào cuối tháng 3, khả năng huy động ngân sách để trả nợ của Lào rất bấp bênh. Fitch tin rằng chính phủ Lào sẽ tìm kiếm các khoản vay từ những ngân hàng thương mại để trả cho các khoản thanh toán nước ngoài.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), “lượng dự trữ ngoại hối dự kiến sẽ giảm trong năm 2020 và không đủ cho một tháng nhập khẩu”. Trong đánh giá kinh tế giữa tháng 5, WB cho biết đại dịch được dự báo sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của Lào năm 2020 lên 7,5-8,8% tổng sản phẩm quốc nội so với mức 5,1% năm 2019. “Do đó, mức nợ dự kiến sẽ tăng từ mức 59% GDP năm 2019 lên 65-68% GDP vào năm 2020”.

Giá trị của nền kinh tế Lào vào đầu năm 2020 là gần 20 tỷ đô la, cao hơn mức gần 18 tỷ đô la đầu năm 2019.

Ngân hàng đầu tư Pháp Societe Generale cho biết 80% số nợ năm 2019 của Lào bị chi phối bằng ngoại tệ và do nước ngoài nắm giữ, trong đó gần một nửa số nợ công thuộc về “ông chủ” Trung Quốc.

Tác động kinh tế của Covid-19 làm trầm trọng hơn tỷ lệ lây nhiễm ở Lào. Theo số liệu chính thức, đất nước 7 triệu dân này có 19 ca mắc bệnh và không có ca nào tử vong. Quốc gia vốn có hệ thống y tế yếu kém chỉ xét nghiệm 5.938 ca nghi nhiễm.

Chiến lược kiểm soát dịch bệnh của Lào, bao gồm cả lệnh phong tỏa đã gây ảnh hưởng tới các ngành dịch vụ như du lịch và khách sạn vốn đóng vai trò gia tăng dự trữ ngoại hối. Do đó, WB dự báo tác động kinh tế của virus sẽ đẩy tăng trưởng của Lào xuống còn 1% với kịch bản nền (tức là không có ca nhiễm) và -1,8% với kịch bản ít ca nhiễm.

Điều này thể hiện sự suy giảm mạnh từ kỷ lục tăng trưởng trung bình 8%/năm từ 2011 đến 2014, và khoảng 7% trong những năm tiếp theo. Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo Lào tăng trưởng 6,3% hàng năm từ 2016 đến 2036.

Nhưng đà tăng trưởng như vậy đã bị lu mờ trước khoản nợ Lào phải gánh để có tiền cho một loạt các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Theo Societe General, tỷ lệ nợ trên GDP ngày càng tăng cho thấy Lào đang chịu ơn Trung Quốc đến mức nào. Trung Quốc trở thành nhà đầu tư và cho vay nước ngoài hàng đầu của Lào.

Dấu ấn kinh tế của Trung Quốc tại Lào được định hình bởi các dự án tỷ đô, bao gồm một tuyến tàu cao tốc trị giá 6 tỷ đô la, một chuỗi các đập thủy điện lớn, đường cao tốc và nhiều đặc khu kinh tế. Lào chỉ nắm tỷ lệ 30% trong dự án đường sắt Côn Minh-Viên Chăn và phải trả 250 triệu đô la đầu tiên trong năm nay thông qua khoản vay lãi suất thấp từ Trung Quốc.

Đáng chú ý là Lào tiếp tục đạt được các thỏa thuận tương tự để xây dựng các dự án thủy điện lớn và nhỏ nhằm khai thác nguồn tài nguyên nước phong phú, bao gồm dòng chính và các dòng nhánh của sông Mê Kông. Ước tính 400 dự án thủy điện đã hoàn thành, đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch trong bối cảnh Lào muốn trở thành “cục pin của Đông Nam Á” bằng cách xuất khẩu điện cho các nước láng giềng.

Nhưng các nhà môi trường tin rằng Lào đang nhanh chóng chìm sâu vào nợ nần do các con đập được tài trợ bằng tiền nước ngoài, một số đập có giá hàng tỷ đô la.

Đập Nam Theun 2 trên sông Nam Theun ở miền Trung của Lào. Con đập trị giá 1,3 tỷ đô la này khánh thành năm 2010. (Ảnh: David Longstreath/AP)

Gary Lee, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc tổ chức International Rivers và là nhà vận động môi trường toàn cầu cho biết: “Các dự án thủy điện là các khoản đầu tư thâm dụng vốn, đòi hỏi trả trước phần lớn tài chính. Tình trạng gia tăng nhanh chóng thủy điện ở Lào trùng khớp với gánh nặng nợ nần và áp lực ngày càng tăng ở nước này”.

Các dự án có thể rủi ro, điều đó được các nhóm môi trường nhấn mạnh qua vụ vỡ con đập phụ gần tổ hợp thủy điện Xi Pian-Xe Namnoy năm 2018. Tổ hợp này do một liên doanh giữa Lào và hai công ty Hàn Quốc xây dựng, và Lào phải góp 30% cổ phần vốn đối ứng cho khoản tài chính trả trước. Tỷ lệ 30-70 hoặc 25-75 này là khuôn mẫu cho xây dựng đập, với phần lớn hơn được bảo đảm thông qua các khoản vay.

“Nhưng ngay cả trong trường hợp này, chính phủ Lào cũng phải vay một khoản ưu đãi từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc để đáp ứng phần vốn đối ứng. Với dự án này, Lào mắc nợ ngay từ đầu,” Premrudee Daoroung, điều phối viên mạng lưới Giám sát đầu tư đập thủy điện ở Lào chua chát.

David J.H. Blake, học giả Anh chuyên về quản trị nước và sinh thái chính trị khu vực Mê Kông cảnh báo những thỏa thuận như vậy đẩy Lào đến bờ vực vỡ nợ. “Lào, theo suy nghĩ của tôi, điên cuồng xây đập trong một thập kỷ nay, và dường như thực tế đang bắt đầu theo kịp khi các món nợ đáo hạn. Các chủ nợ như Trung Quốc có thể đòi nợ bằng cách yêu cầu quyền kiểm soát các món tài sản”.

Thế Anh (Theo Asia Nikkei)

Nguồn: