“Nữ hoàng thụ phấn” bị đe dọa

ThienNhien.Net – Loài ong được mệnh danh là nữ hoàng trong số các loài sinh vật thụ phấn. Những chuyến bay hàng ngày của chúng giúp thụ phấn cho một nửa số cây hoa màu trên thế giới. Tuy nhiên, gần đây sự suy giảm số lượng các loài ong ở châu Âu và Mỹ đã cho thấy sự mất cân bằng trong hệ sinh thái tự nhiên cũng như hệ sinh thái nông nghiệp.

Hiện tượng thường gặp hiện nay là sự rối loạn tổ chức trong các quần thể của loài ong. Đó là sự  biến mất của những con ong trưởng thành, bỏ lại những tổ ấu trùng non không được chăm sóc. Các nhà khoa học đã đưa ra một loạt những nguyên nhân gây ra hiện tượng này như sự biến đổi khí hậu, các loài kí sinh, dịch bệnh, việc sử dụng quá mức thuốc trừ sâu và sự mất đi môi trường sống… Nhưng nguyên nhân làm suy giảm số lượng loài ong một cách nhanh chóng như vậy là sự kêt hợp của tất cả những yếu tố trên.

Tại hội nghị thường niên của Hiệp Hội Sinh thái học Mỹ (ESA), các nhà khoa học đã trình bày rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu về loài ong và về sự suy giảm số lượng của chúng để xác định xem liệu có thể làm gì để bảo vệ loài ong.

Rachael Winfree một nhà khoa học đến từ trường đại học Rutgers, Mỹ đề xuất việc phát triển số lượng những loài ong nuôi. Bà cho rằng chúng sẽ là “bảo hiểm sinh học” trong trường hợp số lượng loài ong mật vẫn thụ phấn cho cây trồng từ trước đến nay bị suy giảm số lượng.

Winfree còn giới thiệu về một nghiên cứu kết hợp các dữ liệu từ 50 nghiên cứu trước đây về kích cỡ quần thể và sự đa dạng của loài ong. Kết quả nghiên cứu cho thấy tại các khu vực có sự hiện diện của con người như đồng cỏ, các cánh đồng hoa màu, khu vực khai thác gỗ, số lượng ong nhỏ hơn và mức độ đa dạng thấp hơn tại những khu vực tự nhiên hoặc những khu vực ít bị xâm phạm bởi sự phát triển của con người.

Các nhà khoa học cũng đề xuất việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để tìm hiểu thêm về cộng đồng loài ong. Daniel Chalk, sinh viên tốt nghiệp tại trường Đại học Exeter, Vương quốc Anh đã sử dụng một mô hình máy tính thông minh nhân tạo để mô phỏng đường bay của loài ong nghệ hoang dã. Mô hình này có thể giúp các nhà khoa học hiểu được những tác động tiêu cực của con người đối với mức độ đa dạng của loài ong.

Còn Neal Williams, thuộc trường Đại học Bryn Mawr College, Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu về đặc tính sinh thái học của loài ong nghệ. Ông cùng các đồng nghiệp của mình nhận thấy thụ phấn cho cây trồng là một phần trong tập tính kiếm ăn của loài ong nghệ. Tuy nhiên, vào những mùa hoa màu không có hoa, cuộc sống của loài ong phụ thuộc vào các khu vực tự nhiên lân cận. Vì vậy, khu vực sống tốt nhất cho loài ong là khu vực có cả hệ sinh thái tự nhiên lẫn hệ sinh thái nông nghiệp nhân tạo.

Ngoài ra còn rất nhiều những nghiên cứu khác của các nhà khoa học đến từ khắp nơi trên thế giới. Điều này cho thấy, giờ đây các nhà khoa học đã rất quan tâm đến loài sinh vật nhỏ bé này. Sự suy giảm số lượng của loài ong – nữ hoàng thụ phấn trên các cánh đồng hoa màu đang gióng lên một hồi chuông báo động về sự xâm phạm của con người đối với các vùng sinh thái tự nhiên.