ThienNhien.Net – Nguồn tài nguyên nước ở Hải Phòng khá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, việc bảo vệ và khai thác đạt hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do công tác quản lý còn “nhiều đầu mối“ chưa đảm bảo sự thống nhất và tính đồng bộ.
Trong khi ngành Nông nghiệp &PTNT được giao quản lý 5 hệ thống tưới tiêu chính phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt thì Trung tâm nước sạch nông thôn thành phố lại quản lý, khai thác nguồn nước ngầm phục vụ khu vực ngoại thành; Công ty Cấp nước thành phố khai thác nguồn nước mặt của các sông Đa Độ, Rế, Giá phục vụ sinh hoạt của khu vực nội thành. Ngành Tài nguyên- Môi trường (TNMT) tiến hành cấp phép thăm dò khai thác nước dưới mặt đất; quản lý các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước…
Thực tế cho thấy, hệ thống sông vừa được quản lý bởi Pháp lệnh khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi, vừa được điều tiết của Luật Bảo vệ Môi trường. Việc lập quy hoạch, thiết kế xây dựng và kế hoạch phát triển các công trình thuỷ lợi cũng như ban hành quy chế khai thác, vận hành tưới tiêu nước…đều do các ngành tự thẩm định, phê duyệt mà rất ít hoặc thiếu sự tham gia của Sở TN&MT, cơ quan quản lý tài nguyên nước.
Tương tự, hầu hết doanh nghiệp ( DN) có nhu cầu sử dụng nguồn nước lớn cũng không đến cơ quan quản lý nhà nước xin phép trong giai đoạn thực hiện đầu tư. Do đó, ngành TN&MT thành phố trên thực tế không nắm được thực trạng, nhu cầu sử dụng nước của các ngành và đơn vị khiến việc giám sát, cấp giấy phép khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước gặp khó khăn. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt đang diễn ra khá phổ biến ở các dòng sông. Được biết, ngành TN&MT hiện mới chỉ cấp giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước và xả nước thải cho khoảng 100 trong số gần 14.000 DN đang hoạt động trên địa bàn mà lẽ ra con số cần được cấp phải lên tới hàng nghìn DN…
Rõ ràng, việc quản lý tài nguyên nước và công trình thuỷ lợi trên địa bàn thành phố đang cần có cơ chế phối hợp đồng bộ và thống nhất giữa các đơn vị ngay từ khi xây dựng, phê duyệt quy hoạch, đầu tư phát triển của các ngành có liên quan trực tiếp đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Có như vậy, nguồn tài nguyên nước mới được quản lý, bảo vệ tốt, đạt hiệu quả khai thác cao./.