Cập nhật 7h ngày 7/6: Gần 7 triệu người mắc Covid-19 trên toàn cầu, Ấn Độ vẫn là ‘ổ dịch’ lớn nhất châu Á với hơn 10.000 ca nhiễm mới

Tính đến 7h ngày 7/6, theo trang thống kê Worldometers, thế giới đã có gần 7 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.

Cụ thể, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 6.964.651 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 401.582 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện là 3.403.757 người.

Ấn Độ tiếp tục là tâm dịch của châu Á. (Nguồn: Reuters)

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 20.938 ca mắc và 665 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.986.646 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 112.055 trường hợp.

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Nam Bán cầu, và là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 13.108 ca mắc và 409 ca tử vong, nâng tổng số lên 659.114 ca bệnh và 35.456 ca tử vong.

Nga ghi nhận thêm 8.855 ca mắc và 197 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 458.689 trường hợp, trong đó 5.725 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế Nga cho đã đăng ký một loại thuốc chữa Covid-19 ở thể nặng. Thuốc Levilimab (tên thương mại là Ilsira) đã trở thành loại thuốc thứ hai được đăng ký theo thủ tục cấp tốc. Loại thuốc mới được chỉ định cho những bệnh nhân thể nặng, khi phát triển một trong những biến chứng của Covid-19 được gọi là “cơn bão cytokine” (hoặc là “Hội chứng giải phóng cytokine”.

Hiện tượng này được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra Hội chứng suy hô hấp cấp tính và suy đa tạng ở những bệnh nhân Covid-19, dẫn đến tử vong trong một thời gian ngắn).

Theo Bộ Y tế Nga, việc ngăn chặn sự phát triển của một cơn bão cytokine là vô cùng quan trọng trong việc điều trị Covid-19.

Ngày 6/6, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố nước này ghi nhận thêm 270 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc Covid-19 tại “đất nước hình chiếc ủng” lên 234.801 trường hợp.

Ngoài ra, Italy cũng ghi nhận số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua là 72 ca, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở nước này lên 33.846 trường hợp, trong khi số ca hồi phục là 163.781 ca (tăng 1.297 ca).

Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết số ca nhập viện với các triệu chứng tiếp tục giảm với 5.002 ca (giảm 299 trường hợp), trong đó có số ca điều trị tích cực chỉ còn 293 ca (giảm 55 trường hợp).

Phát ngôn viên của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, ông Berik Uali đã phải nhập viện sau khi phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2.

Thông báo trên trang Facebook cá nhân ngày 6/6, ông Uali cho biết thêm sức khỏe của Tổng thống Tokayev không gặp nguy hiểm. Theo ông Uali, Tổng thống Tokayev, 67 tuổi, thường xuyên được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và các biện pháp an toàn bổ sung đã được áp dụng tại Phủ Tổng thống.

Ông khẳng định: “Tổng thống Tokayev tiếp tục công việc của mình như dự kiến, sức khỏe của ông không bị đe dọa”.

Kazakhstan hiện ghi nhận 12.511 trường hợp mắc Covid-19, với 53 ca tử vong. Tháng trước, quốc gia Trung Á này đã bãi bỏ các biện pháp cách ly kéo dài 2 tháng, trong khi vẫn duy trì các quy định giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới.

Ấn Độ đang là “ổ dịch” lớn nhất châu Á với 246.622 trường hợp nhiễm Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra với 10.438 ca nhiễm bệnh mới được phát hiện trong 24h qua. Quốc gia Nam Á này đã có gần 7.000 người tử vong do Covid-19 với số ca tử vong tăng lên hằng ngày.

Trong khi đó, Iran đã vượt Thổ Nhĩ Kỳ trở thành ổ dịch lớn nhất Trung Đông. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran hiện tại là 169.425 sau khi ghi nhận thêm 2.269 trường hợp. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 8.209 trường hợp.

Iran sẽ phải “sống chung” với Covid-19 trong bối cảnh quốc gia này đang nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. (Nguồn: AFP)

Ngày 6/6, Ai Cập đã ghi nhận thêm 1.497 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Bắc Phi này lên đến 32.612.

Theo Bộ Y tế Ai Cập, tính đến nay, tổng số bệnh nhân tử vong do Covid-19 đã lên tới 1.198 người sau khi có thêm 32 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 6/6. Bên cạnh đó, nước này cũng đã có thêm 380 bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh và được ra viện, nâng tổng số trường hợp bình phục hoàn toàn lên 8.538 người.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho hay các cách thức điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 mà nước này áp dụng được cập nhật liên tục. Theo bà Zayed, Ai Cập đã loại bỏ việc dùng thuốc Tamiflu khỏi phác đồ điều trị khi loại thuốc này không cho thấy hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, việc sử dụng thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine vẫn được duy trì trong quá trình điều trị.

Trước đó, người phát ngôn Nội các Ai Cập Nader Saad cho biết, chính phủ nước này đã bắt đầu mở cửa trở lại một số cơ sở và loại hình dịch vụ. Dự kiến, vào nửa cuối tháng 6 này, nhiều lĩnh vực sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Thế Việt (tổng hợp)