Khởi động dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch tại Đà Nẵng

ThienNhien.Net – “Tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch tại thành phố Đà Nẵng” là nội dung của Hội thảo được tổ chức vào sáng ngày 20-5 giữa TP Đà Nẵng và các đối tác đến từ Nhật Bản.

Từ năm 2014, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở ngành cùng phối hợp với các đối tác Nhật Bản xây dựng đề xuất dự án “Tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch tại thành phố Đà Nẵng”. Đến tháng 8-2014, dự án đã chính thức được chấp nhận từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và triển khai trong vòng 2 năm, từ 2015 đến 2017. Hội thảo lần này nhằm trình bày chi tiết kế hoạch triển khai dự án, đồng thời tham vấn của các bên liên quan và các đối tác chủ chốt về phương pháp thực hiện. Các đối tác đến từ Nhật Bản lần này gồm chính quyền thị trấn Chikujo, Đại học Saga, Đại học Kyushu, Cty Giải pháp môi trường và nhà tài trợ JICA.

Giáo sư Keiji Tamura trình bày tại Hội thảo. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Giáo sư Keiji Tamura trình bày tại Hội thảo. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Ông Hisami Arakawa, Thị trưởng Thị trấn Chikujo chia sẻ, chủ trương chính sách về môi trường của thị trấn xoay quanh tầm nhìn về một “thị trấn môi trường bền vững”, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển và bảo tồn bằng việc tập trung vào các chính sách như: tái chế tài nguyên carbon thấp, bảo tồn và khôi phục môi trường, phục hồi các cộng đồng địa phương.  Ở thị trấn Chikujo, một nhà máy phân bón lỏng đã đi vào hoạt động từ năm 1994 nhưng trước đó đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình hợp tác với Đại học Kyushu, Đại học Saga và Công ty Kinh doanh giải pháp môi trường trước khi thành công trong việc quản lý nhà máy.

Về nguồn sinh khối, 9.000 tấn chất thải của con người mỗi năm được sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ là nỗ lực cho quá trình xây dựng mô hình. Ngài Thị trưởng khẳng định “Chúng tôi đã tổ chức một cách có hệ thống những phương thức và bài học kinh nghiệm mà thị trấn Chikujo đã tích lũy thành một hệ thống chất thải tuần hoàn hữu cơ gọi là “Mô hình Chikujo”. Dựa trên mô hình này, chúng tôi sẽ đề xuất các giải pháp và hợp tác với thành phố Đà Nẵng”.

Ông Keiji Tamura, Giám đốc dự án này cho biết các hoạt động liên quan bao gồm: xây dựng nhà máy thử nghiệm sản xuất phân bón lỏng tại Q.Cẩm Lệ; đào tạo kỹ thuật cho việc vận hành nhà máy, huấn luyện kỹ thuật phân tích thành phần của phân bón lỏng và thiết kế phân bón; ứng dụng trên nông nghiệp nhằm thể hiện hiệu quả của phân bón lỏng; thúc đẩy nhận thức của công dân liên quan đến hệ thống tuần hoàn sinh khối thông qua việc giáo dục môi trường; đào tạo kỹ thuật thực tế tại Nhật Bản.

Cũng tại Hội thảo, Giáo sư Mitsuyasu Yabe, Đại học Kyushu đã giới thiệu chi tiết về thành công của dự án chất thải đã được triển khai ở Trung Quốc. Còn Giáo sư Munehio Tanaka đến từ Đại học Saga trình bày kỹ về thiết bị xử lý hiếu khí tự thu phát nhiệt (ATAT) ở thành phố Đà Nẵng trong dự án JICA nhằm mục tiêu chuyển hóa chất thải thành phân bón. Điều phối viên dự án, Giám đốc điều hành Công ty kinh doanh giải pháp môi rường Hidetaka Tsujibayashi thì cho rằng “Các nguồn tài nguyên tái tạo đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với nông nghiệp. Việc sử dụng tài nguyên tái tạo có thể trở thành một mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, hòa hợp với các chu kỳ của tự nhiên. Khi dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch, dự kiến Đà Nẵng sẽ vươn lên như một trung tâm của thành phố môi trường ở Châu Á và xa hơn nữa”.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, cho biết  thành phố rất khuyến khích các dự án hợp tác với quốc tế nhằm tái chế chất thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ thông qua công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; sau đó sử dụng phân bón này cho sản xuất nông nghiệp. Đây là giải pháp cần thiết và hữu ích không chỉ cho người nông dân mà cho toàn cư dân đô thị. Những dự án như vậy sẽ giúp đẩy mạnh tiến trình xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố môi trường.