Nhóm nghiên cứu Trung Quốc thu thập mẫu lõi băng để nghiên cứu khí hậu

Mẫu lõi băng tại một dòng sông băng trên núi Karakorum hứa hẹn giúp họ làm sáng tỏ những biến đổi khí hậu và môi trường tại cao nguyên Tây Tạng và các vùng lân cận trong lịch sử.

Ảnh minh họa. (Nguồn: explorersweb.com)

Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã khoan và lấy được các mẫu lõi băng tại một dòng sông băng trên núi Karakorum bao trùm biên giới giữa Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ.

Mẫu này là lõi băng đầu tiên mà giới khoa học Trung Quốc thu thập được bên ngoài quốc gia này, hứa hẹn giúp họ làm sáng tỏ những biến đổi khí hậu và môi trường tại cao nguyên Tây Tạng và các vùng lân cận trong lịch sử.

Nhóm nghiên cứu gồm 10 thành viên do Viện Nghiên cứu cao nguyên Tây Tạng dẫn đầu với sự bảo trợ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Được Ủy ban nghiên cứu Không gian và thượng tầng khí quyển Pakistan giúp đỡ, nhóm nhà khoa học này đã hoàn thành cuộc thám hiểm kéo dài 108 ngày tại dãy núi Karakorum ở khu vực Gilgit-Baltistan (Pakistan) từ tháng 10/2019-1/2020.

Nhiều sông băng trên thế giới đang thu hẹp diện tích do nhiệt độ toàn cầu ấm lên. Tuy nhiên, các sông băng tại vùng núi này duy trì tình trạng ổn định kể từ những năm 1990, thậm chí một số sông băng tại đây còn mở rộng diện tích. Điều này đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học trên thế giới.

Nhờ sử dụng các hệ thống khoan tự chế, các nhà nghiên cứu đã thu thập được các mẫu lõi băng với tổng chiều dài hơn 110m tại sông băng Biafo và ở độ cao 5.600m so với mực nước biển. Họ cũng lấy được bốn mẫu lõi trầm tích từ đáy của hai hồ nước Sheo Sar và Saiful Malook gần đó.

Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Xu Baiqing, những mẫu lõi băng lấy từ các dòng sông băng trên núi cao có thể lưu trữ thông tin về khí hậu và môi trường của Trái Đất, đồng thời giúp các nhà khoa học nghiên cứu về những thay đổi của sông băng. Các mẫu lõi băng và trầm tích trên sẽ được chuyển đến một số phòng thí nghiệm.

Tại đây, các nhà khoa học sẽ áp dụng những thiết bị và kỹ thuật đặc biệt để phân tích các chỉ số môi trường như phân tử, chất đồng vị oxy, kim loại nặng… Từ đó, các chuyên gia sẽ sử dụng dữ liệu này để nghiên cứu về những thay đổi môi trường và khí hậu tại khu vực trên trong 1.000 năm qua.

Bên cạnh đó, việc tìm hiểu về sự thay đổi của các dòng sông băng trong lịch sử sẽ giúp các nhà khoa học dự báo được tương lai của các dòng sông băng và tìm ra mô hình phát triển bền vững trong khu vực. Điều đó rất có ý nghĩa bởi vùng núi này cung cấp nguồn nước quan trọng cho người dân địa phương.

Nhóm nghiên cứu dự kiến tiếp tục tiến hành công tác khoan mẫu tại những nước lân cận như Tajikistan và Kyrgyzstan trong năm nay nhưng kế hoạch buộc phải hoãn lại do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.