Các nhà khoa học đã chứng minh cần phải đưa thế giới về trạng thái phát thải ròng bằng không (net-zero emission) càng sớm càng tốt, chậm nhất là vào năm 2050, để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 vừa diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải KNK mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển kể cả tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Pa-ri, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.
Nỗ lực cân bằng phát thải toàn cầu
Theo Ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC), phát thải ròng bằng không là “Khi lượng phát thải CO2 do con người gây ra được cân bằng trên toàn cầu bằng cách loại bỏ CO2 trong một khoảng thời gian nhất định”. Nói một cách đơn giản, ở cấp độ toàn cầu, cần cân bằng giữa lượng khí nhà kính (KNK) con người đưa vào bầu khí quyển với lượng KNK thải ra khỏi bầu khí quyển. Có nghĩa là không đưa thêm KNK vào bầu khí quyển. Tuy nhiên, con người cũng cần phải ứng phó với những tổn hại trong quá khứ, vì ngay cả khi đã đạt được phát thải ròng bằng không, vẫn phải đối phó với tác động của lượng KNK mà chúng ta đã phát thải trước đó vào bầu khí quyển.
Tiến tới mức phát thải ròng bằng không có nghĩa là chúng ta vẫn có thể phát thải vào bầu khí quyển một lượng KNK, miễn là có thể bù đắp bằng các quá trình loại bỏ KNK từ bầu khí quyển. Ví dụ, đó có thể là trồng rừng mới hoặc sử dụng các công nghệ thu hồi. Càng phát thải nhiều, con người càng cần loại bỏ nhiều KNK khỏi bầu khí quyển để đạt mức phát thải ròng bằng không.
Tuy nhiên, để tránh thảm họa khí hậu, lượng phát thải KNK mới vào bầu khí quyển phải càng thấp càng tốt. Nói một cách khác, cần tiến tới, gần nhất có thể, mức phát thải bằng “0” và chỉ dựa vào việc bù trừ khi thực sự cần thiết. Điều này cũng có nghĩa cần nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch – than, dầu và khí đốt – và chuyển sang năng lượng tái tạo.
BĐKH rất khó ngăn chặn ngay cả khi ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Khí CO2, nguyên nhân chính gây ra BĐKH, sẽ còn tồn tại trong bầu khí quyển và tiếp tục làm nóng Trái đất trong nhiều thập kỷ. Vì vậy, việc giảm phát thải KNK là vô cùng quan trọng, nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Mục tiêu cuối cùng là cân bằng lại quy mô và khôi phục khí hậu toàn cầu về mức trước biến đổi khí hậu. Để đạt được điều đó, cần đạt phát thải ròng bằng không và sau đó khắc phục những tác hại trong quá khứ bằng cách giảm lượng KNK đã được phát thải trong quá khứ.
Làm thế nào để có thể đạt được mức phát thải ròng bằng không?
Để hướng tới phát thải ròng bằng không, cần thúc đẩy việc thay thế các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí bằng năng lượng tái tạo một cách kinh tế, sạch và đáng tin cậy được hỗ trợ bởi các công nghệ lưu trữ năng lượng.
Để đạt đến phát thải ròng bằng không, cần phải dừng tất cả quá trình mở rộng than đá và khí đốt. Điều quan trọng là phải thay thế tất cả việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch càng nhanh càng tốt, đáp ứng tất cả nhu cầu năng lượng bằng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cần thực hiện hành động cụ thể để khôi phục thiên nhiên đang bị tổn hại, thúc đẩy khả năng phục hồi của tự nhiên và con người, sửa chữa những hành động gây tổn hại đối với bầu khí quyển trong quá khứ. Làm điều này sẽ giảm lượng phát thải KNK mới xuống gần bằng “0” nhất có thể, và loại bỏ các KNK mà con người đã đưa vào bầu khí quyển trước đây.
Cần xây dựng các chính sách khí hậu và năng lượng tái tạo để thúc đẩy hướng tới tương lai phát thải ròng bằng không.
Báo cáo gần đây của IPCC đã nêu rõ tầm quan trọng sống còn của việc đạt được phát thải ròng càng nhanh càng tốt và đặt ra các mục tiêu cắt giảm mạnh mẽ.
Nhiều quốc gia hiện đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng không. Mỹ, EU, Anh và Nhật Bản đều đã cam kết không phát thải ròng vào năm 2050, Trung Quốc cam kết không phát thải ròng vào năm 2060. Sau nhiều thập kỷ, Australia đã công bố mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Ấn Độ đã công bố cam kết đạt mứazc phát thải ròng bằng “0” vào năm 2070, nhiều quốc gia khác cũng đưa ra cam kết phát thải ròng bằng không, bao gồm: Mauritania (trung hòa carbon vào năm 2030, với điều kiện nhận được hỗ trợ quốc tế); Israel, Việt Nam, Rwanda, Lithuania và Montenegro (phát thải ròng bằng không vào năm 2050); Nigeria (phát thải ròng bằng không vào năm 2060); và Ukraine (trung hòa carbon vào năm 2060). Tổng cộng, các quốc gia chiếm hơn 70% lượng khí thải toàn cầu hiện đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thông qua luật, trong các văn bản chính sách hoặc như một cam kết chính trị rõ ràng.
Tuy nhiên, các tác động của BĐKH sẽ vẫn còn tồi tệ ngay cả khi chúng ta đạt đến phát thải ròng bằng không do quán tính trong hệ thống khí hậu. Mốc thời gian đạt phát thải ròng bằng không mô tả thời điểm con người ngừng làm cho BĐKH trở nên tồi tệ hơn.
Việt Nam và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”
Với sự khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26, những tuyên bố hết sức mạnh mẽ của Việt Nam đã được thế giới đánh giá rất cao. Để thực hiện các cam kết này, cần có các chiến lược, kế hoạch chi tiết, đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể.
Theo kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường (BAU) của Việt Nam, đến 2050 tổng lượng phát thải KNK của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức 1495,4 triệu tấn CO2tđ, trong đó, năng lượng là 1210 triệu tấn CO2tđ, chiếm 81%, LULUCF giảm chiếm 4%, nông nghiệp chiếm 10%. Vậy, năng lượng sẽ là ngành quyết định về tổng lượng phát thải và mục tiêu phát thải ròng bằng không của Việt Nam.
Với xu hướng toàn cầu chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch, kỷ nguyên than đang khép lại và các dự án than mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong huy động tài chính. Tại Hội nghị COP26, ngoài tuyên bố Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch. Để hướng tới lộ trình phát thải ròng bằng không thì năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió và các nguồn khác cần được phát triển. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo cần đi đôi với giải pháp lưu trữ năng lượng, đây là một trong các chìa khóa thành công của điện gió, điện mặt trời cho Việt Nam, khi tỷ trọng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện ngày càng cao.
Hiện nay, xu hướng dịch chuyển năng lượng đang diễn ra rất rõ ràng, đặc biệt trong ba lĩnh vực vận tải, dân dụng và sản xuất. Trong bức tranh đó, nhiên liệu hydro xanh bắt đầu nổi lên như một giải pháp tiềm năng bởi nó không chỉ đáp ứng được điều kiện “sạch” ít phát thải KNK, mà còn có trữ lượng dồi dào, dễ vận chuyển, chuyển đổi sang các dạng năng lượng khác. Theo nhận định của các chuyên gia, giao thông vận tải sẽ là lĩnh vực có tỷ lệ chuyển đổi sang nhiên liệu hydro xanh mạnh nhất. Phương tiện giao thông điện cũng là một hướng đi đúng đắn đối với lĩnh vực giao thông vận tải.
Việt Nam đã gửi Ban Thư ký của UNFCCC bản NDC cập nhật vào tháng 9/2020, phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, Quy hoạch điện 8 đang ở trong giai đoạn xin ý kiến để hoàn thiện, Chiến lược quốc gia về BĐKH cũng đang trong giai đoạn xây dựng. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không, cần thiết phải rà soát, cập nhật và điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch. Đồng thời, cần chú trọng tới cơ chế tạo điều kiện thu hút nguồn vốn từ Quỹ Khí hậu Xanh để hỗ trợ thực hiện phát thải ròng bằng không ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy sớm thị trường carbon và các cơ chế chính sách về tài chính xanh, kinh tế tuần hoàn…
Thế nào là mục tiêu phát thải ròng bằng không khả thi? Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đưa ra các tiêu chí để xác định xem một mục tiêu phát thải ròng là tốt hay không, cụ thể: Cần thực hiện ngay: Giảm lượng phát thải trong thập kỷ này là rất quan trọng nếu chúng ta muốn tránh những tác động nghiêm trọng nhất của BĐKH. Bất kỳ mục tiêu phát thải ròng dài hạn nào cũng phải được bổ sung bằng mục tiêu ngắn hạn. Cần có kế hoạch đáng tin cậy: Bất kỳ mục tiêu phát thải ròng nào đều phải đi kèm với một kế hoạch rõ ràng và hành động dài hạn, không được chỉ dựa vào việc bù trừ KNK. Cần triển khai đủ nhanh: Mục tiêu phải giảm lượng phát thải đủ nhanh trong thập kỷ này và đảm bảo các quốc gia đang chia sẻ công bằng. Cần công khai quá trình thực hiện: Mục tiêu và kết quả giảm phát thải KNK cần được báo cáo công khai ít nhất hàng năm. Cần bao gồm tất cả các loại KNK: Mục tiêu giảm phát thải KNK phải bao gồm tất cả các loại KNK và tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. |