Châu Á- Thái Bình Dương hứng gần nửa thiên tai trên khắp hành tinh

ThienNhien.Net – Theo đánh giá của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, trong 45 năm qua, thiên tai đã khiến 3,5 triệu người chết và tổn thất 2,8 nghìn tỷ USD. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng lớn hơn cả.

Châu Á-Thái Bình Dương hứng gần nửa các vụ thiên tai trên khắp hành tinh. (Ảnh: chinhphu.vn)
Châu Á-Thái Bình Dương hứng gần nửa các vụ thiên tai trên khắp hành tinh. (Ảnh: chinhphu.vn)

Đánh giá tác động của thiên tai đối với khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP), một trong năm ủy ban trực thuộc Hội đồng Kinh tế xã hội (ECOSOC) của Liên Hợp Quốc nhận định, đây là khu vực chịu ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với các khu vực khác trên hành tinh.

Báo cáo của ESCAP viết: “Trước những thảm họa thiên tai, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực dễ bị tổn thương nhất trên toàn cầu. Từ năm 1970 đến nay, tại khu vực này đã xảy ra trên 5.000 vụ thiên tai khiến hơn 2 triệu người chết và ảnh hưởng tới khoảng 6 tỷ người…

Do điều kiện địa chất có đặc trưng là sự vận động mạnh của các tầng thạch quyển dưới đáy Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đây chính là nguyên nhân của các trận động đất lớn và sóng thần. Trên các vùng biển này, lốc xoáy và bão cũng thường xuyên xuất hiện. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi xảy ra động đất, các dãy núi trẻ dễ bị xâm hại và hậu quả kéo theo là hiện tượng lở đất, lũ quét, lụt lội…

Trong vòng 45 năm, dân số tại khu vực này tăng gần gấp đôi từ 2,2 tỷ người lên 4,3 tỷ người (số liệu năm 2014). Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, năm 1970, dân cư sống ở thành phố của khu vực chỉ chiếm 25,9%, đến năm 2014, con số này đã là 47,7%. Những người nghèo thường ít có lựa chọn, họ phải chấp nhận sinh sống tại những nơi xa xôi hẻo lánh, thường xuyên ngập lụt hoặc có nguy cơ sạt lở đất đá… Cùng với thời gian, những nguy cơ rủi ro càng tích tụ thêm.

Tốc độ phát triển kinh tế cao tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng kéo theo hậu quả ngày càng nặng nề hơn khi có thiên tai xảy ra. Nền kinh tế phát triển một mặt kéo theo cơ sở hạ tầng trở nên đắt đỏ hơn, quỹ đất ngày càng hạn hẹp và vì vậy hệ lụy sẽ càng lớn và chi phí khắc phục, xây mới cũng tăng thêm nhiều.

Nhìn chung, nguy cơ chịu tác động từ các thảm họa thiên tai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương thường lớn hơn rất nhiều so với các khu vực còn lại của thế giới. Trong vòng 10 năm gần đây, mức độ rủi ro từ thiên tai tại khu vực này cao gấp 2 lần so với khu vực châu Phi, cao gấp 6 lần so với khu vực Mỹ La tinh- Caribe và gấp 30 lần so với khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.

Số liệu thống kê cho thấy trong tổng số các vụ thiên tai xảy ra từ năm 1970-2014 trên khắp hành tinh thì có đến 42,9% tập trung tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nếu quy ra tiền thì trong tổng số 2,8 nghìn tỷ USD bị tổn thất thì khu vực này chiếm 40,7% (1,15 nghìn tỷ USD).