Rừng gỗ quý Trường Sơn bị đốn hạ – Bài 2

Bài 2: Khai thác trái phép nhiều nơi

Tùy theo ở đó có nhiều hay ít cây gỗ giá trị cao (lim, gõ, sến táu…) mà mức độ xâm hại ít hay nhiều.

Lực lượng cơ động Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh và BVR của Lâm trường Trường Sơn kiểm tra điểm khai thác rừng trái phép. Ảnh: TP.

Có thể nói, vào nhiều điểm ở các tiểu khu thuộc lâm phần quản lý của Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn trên địa bàn xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), chỗ nào cũng phát hiện rừng bị xâm hại.

Chưa xong vụ này lại phát hiện… phá rừng

Hơn một năm trước, vào tháng 3/2019, lực lượng liên ngành gồm kiểm lâm, bảo vệ rừng LTTS, công an tuần tra, kiểm soát tại vùng rừng trên địa bàn.

Qua đó, phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng tại tiểu khu 329 có 45 cây gỗ quý (thuộc nhóm 1-3) đã bị cưa hạ. Gốc cây còn lại có đường kính từ 0,4m đến trên 1m. Qua kiểm đếm ban đầu, có 17 cây gỗ gõ (nhóm 1), 26 gốc lim (nhóm 2) và 2 gốc chua (nhóm 3).

Tại hiện trường, nhiều cây gỗ bị cưa xẻ thành từng súc gỗ tròn và gỗ xẻ hộp. Đoàn liên ngành phát hiện có 45 súc và hộp gỗ với khối lượng trên 16m3.

Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cũng phát hiện thêm 67 hộp gỗ lim và gõ (có tổng khối lượng khoảng 5m3 được lâm tặc đưa ra cất giấu tại khu vực gần với hiện trường rừng bị khai thác trái phép.

Sau đó, công an vào cuộc để điều tra và đã khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can có liên quan. Việc xử lý vi phạm ở tiểu khu 329 chưa xong thì nhiều vụ khác ở rừng Trường Sơn lại được phát hiện.

Lâm tặc đã đốt bìa bắp và ngọn cây sau khi khai thác. Ảnh: TP.

Khởi đầu là việc cơ quan chức năng phát hiện vụ phá rừng gỗ lim tại khoảnh 68, tiểu khu 317. Tại đây, đã phát hiện 4 cây gỗ lim và 1 cây gỗ gõ (cùng nhóm II A), có đường kính gốc từ 0,5 – 0,8m, bị chặt hạ trái phép. Qua xác định cho thấy có 23 cây bị khai thác khoảng hơn một tháng, 2 cây bị chặt hạ khoảng một tuần trước đó.

Lực lượng tuần tra cũng đã phát hiện 45 hộp gỗ lim, khối lượng 4,5m3 tập kết tại điểm xảy ra việc khai thác rừng trái phép mà lâm tặc phủ lá chuối che giấu.

Ông Phan Mậu Phấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh cho hay, sau vụ việc khai thác trái phép xảy ra tại tiểu khu 329, đơn vị chúng tôi thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở Lâm trường Trường Sơn thắt chặt nhiệm vụ BVR, lên phương án và tăng cường nhân lực trong nhiệm vụ khó khăn này.

“Chúng tôi nhiều lần chia sẻ với khó khăn của Lâm trường Trường Sơn và luôn luôn có lực lượng đủ mạnh để chi viện, phối hợp, hỗ trợ cho họ nếu cần thiết phải tổ chức tuần tra, truy quét”, ông Phấn nói.

Một ngọn cây lim còn sót lại trong rừng. Ảnh: TP.

Khó kiểm soát?

Cũng từ vụ đốn hạ rừng lim trái phép tại khu vực rừng Trường Sơn bị phát giác, vào cuối tháng 4, Lâm trường Trường Sơn lập đoàn đi kiểm tra mở rộng hiện trường. Tại tiểu khu 317, lực lượng kiểm tra phát hiện thêm 5 gốc gỗ bị cưa hạ trái phép chưa xác định được thời gian mà lâm tặc xâm hại rừng.

Trước tình hình đó, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh chủ động phối hợp với Lâm trường Trường Sơn mở nhiều đợt kiểm tra, truy quét ra diện rộng trong rừng, ở nhiều tiểu khu khác nhau.

Liên tiếp nhiều đợt tuần tra, kiểm soát với lực lượng của Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh và Đội BVR của Lâm trường Trường Sơn được tổ chức để phát hiện, kiểm đếm số lượng cây gỗ quý bị khai thác trái phép.

Câu gỗ quý bị đốn hạ cách địa điểm khai thác rừng trồng không xa. Ảnh: TP.

Trên diện tích rừng tự nhiên vùng Xà Biên (tiểu khu 300), nơi đang có nhiều dân vào ra thường xuyên để khai thác rừng trồng và tiếp tục trồng rừng mới.

Qua xác minh đã có tổng cộng 20 cây gỗ quý bị cưa hạ trái phép. Những cây gỗ này nằm tại 7 khoảnh đồi, dông và có thời gian khai thác, chặt hạ và cưa xẻ vào nhiều thời điểm khác nhau. Đáng chú ý là có 5 gốc cây lim, gõ bị khai thác thời gian gần đây.

Một nhánh đường khai thác chạy ngược lên hướng biên giới Việt – Lào ở khu vực Phạ Thả (tiểu khu 317). Trước đây, ở khu vực này có một bản nhỏ của bà con dân tộc Vân Kiều, nay bà con không còn ở đó. Hiện khu vực này có diện tích rừng trồng lên đến gần 100ha.

Rừng Trường Sơn giàu về trữ lượng gỗ quý cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: TP.

Theo ông Châu Văn Dương, Giám đốc Lâm trường Trường Sơn, tại khu vực rừng ở tiểu khu 317, lực lượng BVR phát hiện thêm 5 gốc gỗ bị cưa hạ trái phép.

Qua xác định trong đó có 4 cây gỗ lim và 1 cây gỗ gõ. Những cây gõ này có đường kính gốc từ 0,45 – 0,8m và bị đốn hạ trong thời gian khoảng 5 tháng đến trên 2 năm.

“Gỗ những cây này đã bị lấy đi hết. Hiện trường để lại chỉ còn cành ngọn. Phần bìa bắp và gốc cây cũng đã bị đốt cháy”, anh Trần Xuân Tiến, Trạm trưởng Trạm BVR số 8 cho hay. Như vậy, tại vùng rừng Phạ Thả đã có 10 cây gõ lớn bị cưa hạ trái phép.

Những cây gỗ này được phân bố trên 3 khoảnh dông, đồi và có thời gian khai thác, chặt hạ và cưa xẻ vào nhiều thời điểm khác nhau. Trong đó có 3 cây bị khai thác lậu trong thời gian cách ngày phát hiện khoảng một tuần.

Cũng theo anh Trần Xuân Tiến, trong quá trình kiểm tra rừng, tại tiểu khu 303, Trạm BVR số 8 cũng đã phát hiện một cây gỗ lớn bị lâm tặc cưa xẻ gỗ thành phách. Tuy nhiên, lâm tặc chưa kịp lấy đi thì bị phát hiện. Trạm BVR số 8 thu gom tổng cộng được 23 phách gõ với tổng khối lượng 3,4m3.

Cây gỗ quý này cần phải được bảo tồn. Ảnh: TP.

Như vậy, tại rừng do Lâm trường Trường Sơn quản lý, lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện có 30 cây gỗ bị cưa hạ.

Trong đó, có 28 cây thuộc nhóm IIA bị khai thác trái phép tại các tiểu khu 300, 303 và 317. Phần lớn, lượng gỗ bị khai thác trái phép đã bị lâm tặc lấy đi. Cơ quan chức năng phát hiện, thu gom được 7,7m3 gỗ các loại.

Rừng thuộc lâm phận Lâm trường Trường Sơn xảy ra tình trạng khai thác trái phép diễn ra hơn một năm qua có nhiều nguyên nhân. Nhưng theo nhận định của những người có trách nhiệm thì đó là việc khai thác rừng trồng và triển khai rừng trồng ở khu vực rừng tự nhiên, sát biên giới.

Tại thời điểm khai thác rầm rộ, mỗi ngày có hàng trăm người với cưa xăng vào rừng, hàng chục chuyến xe chở đầy gỗ tràm chạy ra khỏi rừng.

Trong khi đó, lực lượng BVR của Lâm trường Trường Sơn quá mỏng và thiếu nên khó đảm đương nổi việc giám sát chặt chẽ việc người, phương tiện vào ra phục vụ cho khai thác và trồng rừng kinh tế.

Rừng trồng xen rừng tự nhiên ở Lâm trường Trường Sơn sẽ khó cho việc bảo vệ cây gỗ quý. Ảnh: TP.
Trước đây, tại Trạm BVR số 8 chỉ bố trí được 3 nhân viên. Ngoài việc đảm nhận nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 7.200ha rừng tự nhiên còn “gánh” thêm nhiệm vụ giám sát việc khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng trên địa bàn.

Ông Phan Mậu Phấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh cho biết đã nhiều lần nhắc nhở Lâm trường Trường Sơn tăng cường lực lượng BVR cho Trạm số 8 và có kế hoạch kiểm tra, giám sát thật chặt chẻ người, phương tiện vào ra rừng.

“Trên thực tế thì có có 2 – 3 người ở Trạm sẽ vô cùng khó làm trong việc thực thi nhiệm vụ. Nếu 1 người trực ở trạm và chỉ có 2 người vào rừng để giám sát việc khai thác rừng trồng thì làm sao nổi.

Trong khi đó, đoàn khai thác này cách đoàn khai thác kia một quả đồi rộng. Giám sát bên này thì bị lỏng bên kia. Người ta có thể lẻn vào rừng để cắt hạ gỗ quý bất cứ lúc nào họ muốn”, ông Phấn chia sẻ thêm.