Nỗi sợ virus corona có ngăn được nạn buôn lậu động vật?

Một tài khoản truyền thông xã hội ở Việt Nam dường như chẳng liên quan gì tới tỷ lệ tử vong hàng ngày vì virus corona của Vương quốc Anh. Nhưng nó cho thấy không hề có sự gián đoạn trong thương mại động vật hoang dã bất hợp pháp trị giá 16 tỷ bảng – nguyên nhân gây ra đại dịch đã giết chết hơn 100.000 người và khiến cả thế giới phải dừng lại.

Ảnh: Getty

Trang web do một thương nhân Việt Nam điều hành chào bán cao hổ cốt để bồi bổ sức khỏe trong cuộc khủng hoảng virus, theo Cơ quan điều tra môi trường (EIA). Tuy nhiên, covid-19 chỉ là căn bệnh mới nhất được cho là đã nhảy từ động vật hoang dã sang người như ebola, zika và HIV.

Tài khoản truyền thông xã hội có một video khủng khiếp về nhóm của thương nhân xẻ thịt một con hổ và ngồi xổm trên nền nhà ướt đẫm máu khi lóc thịt.

Vị thương nhân này là một trong khoảng 100 người ở Việt Nam nuôi hổ bị buôn lậu từ các cơ sở nuôi nhốt ở Thái Lan và Lào.

Hổ được nuôi trưởng thành, vỗ béo rồi bị làm thịt để phục vụ những người mua giàu có từ Việt Nam và Trung Quốc.

Xương hổ được nấu thành cao cùng các thành phần khác, để cho vào rượu làm thuốc bổ.

Trang web quảng cáo: “Khi đại dịch ám ảnh, chúng tôi nhận ra hai điều quan trọng nhất trong cuộc sống: gia đình và sức khỏe. Đầu tư vào sức khỏe khi có thể! Tiền không mua được sức khỏe, nhưng có tiền, sức khỏe chắc chắn sẽ được cải thiện”.

Nhưng EIA cho rằng việc buôn bán trên không chỉ giới hạn ở Việt Nam.

Về mặt giá trị, buôn lậu động vật hoang không kém gì buôn ma túy và vũ khí.

Trung Quốc đã cấm ăn động vật hoang dã và đóng cửa nhiều chợ tươi sống, nơi bán đủ loại từ tê tê đến báo hoặc các bộ phận cơ thể chúng. Nhưng buôn bán động vật hoang dã nuôi nhốt như hổ vẫn được tiếp tục.

Và lệnh cấm không bao gồm các thành phần động vật hoang dã trong y học cổ truyền Trung Quốc.

EIA nói rằng 24 công ty ở Trung Quốc bán dược phẩm có thành phần là xương của loài báo nguy cấp.

Tháng trước, Bắc Kinh cổ súy một phương pháp điều trị coronavirus được làm từ mật gấu.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho phép thuốc tiêm Tan Re Qing (Đàm Nhiệt Thanh) có mật gấu vào trong danh sách chính thức các phương pháp điều trị được khuyến nghị.

EIA cho biết loại thuốc này được Kế hoạch chẩn đoán và điều trị Covid-19 (phiên bản thử nghiệm thứ 7) coi là phương pháp điều trị cho các ca nghiêm trọng và nguy kịch.

Ảnh: Getty

Virus corona được cho là đã nhảy sang người từ một khu chợ động vật hoang dã ở thành phố Vũ Hán, tâm chấn khởi phát của đại dịch. Các nghiên cứu y khoa cho thấy virus có nguồn gốc từ động vật hoang dã, với loài dơi là nguồn có khả năng cao nhất. Nhưng tê tê – động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất thế giới – cũng có liên quan đến căn bệnh này.

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature cho biết virus corona đã được phát hiện trong một số lượng nhỏ tê tê buôn lậu vào Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc cho biết phần lớn hoạt động buôn lậu động vật hoang dã trở thành hoạt động ngầm hoặc đưa lên trực tuyến sau khi bị dẹp bỏ vì Covid-19.

Một bài báo cho biết các tay buôn lậu đang quảng cáo động vật hoang dã thông qua các video gửi qua điện thoại di động và một người đã bị bắt khi đang chào bán 13 con chim trĩ nuôi làm cảnh.

Một số người sử dụng truyền thông xã hội để quảng cáo sản phẩm trong khi những người khác sử dụng các trang web xuất hiện ngắn ngủi trước khi bị gỡ bỏ.

Một tờ báo Trung Quốc cho biết “từ đầu tháng 2 năm nay, chợ đen trực tuyến đang trở thành một kênh giao dịch thuận tiện cho động vật hoang dã bất hợp pháp. Buôn bán động vật hoang dã trực tuyến đang được một số tội phạm sử dụng vì “lợi nhuận cao, rủi ro thấp” và ngày càng trở nên rầm rộ. Miễn là người mua biết chính xác vị trí và phương thức thì có thể mua trực tuyến mọi thứ – cho dù là ngà voi, lông gấu Bắc cực, tê tê, sừng tê giác hay hổ sống”.

Cửa hàng thú cưng cũng là đầu ra tiêu thụ. Một của hàng ở Trường Xuân bị bắt vì bán trái phép tám con thằn lằn, một con rùa và bảy con nhện.

Các thương lái cũng đang gửi động vật hoang dã thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh vì vận chuyển đi toàn quốc có nghĩa là nguy cơ bị bắt thấp.

Debbie Banks, người đứng đầu chiến dịch tội phạm về hổ và động vật hoang dã của EIA, nói: “Nỗi sợ virus hoặc nguồn gốc tiềm năng của virus không ngăn được người ta buôn bán lậu động vật hoang dã trực tuyến. Lý do là tiền”.

Banks tin rằng vấn đề bắt nguồn từ mối quan hệ của chúng ta với động vật hoang dã: hủy hoại thiên nhiên và sinh cảnh đã tạo ra “giao diện” giữa loài người và động vật hoang dã.

Một số chuyên gia cho biết chúng ta có khả năng mắc hơn một triệu bệnh từ động vật hoang dã, còn Banks khẳng định: “Đây là sự hỗn loạn của chính chúng ta. Chúng ta cần chấm dứt buôn bán động vật hoang dã thương mại vì có hại cho đa dạng sinh học và sức khỏe con người”.

Chris Hamley thuộc EIA nói: “Kể từ đầu năm 2020 và bắt đầu Covid-19, EIA đã ghi nhận tổng cộng 17 tấn vảy tê tê bị các cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ. Các quốc gia liên quan gồm Trung Quốc, Nigeria, Malaysia và Cộng hòa Trung Phi. Chúng tôi cũng nhận thức được rằng những kẻ buôn bán động vật hoang dã hoạt động ở châu Phi và châu Á tiếp tục cung cấp vảy tê tê, mặc dù số lượng thấp hơn trước khi xảy ra đại dịch”.

Các nhà vận động khác nhấn mạnh những rủi ro từ động vật hoang dã nuôi nhốt như gấu: bị nhốt trong những chiếc lồng nhỏ và “vắt sữa” từ túi mật để sản xuất các loại thuốc truyền thống.

Theo Jill Robinson, người sáng lập tổ chức Động vật châu Á, 12.000 con gấu đang bị đày đọa trong các trang trại trên khắp Viễn Đông.

“Chúng ta không nên dựa vào các sản phẩm động vật hoang dã như mật gấu để chống lại một loại virus chết người dường như có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng các chính quyền nghiêm túc trong việc đóng cửa các chợ động vật hoang dã. Nhưng buồn thay, một số thương lái đang gây tổn hại cho phúc lợi của động vật và khiến cuộc sống của mọi người gặp nguy hiểm. Mọi người nên báo cáo những chợ này khi mở cửa để chính quyền địa phương thực hiện chức trách”, Jill nói.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang kêu gọi mọi quốc gia đóng cửa các chợ tươi sống do có nhiều cảnh báo về rủi ro do con người tiếp xúc với động vật.

Ảnh: Getty

Hướng dẫn được đưa ra khi Vũ Hán đang bắt đầu mở lại các chợ – nơi bán thịt và cá tươi cũng như động vật sống. Người ta tin rằng virus corona bắt đầu tại chợ bán buôn hải sản Hoa Nam ở thành phố này.

Tiến sĩ David Nabarro, Đặc phái viên WHO về Covid-19 nói: “Lời khuyên rất rõ ràng từ Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc và WHO rằng có những mối nguy hiểm thực sự trong các kiểu môi trường này, mầm bệnh nhảy từ động vật sang người. 75% các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện đến từ động vật. Vì vậy, chúng tôi thực sự cầu xin các chính phủ và cầu xin mọi người hãy tôn trọng. Đó là chợ nhưng đó cũng là nơi con người và động vật tiếp xúc gần gũi. Chỉ cần chắc chắn rằng bạn không tạo ra cơ hội lây lan virus”.

Các nhóm chiến dịch động vật như PETA cũng đang thúc giục đóng cửa các chợ tươi sống.

Nhưng có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chú ý đến những lời kêu gọi hạn chế hơn đối với mua bán động vật hoang dã.

Tháng trước, Bắc Kinh đã cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã không phải thủy sản đồng thời đóng cửa 20.000 trang trại bán nhím, chim công…

Thâm Quyến trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc ngừng bán thịt chó mèo.

Thế Anh (Theo Express)

Nguồn: