Người dân cần được giám sát môi trường

Những quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nếu không đủ chặt chẽ, bỏ qua vai trò giám sát của người dân sẽ dẫn đến khả năng lặp lại các bài học lớn về môi trường như vụ thủy điện Đồng Nai 6, 6A hoặc nhà máy giấy Lee & Man

Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện và trình Quốc hội.

Cần bên thứ 3 thực hiện ĐTM

Theo dự thảo luật, chủ dự án thuộc đối tượng đánh giá ĐTM phải tổ chức thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả này. Đối với đánh giá ĐTM chính thức, dự thảo luật quy định chủ dự án tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá. Chi phí lập, thẩm định ĐTM thuộc nguồn vốn đầu tư dự án do chủ dự án chịu trách nhiệm.

Góp ý nội dung này, PGS-TS Đào Trọng Tứ – Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Tư vấn Bền vững Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (CEWAREC) – cho rằng nội dung về đánh giá ĐTM có vị trí quan trọng trong toàn bộ dự thảo luật về bảo vệ môi trường. Thực tế, chính bởi quy trình đánh giá và thẩm định ĐTM còn tồn tại nhiều vấn đề nên mới dẫn đến nhiều bài học về tác động môi trường như dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A hoặc Nhà máy Giấy Lee & Man.

Dự án thủy điện 6A trên sông Đồng Nai phải hủy bỏ do tác động xấu đến môi trường Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Đào Trọng Tứ cho biết trước đây, rất nhiều lần các chuyên gia, nhà khoa học đã kiến nghị điều chỉnh quy định liên quan đến việc cho phép chủ đầu tư được tự thực hiện thẩm định ĐTM đối với dự án của mình. Tuy nhiên, kiến nghị này vẫn chưa được tiếp thu.

“Chủ đầu tư tự bỏ tiền để thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá ĐTM sẽ khó khách quan, tổ chức được thuê cũng khó thực hiện độc lập được. Đã từng có việc chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A thuê một trường đại học đứng ra đánh giá ĐTM. Kết quả là trường đại học đó đã đưa ra đánh giá có lợi cho chủ đầu tư và tôi đã phản biện những đánh giá đó” – ông Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.

Vì vậy, PGS-TS Đào Trọng Tứ góp ý nên thành lập quỹ đánh giá ĐTM dưới sự quản lý của nhà nước và thuê bên thứ 3 tiến hành đánh giá độc lập nhằm bảo đảm tính khách quan.

Cụ thể hóa quy định giám sát cộng đồng

Nhiều chuyên gia về môi trường đánh giá cao tinh thần của dự thảo luật khi nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của giám sát trong cộng đồng dân cư đối với các dự án liên quan đến môi trường. Điều này thể hiện được sự tiến bộ trong quá trình làm luật. Tuy nhiên, hoạt động giám sát ra sao cần có quy định cụ thể, rõ ràng, tránh chung chung, gây hậu quả là luật xa rời thực tế.

Nghiên cứu sâu nội dung này, Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) chỉ rõ dự thảo luật chưa giải quyết được vấn đề còn tồn tại hiện nay là thiếu khung pháp luật chi tiết cũng như cơ chế cụ thể để người dân tham gia giám sát các hoạt động liên quan đến môi trường.

Theo phân tích của GreenID, Luật Tiếp cận thông tin và Luật Bảo vệ môi trường (2014) đã quy định rõ người dân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Tuy nhiên, với dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường lần này, cơ quan soạn thảo vẫn không quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến việc công khai thông tin theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, không làm rõ được việc người dân có thể đưa ý kiến qua kênh nào, hình thức và quy trình ra sao. Đặc biệt, thiếu quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước đối với những vấn đề được phản ánh.

Ở nhóm vấn đề kinh tế môi trường, PGS-TS Vũ Thanh Ca – Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) – góp ý dự luật còn nhiều quy định chưa rõ ràng. Chẳng hạn, dịch vụ môi trường và hệ sinh thái là một khái niệm cực kỳ quan trọng, được sử dụng rộng rãi trên thế giới để định lượng giá trị kinh tế của môi trường nhằm phục vụ cho việc quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ và bảo tồn môi trường, phục vụ phát triển bền vững.

Theo ông Vũ Thanh Ca, Việt Nam đã có những quy định dưới luật về dịch vụ môi trường, như Thông tư 22/2017 hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, dự thảo luật không có định nghĩa về dịch vụ môi trường và hoàn toàn không đề cập việc định lượng giá trị kinh tế của dịch vụ môi trường để làm căn cứ thực hiện quy định “tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng, hưởng lợi các giá trị, dịch vụ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường”. Ngoài ra, cũng không có định nghĩa về “giá trị môi trường”. Như vậy, việc thực hiện quy định theo dự thảo này là không khả thi.

“Việc thiếu vắng các quy định về lượng giá giá trị kinh tế tài nguyên và môi trường trong luật để làm cơ sở xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật trong các văn bản dưới luật sẽ làm giảm khả năng áp dụng của luật; hạn chế tiếp cận với luật về môi trường của các nước tiên tiến trên thế giới và không phù hợp với những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc theo Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững” – ông Vũ Thanh Ca nhìn nhận.

Kiểm soát doanh nghiệp có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố

Một số chuyên gia môi trường góp ý cần thiết bổ sung các quy định để kiểm soát đặc thù đối với các đối tượng và doanh nghiệp có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường. Cụ thể là thu thuế và phí để người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong đó, nên đánh thuế phương tiện xe cộ dựa trên lượng khí CO2 thải ra và dung lượng của xe.