Giữ “mái nhà” cho các hệ sinh thái

Lửa bùng cháy dữ dội bao trùm rừng cây, những đám khói bốc lên nghi ngút, khoảng đất trống màu đen và nhiều xác động vật nằm cạnh thảm thực vật bị thiêu rụi. Đây là một vài hình ảnh đau thương về đợt cháy rừng lên đến đỉnh điểm năm 2019 tại “lá phổi” của hành tinh, rừng Amazon.

Trực thăng phun nước dập lửa cháy rừng Amazon ngày 19/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Cháy rừng xảy ra tự nhiên trong mùa khô, nhưng châm mồi cho ngọn lửa lan rộng lại chính là bàn tay con người dù vô tình hay cố ý. Thông điệp bảo vệ rừng để bảo tồn sự đa dạng sinh học một lần nữa được nhấn mạnh nhân Ngày quốc tề về Rừng 21/3 năm nay.

Tầm quan trọng của rừng đối với sự sống trên trái đất là điều không thể phủ nhận. Rừng là hệ sinh thái đa dạng nhất trên đất liền khi là nơi cư trú của gần 80% các loài động, thực vật trên cạn. Tất cả các dạng sống tồn tại trong rừng tạo nên sự đa dạng của tài nguyên sinh học ở rừng, thường tác động trực tiếp và gián tiếp đến hệ sinh thái của chúng ta. Che phủ hơn 30% diện tích đất trên thế giới, rừng cung cấp cho hàng tỷ người nơi ở, thuốc men, nhiên liệu, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác. Đặc biệt, rừng là yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu do hấp thu khoảng 2 tỷ tấn khí CO2 mỗi năm, giảm hiệu ứng nhà kính gây ra sự nóng lên toàn cầu. Rừng cũng đóng vai trò không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

Dù đem lại lợi ích vô giá về sinh thái, kinh tế, xã hội và sức khỏe, nhưng hệ sinh thái rừng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Thống kê cho thấy mỗi năm, thế giới mất khoảng 13 triệu hécta rừng, trong đó phần lớn là rừng nhiệt đới có hệ sinh thái phong phú. Theo số liệu do Viện nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil công bố tháng 11/2019, hơn 10.000 km2 diện tích rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới Amazon bị chặt phá trong vòng 12 tháng (tính đến tháng 7/2019), tăng 43% so với 7.033 km2 rừng bị phá từ tháng 8/2017 – tháng 8/2018. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2008 khi khoảng 12.287 km2 rừng Amazon bị chặt phá chỉ trong vòng 1 năm. Tác nhân lớn nhất dẫn đến nạn phá rừng là do chăn nuôi, hoạt động nông nghiệp, khai thác gỗ bừa bãi và cháy rừng. Nhiều nhà hoạt động môi trường cảnh báo nếu Amazon đạt đến điểm không thể phục hồi, khu rừng nhiệt đới này sẽ trở thành một thảo nguyên khô và hiếm động vật. Nếu điều đó xảy ra, thay vì là nguồn cung cấp oxy, Amazon sẽ bắt đầu thải ra carbon – yếu tố chính làm trầm trọng hơn tình trạng biến đổi khí hậu.

Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở bang Victoria, Australia ngày 31/12/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong năm qua, hàng loạt vụ cháy rừng lớn cũng xảy ra từ Canada và Siberia đến California và Australia. Không chỉ đe dọa đến tính mạng, nhà ở và sinh kế của người dân, các vụ cháy rừng còn khiến động vật chết hàng loạt và phát tán lượng khí thải carbon khổng lồ trong bầu khí quyển. Đợt cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử Australia năm ngoái thiêu rụi khoảng 8,5 triệu hécta rừng, tương đương với diện tích của nước Áo, cùng với khoảng 500 triệu động vật chết, gây thiệt hại kinh tế ước khoảng 5 tỷ AUD (2,8 tỷ USD).

Sự đa dạng sinh học giúp các thảm thực vật rừng đối phó với biến đổi khí hậu và nhiều mối đe dọa khác. Trong khi đó, tính đa dạng sinh học của rừng đang bị “bóp nghẹt” bởi nạn phá rừng, suy thoái rừng và biến đổi khí hậu. Với chủ đề rừng và tính đa dạng sinh học, Ngày quốc tế về Rừng năm nay nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của sự đa dạng sinh học ở rừng và những thách thức xung quanh vấn đề này. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững cũng chính là bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo Liên hợp quốc, nhờ những nỗ lực của các chính phủ, các cá nhân và tổ chức liên quan, tốc độ phá rừng mỗi năm trên thế giới đã giảm 50% trong 25 năm qua. Tại Indonesia, nơi tỷ lệ phá rừng thuộc hàng cao nhất thế giới, Tổng thống nước này Joko Widodo tháng 8/2019 đã ban hành lệnh ngừng vĩnh viễn chương trình phát quang rừng để trồng cọ hoặc đốn gỗ.

Tại Thái Lan, Cục Lâm nghiệp áp dụng một mô hình trồng rừng mới chi phí thấp hơn nhiều so với hiện nay, đồng thời có thể tạo ra nhiều không gian xanh hơn. Theo đó, cơ quan này chuyển vai trò từ trồng rừng sang cung cấp cây giống. Người dân địa phương sẽ trồng cây trên đất được phân bổ và họ sẽ hưởng lợi ích kinh tế từ những cây trồng đó, trong khi quốc gia có thêm nhiều cây xanh để cải thiện môi trường. Cục Lâm nghiệp sẽ chỉ phải chi 1.000 baht (30 USD) cho mỗi rai đất (một rai bằng 0,16 hécta) và số tiền này sẽ được dành cho việc trồng cây con để giao cho các cộng đồng địa phương.

Tại Brazil, chính phủ công bố sắc lệnh cấm hoàn toàn việc đốt nương rẫy, cánh đồng trên cả nước vào mùa khô nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy rừng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và hệ sinh thái rừng nhiệt đới Amazon của nước này. Lực lượng chức năng cũng xử lý nghiêm như bắt giữ và phạt tiền các đối tượng dính líu đến các vụ cháy rừng Amazon.

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP25) diễn ra tại Tây Ban Nha tháng 12/2019, các nước Na Uy, Đức và Anh cam kết hỗ trợ 366 triệu USD cho Colombia trong 5 năm tới để giúp nước này giảm tình trạng chặt phá rừng ở rừng rậm Amazon thuộc phạm vi lãnh thổ của mình. Trong nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng, tháng 9/2019, Na Uy ký một thỏa thuận mới với Gabon. Theo đó, Gabon sẽ nhận được khoảng 10 USD cho mỗi tấn carbon không phát thải ra môi trường và lên tới mức thanh toán tối đa 150 triệu USD trong 10 năm.

Năm ngoái, Cơ quan Liên chính phủ về tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái (IPBES) cảnh báo “sức khỏe” của các hệ sinh thái trên “Hành tinh Xanh” đang giảm ở mức chưa từng thấy và tốc độ tuyệt chủng của các loài động, thực vật có chiều hướng tăng nhanh.

Trong thông điệp đưa ra nhân ngày 21/3 năm nay, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: “Chúng ta phải khẩn trương hành động để đảo ngược xu hướng này. Một trong những giải pháp đó là bảo vệ rừng”.

Ông Guterres kêu gọi tất cả các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự khẩn trương hành động nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và phục hồi hệ sinh thái rừng đã bị suy thoái. Với mỗi hécta rừng mất đi, con người lại tiến gần hơn tới viễn cảnh khủng khiếp của biến đổi khí hậu. Tính đa dạng sinh học của rừng sẽ tiếp tục thay đổi và chúng ta không thể bảo vệ mọi thứ, do đó việc gìn giữ những gì còn lại là mục tiêu cấp thiết để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.