1 tỷ kWh điện có xứng đổi 372 ha đất rừng?

ThienNhien.Net – Tưởng chừng các nhà khoa học môi trường đã tìm được điểm chung trong việc nghiên cứu, đánh giá và kiến nghị về những tác động tiêu cực mà hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A dự kiến gây ra đối vớiVQG Cát Tiên và các khu vực lân cận, nhưng trong hội thảo do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (VACNE) tổ chức mới đây, sự đồng thuận ấy chỉ mang tính chất tương đối, thậm chí nhiều lý lẽ được viện dẫn dựa trên những quan điểm trái chiều. Quan điểm và chính kiến của VACNE tuy không hoàn toàn phủ nhận các ý kiến phản đối hai dự án vốn gây nhiều tranh cãi nhưng lại nhất mực khẳng định mọi tác động “không hề nghiêm trọng như một bộ phận dư luận đánh giá”, và có chăng chúng đều có thể được “hóa giải” bằng các biện pháp giảm thiểu.

Chấp nhận đánh đổi có điều kiện

Theo quy hoạch Điện VII được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 7/2011, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong danh mục các dự án nguồn điện dự kiến được đưa vào vận hành giai đoạn 2011 -2020, trong đó thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 135MW, Đồng Nai 6A có công suất 106MW, tổng sản lượng điện hàng năm là 997,2 triệu kWh. Diện tích chiếm đất công trình và lòng hồ là 372,23 ha, trong đó diện tích đất thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên bị ảnh hưởng là 136,98 ha; diện tích đất thuộc rừng phòng hộ của hai tỉnh Đăk Nông, BÌnh Phước bị ảnh hưởng là 235,25 ha.

Trái với những chia sẻ đầy quan ngại của các nhà khoa học thuộc Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tại hội thảo được tổ chức vào đầu tháng 8 cũng về chủ đề thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, trong bài phát biểu tham luận tại hội thảo do VACNE tổ chức vào sáng 30/9, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban phản biện xã hội VACNE lại tỏ ra khá lạc quan trước những tác động tiêu cực mà thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có thể mang lại. Ông dành gần như toàn bộ thời lượng trình bày để biện minh và bênh vực cho lý lẽ “phát triển đồng nghĩa với bài toán đánh đổi có điều kiện”. Ở đây, việc cho phép phát triển thủy điện Đồng Nai 6 và 6A theo ông là bài toán “được” nhiều hơn “mất”, vậy thì cớ gì lại không đánh đổi. (!?)

Nếu nhìn vào bản báo cáo tham luận của PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, hẳn nhiều ý kiến sẽ cho rằng, mọi khúc mắc đã được hóa giải và mọi lo ngại đều trở nên “thái quá”, việc phê duyệt dự án nếu theo đúng tinh thần và cách nhận định nêu trên thì chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trong khi diện tích 137 ha rừng Cát Tiên bị thuyên chuyển sang cho hai dự án thủy điện được xem là nỗi trăn trở lớn nhất của phần đông các nhà bảo tồn thì với PGS.TS Hòe, việc làm ngập 137 ha trên thực tế chỉ làm giảm chút ít nơi kiếm thức ăn của động vật ở khu Cát Lộc, ít ảnh hưởng đến nơi di trú của động vật. Một số loài thực vật quý tuy bị mất nhưng không nhiều do nơi đây là vùng rải chất diệt cỏ trong chiến tranh nên phần lớn sinh cảnh là rừng mọc lại, lồ ô và cây bụi, lại bị khai hoang làm rẫy nhiều. Đặc biệt, 137 ha bị ngập sẽ trở thành hệ sinh thái đất ngập nước mới, đóng góp cho việc đa dạng hóa sinh thái của Vườn quốc gia Cát Tiên, thậm chí “tác động này” có thể giúp người dân phát triển nghề nuôi các lồng bè và du lịch như một nguồn sinh kế thay thế.

Đáp lại những lo ngại rằng dự án sẽ gây hại cho Vườn quốc gia Cát Tiên và khu Bàu Sấu, PGS.TS Hòe cho rằng, khoảng cách 50 – 70 km theo đường sông từ điểm xây dự án tới Khu bảo tồn đa dạng sinh học cốt lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên và vùng sinh cảnh Bàu Sấu là một mốc an toàn, không thể có chuyện gây ra ảnh hưởng. Còn khả năng dự án làm gia tăng lũ và hạn cho vùng hạ lưu, đặc biệt là huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng – theo PGS.TS Hòe – cũng không thể đổ thừa cho Đồng Nai 6 và 6A bởi từ khi chưa có thủy điện trên sông Đồng Nai thì huyện Cát Tiên vốn đã là “rốn lũ”.

Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ bị thu hẹp 137 ha nếu hai dự án được triển khai, trong đó phần diện tích bị chiếm vĩnh viễn là 128,37 ha; diện tích đất chiếm tạm thời là 8,61 ha (Ảnh: lamdong.gov.vn)

Với những nhận định khá lạc quan về sự ảnh hưởng “tiêu cực nhưng có thể khắc phục được” của hai dự án, kết hợp với việc chúng có thể giải quyết được bài toán năng lượng đầy nan giải với việc bổ sung vào tổng công suất điện quốc gia gần 1 tỷ kWh/năm, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe khẳng định chắc nịch, hai dự án xứng đáng được đánh đổi, nhưng là đánh đổi có điều kiện. Điều kiện ở đây là chủ đầu tư cần xem xét đến các giải pháp giảm thiểu tác động và nâng cấp chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng giải pháp cụ thể ra sao thì PGS.TS không đề cập tới, ngoài việc đề nghị chủ đầu tư trồng bù diện tích rừng bị mất và nghiên cứu khả năng sử dụng nước từ các hồ Đồng Nai 6 và 6A cho bà con thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên trong mùa thiếu nước.

Kết thúc báo cáo, PGS.TS cũng không quên tái khẳng định nhận định của Bộ NN&PTNT tại đề xuất về việc điều chỉnh quy hoạch Vườn quốc gia Cát Tiên để xây nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là hoàn toàn chính xác, đề nghị VACNE sớm gửi kiến nghị cho phép chủ đầu tư tiếp tục được thực hiện dự án.

Có thể đánh đổi không khi cái mất là quá lớn?

Nếu bài toán đánh đổi theo trình bày của vị Trưởng ban phản biện xã hội VACNE tỏ rõ sự lạc quan thì quan điểm của các nhà khoa học được tổng kết tại hội thảo do VRN tổ chức hồi đầu tháng 8 lại đưa ra một bức tranh khác về những tác động của hai dự án thủy điện này. Bản báo cáo này cũng đã được gửi tới hội thảo VACNE, tổng hợp toàn bộ những nhận định, đánh giá của VRN về những tác động tiêu cực mà Đồng Nai 6 và 6A có thể gây ra cho vùng Cát Tiên và các khu vực bị ảnh hưởng.

Theo đó, không chỉ làm tăng nguy cơ xâm lấn Vườn quốc gia, việc xây dựng hai dự án còn ảnh hưởng tới tài nguyên động thực vật rừng; làm thay đổi tập tính, nguồn thức ăn và vùng sống của các loài thú trong khu vực, đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi thủy chế của khu Bàu Sấu. Đó là chưa kể tới việc làm giảm nguồn nước, chất lượng nước, chất dinh dưỡng, lượng phù sa trên sông Đồng Nai; gây ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn khi chuyên chở nguyên vật liệu, xây dựng công trình, đặc biệt việc phải sử dụng tới gần 1.000 tấn chất nổ tại khu vực địa lý tương đối nhỏ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng sinh cảnh của các loài.

Toàn bộ những nhận định nêu trên được nhóm các nhà khoa học thuộc VRN rút ra sau chuyến khảo sát thực địa tại khu vực dự kiến xây dựng thủy điện từ ngày 8-13/7. Điểm đáng lưu ý là trong khoảng thời gian này, các nhà khoa học đã ghi nhận được sự xuất hiện 98 loài chim, 14 loài thú, 22 loài cá nước ngọt, trong đó có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm như Gà so cổ hung, Gà lôi hồng tía, Gà tiền mặt đỏ, Khỉ đuôi lợn, Khỉ mặt đỏ, Cu li nhỏ, Chà vá chân đen, Vượn đen má vàng, Gấu, Bò rừng, gỗ Cẩm lai, Gõ mật, loài Hùng Lan việt, đặc biệt là sự xuất hiện của loài hoa mới – hoa trà Cát Lộc… Đây là những phát hiện xác thực và độc đáo dựa trên cơ sở thực tế, khác xa so với một số báo cáo tổng hợp cho rằng, nơi đây chỉ còn là rừng nghèo hỗn giao.

Cùng chung mối lo ngại nếu Đồng Nai 6 và 6A được triển khai, ông Nguyễn Văn Quan, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cũng bày tỏ, việc thực hiện hai dự án sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên động thực vật rừng và công tác bảo vệ rừng đặc dụng, khu dự trữ sinh quyển mà còn ảnh hưởng tới quy định của UNESCO trong việc công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là Khu di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời, gây tác động không nhỏ đến dòng chảy sông Đồng Nai, nhất là phần hạ lưu, ảnh hưởng đến công tác điều tiết lũ, đẩy mặn, cấp thoát nước của các tỉnh phía hạ lưu của sông.

Một số kiến nghị và đề xuất

Báo cáo kết quả hội thảo, PGS. TS Lê Bắc Huỳnh, Phó Tổng thư ký VACNE cho hay, tuy có một vài ý kiến phản đối nhưng đa số các đại biểu tán đồng việc cho phép triển khai dự án. Báo cáo nhấn mạnh: “Đa số các đại biểu kiến nghị VACNE nghiên cứu gửi công văn đến các địa chỉ cần thiết thuộc Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và tổ chức liên quan về việc cho phép triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A theo quan điểm phát triển bền vững.”

Phía UBND tỉnh Bình Phước với đại diện là ông Bùi Văn Thạch, Phó Chủ tịch tỉnh thì yêu cầu chủ đầu tư kết hợp với các chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 2,3,4,5 xây dựng quy trình vận hành liên hồ cho toàn bộ các hồ chứa nhà máy thủy điện bậc thang sông Đồng Nai trình Bộ Công Thương phê duyệt, đảm bảo được dòng chảy tối thiểu phía hạ lưu vào mùa khô, cũng như vận hành xả lũ của các hồ chứa này vào mùa mưa nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến phía hạ lưu. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần có kế hoạch và cam kết trồng bù diện tích rừng; đảm bảo không gây hư hại đến hệ thống đường giao thông trong quá trình vận chuyển vật tư, thiết bị; hạn chế ô nhiễm môi trường khói bụi, tiếng ồn trong quá trình thi công.

Trong khi đó, xuất phát từ những quan ngại mà hai dự án có thể mang lại, phía VRN và UBND tỉnh Đồng Nai cùng kiến nghị các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu và đánh giá lại những tác động về mặt môi trường, kinh tế, xã hội trước khi tiến hành cấp phép dự án, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư sớm xây dựng và hoàn thiện các phương án giảm thiểu hợp lý, đặc biệt cần thành lập một hội đồng tư vấn quốc gia để thực hiện giám sát và đánh giá tính khả thi của hai dự án với sự tham gia của các nhà khoa học có kinh nghiệm.

Ý kiến một số đại diện từ Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường), Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần cân nhắc, xem xét các tác động liên quan trước khi cấp phép dự án.

Với những kiến nghị đa chiều nêu trên, dư luận hiện đang chờ đợi phán quyết cuối cùng cho hai dự án tốn nhiều giấy mực này.