Thanh xuân của họ là tháng ngày sương gió trên những rẫy cà phê cao nguyên, là những chuyến thám du chống chọi với áp suất dưới mặt biển, là những bước chân bảo tồn khắc nghiệt và cũng đầy hứng khởi trên những cánh rừng Phi châu… Bình dị, khiêm nhường nhưng mạnh mẽ và đầy năng lượng, chuyện đời thường của họ cho ta hiểu thêm phần nào về thanh niên hôm nay.
“CEO khăn rằn và dép tông”
Duy Hồ – chàng trai sinh năm 1988, CEO (Tổng Giám đốc) của một công ty về thương hiệu cà phê đặc biệt Married Beans của cao nguyên Lâm Viên – xuất hiện trước tôi với hình ảnh quen thuộc là chiếc khăn rằn và đôi dép tông Lào màu vàng, đặc biệt là nụ cười hồn hậu.
Trước khi gặp Duy, qua câu chuyện của những người làm nông nghiệp trẻ ở Đà Lạt, Married Beans đã trở thành một ví dụ về khởi nghiệp khá tiêu biểu. Sau 3 năm hoạt động, đến nay Married Beans đã thiết lập được một đội ngũ mà 85% là nhân sự dưới 30 tuổi, tạo dựng mạng lưới gồm 60 nông hộ với 150ha trồng cà phê, mỗi năm thu về 300 tấn cà phê chất lượng cao, đạt 80 điểm/100 điểm theo thang điểm quốc tế. Cà phê đặc biệt (speciality) mà ông chủ trẻ khởi dựng ở Đà Lạt là cà phê nguyên chất, giữ hương thơm, vị thanh mát tự nhiên, được xem là dòng cà phê thứ 3 sau cà phê pha phin “đặc, sánh, béo, ngậy” như thường thấy, và cà phê pha máy.
Married Beans “còn trẻ” nhưng đã giành được một số giải thưởng về cà phê của khu vực và thế giới, trở thành thành viên chính thức của Tổ chức cà phê đặc sản thế giới (SCA). “CEO khăn rằn, dép tông” cũng sở hữu Giải thưởng doanh nhân tâm và tài; Giải thưởng doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng, trở thành đối tác chiến lược của dự án Bảo vệ khu sinh quyển LangBiang của tổ chức JICA (Nhật Bản)…
“Bỏ phố lên rừng” năm 21 tuổi, khi đã tốt nghiệp đại học ngành Du lịch và khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh, Duy Hồ có 2 năm làm việc ở Lâm Hà, không có sóng điện thoại, không có nước sạch; quăng mình như một nông dân thứ thiệt, quản lý một dự án cà phê organic 30ha cho một doanh nhân nước ngoài. Nhưng dự án đột ngột dừng lại vì ông chủ ngã bệnh. Duy đứng trước vùng cao nguyên tiềm năng với những dự định mới. Trong vòng 8 tháng, với chiếc xe cúp đỏ, chàng trai người gốc Củ Chi lại lăn mình từ 7h đến 22h trên những vườn cà phê, rồi vào phòng thí nghiệm, say mê như một chuyên gia, để rồi cho ra đời mô hình Married Beans năm 2015.
Với triết lý làm việc từ cánh đồng, dành lợi nhuận cao cho nông dân, vay mượn lòng tin và trả lãi suất bằng chữ tín, cái Tết đầu tiên nhận 5.000 đô la Mỹ đặt hàng của đối tác, Duy dành cả gửi các nông hộ để họ đón Tết, trong túi chỉ còn đủ tiền bắt xe về Củ Chi.
Nhiều trải nghiệm và đi lên từ cánh đồng, sát cánh cùng người nông dân, Duy cũng thể hiện một tầm nhìn rõ ràng về khởi nghiệp. Đó là, phải tích lũy kinh nghiệm, kiến thức trước khi bắt đầu. Cho phép mình thất bại nhiều lần kiểu “thất bại là mẹ thành công” là rất nguy hiểm.
Cũng theo Duy Hồ, Việt Nam là nước có tiềm năng nông nghiệp, các bạn trẻ đừng bỏ qua đồng đất quê hương và hãy chú trọng thị trường nội địa. Đặc biệt, với ông chủ trẻ của vùng cao nguyên này thì: “Là doanh nghiệp thì trách nhiệm xã hội, phát triển lành mạnh, bền vững quan trọng hơn là kiếm tiền. Nếu không, đối diện với những biến cố như dịch bệnh, doanh nghiệp sẽ là người hứng chịu hậu quả nặng nề nhất…”.
Độ… máy móc để làm khoa học
Thật tình cờ, nhân vật tiếp theo mà tôi tìm gặp lại là một khách hàng quen thuộc của cà phê đặc biệt Married Beans – nhà khoa học trẻ Nguyễn Nhật Như Thủy (sinh năm 1988) của Viện Hải dương học Nha Trang. Như Thủy vừa có công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế năm 2019 – lần đầu tiên công bố sự xuất hiện của một loài rong biển tại Việt Nam.
Cùng là gương mặt trẻ của Viện Hải dương học Nha Trang có công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, được nhận hỗ trợ nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang dành cho nhà khoa học trẻ, còn có Thái Minh Quang (sinh năm 1988). Công trình mới đây của Quang là về hải miên – nhóm động vật đa bào nguyên thủy nhất hiện còn sống, được ví như bộ máy lọc nước khổng lồ của đại dương. Nghiên cứu về hải miên không chỉ có ý nghĩa cho bức tranh khoa học nói chung về đa dạng sinh học, mà còn nhằm tìm hướng khai thác và sử dụng hợp lý nguồn dược liệu biển phục vụ y học với các hoạt tính như kháng sinh, kháng khuẩn, kháng ung thư.
Như Thủy và Minh Quang giống như nhiều nhà khoa học trẻ khác ở nơi đây, tuổi trẻ của họ gắn liền với những buổi sớm tinh mơ đi tìm mẫu vật trên các vùng biển, lặn sâu 5 – 6m dưới làn nước đại dương quan sát sinh vật biển, lặn lội trong rừng ngập mặn giải đáp băn khoăn về nguy cơ tuyệt chủng của một loài cây quý hiếm, lặng thầm trong các phòng lab để nghiên cứu, công bố những phát hiện mới.
Gắn bó với cỏ cây, rong rêu, sóng gió, sinh vật biển…, các nhà nghiên cứu trẻ giữ vẻ điềm đạm nhưng đầy say mê khi nói về công việc. Họ ít sử dụng mạng xã hội, công nghệ trừ công nghệ phục vụ khoa học. Máy móc hư hỏng, lạc hậu ư? Thì sửa, bỏ tiền túi ra mua thiết bị, rồi chế, độ thành máy ảnh dùng chụp qua kính hiển vi. Cứ thế, qua nhiều công trình, cùng với sự đầu tư mới của đơn vị, tinh thần của tuổi trẻ nghiên cứu vẫn cứ là khắc phục khó khăn và sáng tạo để có thể tiệm cận với thế giới trong lĩnh vực của mình.
Trai phố Hàng trên cao nguyên
Bên cạnh những gương mặt đến từ miền Nam, miền Trung đất nước, thì tuổi trẻ Thủ đô cũng ghi dấu ấn cống hiến ở nhiều nơi. Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Bông, Hà Nội, là cháu nội của một nghệ nhân làm bánh dẻo, bánh nướng đất Hà thành nhưng Nguyễn Việt Dũng lại trải qua nhiều công việc tại thành phố Hồ Chí Minh để rồi gắn bó với Đà Lạt và trở thành CEO của Cầu Đất Farm. Đây là một mô hình trang trại cà phê, chè và phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao trải trên 230ha ở độ cao lý tưởng 1.650m so với mặt nước biển.
Ghi nhớ lời nhắn nhủ của một người đi trước: “Không có mảnh đất nào là cằn cỗi”, từ năm 2015, Dũng và nhiều người trẻ nơi đây đã kể tiếp câu chuyện về một vùng trồng chè có lịch sử từ năm 1927 do người Pháp xây dựng. Cầu Đất Farm qua nhiều giai đoạn phát triển, nay đã trở thành địa chỉ cung cấp các sản phẩm chè, cà phê chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, với việc gìn giữ được hệ thống di sản máy móc, sản xuất và những câu chuyện văn hóa của vùng chè cổ, Dũng và các bạn trẻ chuẩn bị khởi công Không gian tương tác về trà đầu tiên tại Việt Nam ở Cầu Đất.
Trẻ trung, giản dị và vẫn giữ vẻ lịch thiệp của người phố cổ, Nguyễn Việt Dũng cũng thẳng thắn cho tôi thấy một tuổi trẻ đã ít nhiều chạm tới thành công qua những sai lầm, thất bại, thậm chí là nông nổi. Bận rộn nhưng có điều kiện là tắt máy ôm con đỡ vợ, Dũng khiến tôi phải xác lập những hình dung thực tế hơn về một thế hệ doanh nhân trẻ nói chung, người làm nông nghiệp trẻ hôm nay nói riêng.
Một gương mặt nữa mà tôi muốn chia sẻ là Trang Nguyễn – sinh năm 1990, nhà bảo tồn động vật hoang dã, tác giả của cuốn sách Trở về nơi hoang dã được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ. Trang cũng là gương mặt được nhận giải thưởng Future for Nature cho các nhà bảo tồn động vật hoang dã quốc tế. Hiện đang nghiên cứu ở Kenya, vì những lý do an toàn cho công việc, Trang không thể nói cụ thể về nhiệm vụ của mình, nhưng cô cũng chia sẻ về cuốn sách Chang hoang dã – Gấu (NXB Kim Đồng) vừa ra mắt tại Việt Nam và tiếp sau đó sẽ là Chang hoang dã – Voi.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, dù đặt chân tới nhiều vùng đất trên thế giới, Trang vẫn luôn nhớ về một Hà Nội thân quen trong ký ức và nhắn nhủ các bạn trẻ Thủ đô: Những hành động tưởng như rất nhỏ bé như từ chối sử dụng đồ nhựa dùng một lần, ăn chay một bữa trong tuần, hay tắt đi một bóng điện không dùng… cũng đem lại tác động vô cùng to lớn với thiên nhiên. Hy vọng các bạn hãy tiếp tục có những hành động thiết thực hơn để bảo vệ môi trường sống của chính bản thân mình.
Có thể nói, dù ở cao nguyên hay đồng bằng, trong rừng hay ở biển, nhiều người trẻ hôm nay đã mang đến cho chúng ta những cảm hứng mới về giá trị của lao động và cống hiến. Tháng 3, vì thế có thể nghĩ nhiều hơn về tuổi trẻ với niềm tin và hy vọng mới.