Biến đổi khí hậu khiến nông dân Ấn Độ chuyền sang trồng kê

Ở thời điểm biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng trên toàn cầu, người nông dân Ấn Độ đang quay lại trồng loại ngũ cốc cổ được cho có sức mạnh gần như thần kỳ đó là kê.

Người nông dân Ấn Độ thu hoạch kê. Ảnh: Guardian

Nông dân Whülü Thurr (65 tuổi) tại làng New Phor ở bang Nagaland (Ấn Độ) chia sẻ: “Có ngạn ngữ cổ nói rằng chỉ một cây kê cũng có thể hồi sinh người đàn ông đang hấp hối”.

Bà Thurr là một trong những nông dân vẫn bám trụ với kê trong nhiều thập niên và hiểu rất rõ về lợi ích dinh dưỡng của loại ngũ cốc này.

Nhiều nông dân tại Nagaland đã bỏ rơi nghề trồng kê sau khi nhu cầu tiêu thụ giảm dần. Gạo trắng được người dân ưu ái hơn và còn được bán ở mức giá trợ cấp. Nhưng việc trồng gạo đòi hỏi cần có nhiều nước, do vậy thường gặp phải rủi ro bởi khủng hoảng khí hậu.

Từ thực tế này, bà Thurr cùng nhiều nông dân khác đã chuyển sang trồng kê và khuyến khích người dân tiêu thụ loại ngũ cốc này. Bà còn tham gia Nhóm Nông dân trồng kê do tổ chức phi lợi nhuận vì nữ quyền có tên North East Network (NEN) thành lập.

Qua mạng lưới này, 200 nông dân trồng kê từ 11 ngôi làng tại quận Phek đã cùng chia sẻ kiến thức, tăng sản lượng và tiếp cận thị trường mới. NEN còn hỗ trợ cho vay không tính lãi từ 1.500 – 2.000 rupee cho người nông dân.

Cánh đồng trồng kê tại bang Nagaland. Ảnh: Guardian

Giám đốc phụ trách bang Nagaland của NEN – Wekoweu Tsuhah cho biết: “Nông dân trồng gạo tại địa phương chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu như mưa ít, nhiệt độ tăng, sâu bệnh mới. Trong giai đoạn 2010-2011, chúng tôi tập trung vào trồng kê để đảm bảo an ninh lương thực và xây dựng khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu. Kê không cần nhiều nước, có thể sinh trưởng trong đất nghèo dinh dưỡng và chịu được một số loại bệnh. Sau khi thu hoạch, loại ngũ cốc này có thể lưu kho trong nhiều năm”.

Tại ngôi làng Sumi, người nông dân có sản lượng trồng kê cao nhất sẽ được tặng 2.000 rupee. Bà Thurr cũng cho biết rất hạnh phúc khi nông dân trẻ tại làng của bà cũng bắt tay vào trồng kê.

Không chỉ tạo thêm thu nhập, hướng đi này còn khôi phục lại truyền thống văn hóa. Bà Thurr cho biết: “Cha mẹ từng tặng kê cho tôi làm quà hồi môn và tôi cũng tặng 10 giỏ kê cho 4 con gái trong lễ cưới của chúng”.

Ông Wekoweu Tsuhah trong khi đó bổ sung: “Việc khôi phục lại trồng kê không chỉ lưu giữ kiến thức truyền thống của chúng ta mà còn chuẩn bị cho một tương lai không chắc chắn”.