Các nhà khoa học đang cố gắng giải mã bí ẩn của nCoV

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay các nhà khoa học đang rất nỗ lực nghiên cứu về chủng mới của virus corona (nCoV).

Virus corona (2019-nCoV) lan rộng đã lan rộng đến gần 30 nước và vùng lãnh thổ với hơn 24.000 người nhiễm. Việt Nam đã ghi nhận 10 trường hợp dương tính với virus corona. Trong buổi họp báo chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đưa ra những nhận định về chủng mới của virus corona và các biện pháp điều trị đối với các bệnh nhân tại Việt Nam.

“Virus corona có khả năng lây lan rất nhanh”

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin chủng virus này cùng họ corona virus. Chủng này có nhóm 6 nhóm lớn, chủng thứ 7 chính là loại virus đang hoành hành tại Trung Quốc. Nhóm này có 3 đại dịch mà chúng ta phải lưu ý là SARS 2003, MERS-COV và thứ 3 là dịch ở Vũ Hán hiện tại.

Ông Long cũng khẳng định đây là loại virus có khả năng lây lan rất nhanh, phải triển khai các biện pháp cần thiết để chống khả năng lây nhiễm.

“Có 3 phương thức lây truyền virus corona chủ yếu: không khí (qua tiếp xúc với các giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi), trực tiếp khi tiếp xúc người bệnh, kể cả khi bắt tay với người bệnh; lây truyền từ bề mặt đã bị nhiễm bệnh”, ông Long cho hay.

Đặc trưng khi ra ngoài môi trường, virus corona không lơ lửng ở không khí nên khả năng lây qua không khí được đánh giá thấp. Chúng chủ yếu lây qua tiếp xúc các bề mặt vì virus tồn tại ở đó rất lâu. Ngoài 3 phương thức trên, virus corona có thể lây qua phân từ người nhiễm.

Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần rửa tay bằng xà phòng thường xuyên bởi thống kê từ nhiều nghiên cứu, cứ 10 phút chúng ta có hành động vô thức là đưa tay lên mặt.

Virus corona lây lan qua 3 phương thức chủ yếu. (Ảnh: Harvard).

Khác với SARS, virus này có thể lây trong thời gian ủ bệnh, tức là khi chưa có triệu chứng, người bệnh đã có thể lây cho người khác. Khi có những triệu chứng nhẹ, người bệnh cũng có thể đã mắc virus. Do đó, chúng ta dễ bỏ sót người mắc.

Thứ trưởng Long cũng cho hay có rất nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã được thực hiện nhưng chưa chứng minh được virus corona lây lan qua ăn uống, nước hay thực phẩm.

Với câu hỏi “Dịch viêm phổi cấp có lây qua chó mèo không, qua vết thương hở hay không?”, Thứ trưởng Long cho biết giải trình từ gene cho thấy virus corona xuất hiện trên loài dơi. Tuy nhiên, hiện nay ở Vũ Hán không phải là mùa dơi, nên đang nghi ngờ có thể lây nhiễm qua con vật trung gian. Nhưng hiện có nghiên cứu công bố là virus corona không lây qua động vật nuôi như chó, mèo.

Ông Long cũng khẳng định: “Bản thân virus corona lây qua đường hô hấp là chính vì cơ chế sinh bệnh của nó gây tổn thương các tế bào niêm mạc ở phổi, gây tình trạng viêm phổi. Vì vậy, virus corona cũng không lây lan qua vết thương hở”.

Độ tuổi nào bị tác động của virus corona nhiều nhất?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết hầu hết đối tượng nhiễm virus corona là trên 30 tuổi và nữ ít hơn nam giới. Nói về các giả thuyết cho rằng nữ giới có gen X nên bảo vệ và phòng vệ tốt hơn hay trẻ em mắc ít hơn, ông Long cho biết chỉ ghi nhận những yếu tố dịch tễ nhưng chưa thể đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân của chúng.

Đến nay, các nhà khoa học đang rất nỗ lực nghiên cứu về loại virus này. Và họ cũng cố gắng giải mã những bí ẩn của chủng mới của virus corona như người mắc như thế nào, tại sao có người có triệu chứng tương tự lại không nhiễm mà người không có triệu chứng lại có mầm bệnh này…

Qua các nghiên cứu của nhà khoa học, những người bị nhiễm virus corona và được chữa khỏi bệnh sẽ khó có khả năng tái nhiễm, có thể miễn dịch được trong 2 năm.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nói: “Tôi cho rằng còn quá sớm để nhận định tình hình dịch bệnh này. Hiện, chúng ta chưa có đủ thông tin về virus corona chủng mới. Trong 1-2 tuần tới, Trung Quốc mới cho các chuyên gia của WHO hay các chuyên gia Mỹ vào để nghiên cứu về dịch bệnh do virus corona mới. Vì vậy, các nghiên cứu về đặc điểm virus, cơ chế lây truyền hiện nay cũng chưa sáng tỏ. Chúng tôi chỉ có thể dự đoán nhưng chưa sáng tỏ, không thể khẳng định điều gì”.

Bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm virus corona ở TP.HCM vui mừng khi được xuất viện. (Ảnh: Lê Quân).

Cách điều trị virus corona ở Việt Nam

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết không có phương thức điều trị đặc hiệu nào đối với virus corona. Chúng ta chỉ dựa trên các nguyên tắc cơ bản.

Đầu tiên là điều trị triệu chứng. Bệnh nhân bị sốt, điều trị giảm sốt. Vấn đề thứ hai là đảm bảo dinh dưỡng, tức là ăn uống đầy đủ. Thứ ba là quan sát diễn biến độ bão hòa oxy trong máu để phát hiện tình trạng suy hô hấp để có biện pháp can thiệp. Tình trạng suy hô hấp chia làm 3 mức: Mức nhẹ chỉ cần cho thở oxy, mức 2 là can thiệp bằng thở có hỗ trợ và mức 3 mới cần thở máy. Đối với 10 trường hợp đã mắc, đa phần đều điều trị triệu chứng, chỉ duy nhất một trường hợp được cho thở oxy. Đó là bệnh nhân người Trung Quốc có nhiều bệnh lý nền.

Bộ Y tế đã thận trọng đưa ra phác đồ điều trị, dự phòng lây nhiễm trong các cơ sở y tế chặt chẽ. Đồng thời, mở cửa học tập các phương thức ở nước ngoài. Ông Long cũng khẳng định phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận với phương thức của thế giới, tương tự việc điều trị dịch SARS trước đây.

BV Thống Nhất TP.HCM tổ chức diễn tập các tình huống khẩn cấp khi tiếp nhận thông tin bệnh nhân nghi nhiễm virus corona. (Ảnh: Lê Quân).

Theo ông Long, phương pháp xét nghiệm hiện nay được toàn thế giới áp dụng là Real-time PCR (RT-PCR). Đây là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất. Toàn bộ quy trình của phương pháp này là 5,5 – 8,9 giờ, bao gồm thời gian phá mẫu, chuẩn bị mẫu hay ủ như thế nào…

So sánh tỷ lệ tử vong trong 3 dịch, lớn nhất là MERS có tỷ lệ tử vong 34,5%, SARS là hơn 10% và virus corona là 1,8% (tính đến thời điểm hiện nay).

“Thực tế, 10 ca dương tính hiện nay đều có tiến triển rất tốt. Đây là thành công trong vấn đề điều trị. Vì vậy, cần hết sức bình tĩnh, không phải cứ mắc bệnh là tử vong”, thứ trưởng nhận định.

Để phòng chống lây nhiễm, người dân nên tránh tiếp xúc và lây virus từ người bệnh. WHO khuyến cáo nên tránh xa người có các dấu hiệu như ho, hắt hơi, sổ mũi khoảng 1 m, hoặc dùng khăn giấy khi ho, hắt hơi. Ngoài ra, người dân cần tránh tiếp xúc với bệnh nhân trong môi trường kín hoặc đi đến nơi đông người.

Đồ họa: Minh Hồng.