Hai công trình nghiên cứu táo bạo

Mới đây, các sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã làm nhiều người ngạc nhiên với ý tưởng sử dụng cây cỏ trong tự nhiên để xử lý ô nhiễm môi trường nước.

“Máy lọc” cho bãi rác

Bãi rác Khánh Sơn (tại phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) đóng cửa, rác được chuyển qua bãi mới. Tại bãi rác cũ xuất hiện một lượng nước rỉ cực lớn, không được xử lý triệt để mà chỉ được lắng thô qua 3 hồ đất. Qua đến hồ thứ ba, nước vẫn đen sì, bốc mùi hôi thối và sau đó một phần thải trực tiếp ra sông Phú Lộc, một phần ngấm vào lòng đất. Cuộc sống của người dân xung quanh khu vực bãi rác đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nguồn nước ô nhiễm.

Tháng 04/2007, một nhóm gồm 4 sinh viên khoa Môi trường (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) gồm Võ Diệp Ngọc Khôi, Nguyễn Hồng Vy, Nguyễn Đắc Lộc và Trần Thị Minh Phương đã đến bãi rác, mày mò nghiên cứu để tìm ra mô hình xử lý nước rỉ vừa rẻ, vừa thiết thực. Tình cờ trong một chuyến tham quan xã Hòa Bắc, cả nhóm phát hiện hai bên bờ sông Cu Đê lau sậy mọc xanh um, tươi tốt. Cả nhóm đang tìm hiểu điều kiện sinh trưởng của lau sậy thì Sony mở cuộc thi “Dự án xanh Sony”. Thế là cả nhóm quyết tâm “di thực” lau sậy từ bờ sông về hồ nước rỉ tại bãi rác Khánh Sơn thí nghiệm.

Thật bất ngờ, sự kết hợp hài hòa giữa lau sậy với công nghệ lắng lọc (vật liệu học) như sỏi, cát… trong hồ đã cho kết quả bất ngờ. Nước thải từ màu đen thẫm, hôi thối chuyển sang trong, đẹp mắt! Theo Võ Diệp Ngọc Khôi, “máy lọc” ngầm trồng lau sậy dòng chảy thẳng đứng có nhiều ưu điểm như nâng cao hiệu suất quá trình phân hủy sinh học các hợp chất hữu cơ, xử lý được chất dinh dưỡng như nitơ nhờ quá trình nitrat hóa – khử nitrat, loại bỏ được các vi sinh vật gây bệnh trong nước thải, tốn ít diện tích, ít kinh phí, vật liệu dễ tìm, hiệu suất xử lý cao, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều địa phương.

“Vườn hoa” nơi cống nước thải

Thời gian gần đây, người dân TP. Đà Nẵng và các tỉnh lân cận mỗi khi có dịp vào Công viên 29-3 đều hết sức ngạc nhiên trước một vườn hoa “lạ” nằm ngay miệng cống thoát nước trong hồ. Vườn hoa này có nhiều nét độc đáo vì có nhiều loại cây cỏ “sống khỏe”, trổ hoa trong điều kiện nước hồ ô nhiễm nặng. Đây là công trình của nhóm sinh viên gồm: Nguyễn Phước Quý An, Đặng Thị Đoan, Lê Hoàng Sơn, Nguyễn Dương Quang Chánh, Hoàng Thị Tố Nguyên ở ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Hồ Công viên 29.3 có diện tích 107.656m2, xung quanh có 4 cống đổ nước thải trực tiếp ở các khu dân cư thuộc quận Thanh Khê vào… 

Nguyễn Phước Quý An cho biết về đề tài dự cuộc thi Dự án xanh Sony của nhóm: “Vườn hoa lọc nước dựa vào khả năng hấp thụ các chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học (thành phần có trong nước thải sinh hoạt thải vào hồ) của cây dong riềng, cỏ vertivơ, cây thủy trúc… làm giảm nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt đổ vào hồ”.

Với số tiền hơn 3 triệu đồng, cả nhóm đã tìm mua cây về dưỡng, sau trồng trên luống và thùng xốp, rồi làm bè, kết chai nhựa để thả nổi trên mặt hồ, ngay miệng cống. Những bông hoa của dong riềng, thủy trúc và màu xanh mướt của cỏ vertivơ đã tô đẹp hơn cho cống nước thải và góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tại hồ.

PGS Bùi Lai (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) và TS Chế Đình Lý (Viện Môi trường và Tài nguyên – ĐH Quốc gia TP.HCM) khi đến tham quan đã không ngớt lời khen ngợi các ý tưởng táo bạo, tiết kiệm nhưng thẩm mỹ và hiệu quả của các sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

PGS Bùi Lai nói: “Chỉ riêng việc các em tìm ra các loại cỏ cây trong tự nhiên để xử lý ô nhiễm môi trường nước đã là một việc đáng phát huy. Những sáng kiến này cần được quan tâm, triển khai ứng dụng. Tôi tin sẽ mang lại hiệu quả thiết thực”.