Cần có chính sách phù hợp cho rừng cộng đồng

Ngày 9/1, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Hội chủ rừng Việt Nam; Trung tâm Vì Con người và Rừng đồng tổ chức Hội thảo “Tương lai rừng cộng đồng: Định hình và kiến nghị chính sách” nhằm chia sẻ những bài học thực tiễn và thảo luận việc định hình lại rừng cộng đồng; đồng thời kiến nghị xây dựng các chính sách phù hợp trong bối cảnh mới.

Phát biểu khai mạc, Hội Chủ rừng Việt Nam (Vifora) Hứa Đức Nhị cho rằng, quản lý rừng cộng đồng đã được chứng minh là một trong những phương thức quản lý rừng hiệu quả, hài hoà giữa quyền hưởng dụng rừng, tôn trọng giá trị truyền thống của cộng đồng địa phương đi kèm với các lợi ích sinh thái, bảo tồn rừng. Phương thức này cũng gắn liền với quá trình chuyển dịch từ phương thức quản lý tập trung nhà nước sang quản trị với sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương.

Các đại biểu cộng đồng và chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo

Tính đến năm 2018, theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có hơn 1.145.601ha rừng hiện đang do cộng đồng dân cư quản lý; trong đó, rừng tự nhiên chiếm hơn 90%. Bên cạnh các diện tích rừng được các cộng đồng quản lý, bảo vệ theo tín ngưỡng, tập tục truyền thống từ lâu đời (khoảng 650.000 ha) phần lớn các diện tích này chủ yếu được giao cho cộng đồng thông qua một loạt các chương trình, dự án thí điểm tại các địa phương với cách tiếp cận quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, kết quả thực hiện và hiệu quả của các mô hình rừng cộng đồng vẫn còn nhiều vướng mắc: một số diện tích rừng giao cho cộng đồng được đánh giá là các diện tích rừng nghèo kiệt, xa khu dân cư, người dân thiếu động lực tham gia trong bối cảnh thiếu đất sản xuất hay xung đột với các loại hình sử dụng đất khác; địa vị pháp lý không rõ ràng, cơ chế hưởng lợi không hấp dẫn, cách tiếp cận xây dựng mô hình chưa phù hợp truyền thống, văn hoá với đi kèm với những khó khăn trong năng lực tự tổ chức quản lý rừng…

Luật Lâm nghiệp 2017 đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2019, trong đó, cộng đồng dân cư đã được công nhận là một trong bảy chủ rừng chính; các khu vực rừng tâm linh tín ngưỡng và rừng bảo vệ nguồn nước do cộng đồng quản lý cũng được nâng hạng….Đây được coi như là bước tiến quan trọng và mở ra những cơ hội mới trong việc duy trì và thúc đẩy mô hình rừng cộng đồng, hướng tới việc quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các khu rừng này trong tương lai. Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: để quản lý rừng cộng đồng có hiệu quả, thời gian tới Nhà nước cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện để làng bản quản lý bảo vệ rừng hiệu quả như: giao rừng đúng chủ quản lý truyền thống; bảo đảm cho mọi người biết khu rừng đã giao cho làng bản; hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng…