Khai thác cát ồ ạt trên sông Đồng Nai

ThienNhien.Net – Ông Phạm Hữu Khánh – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên (VQGCT) cho biết, hiện nay, tình trạng khai thác cát ồ ạt trên sông Đồng Nai thuộc ranh giới giữa Vườn với các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Đồng Nai đang đe dọa nghiêm trọng đến tính nguyên vẹn của đa dạng sinh học tại VQG quan trọng này.

Trong phạm vi khoảng 20 km lòng sông ở đoạn giáp ranh giữa huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) và VQGCT, có 6 tổ chức, cá nhân sử dụng tới 19 chiếc tàu bằng sắt với sức chứa từ̀ 10 đến 40m3/tàu được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép khai thác khoáng sản từ đầu năm 2008 với thời hạn kéo dài từ 10 -12 năm. Các tàu này hoạt động liên tục từ 5 giờ sáng đến 17 giờ hàng ngày. Nhiều tàu bơm hút cát ở những vị trí không đúng với tọa độ cho phép. Khi không có lực lượng kiểm lâm tuần tra, nhiều chủ khai thác đã cho thuyền hút cát ngay sát VQGCT, gây sạt lở nghiêm trọng; có trường hợp chủ thuyền còn cho người khai thác trái phép lâm sản trong khu vực cấm của Vườn. Tình trạng khai thác cát lấn vào VQG còn xảy ra phổ biến trên chiều dài hàng chục km lòng sông thuộc xã Phước Cát II (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) và xã Nam Cát Tiên (Tân Phú – Đồng Nai).

VQGCT đã được thế giới biết đến là khu rừng có tính đa dạng sinh học cao. Năm 2001, UNESCO đã công nhận Vườn này là khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên của thế giới và đến năm 2005, Ban thư ký công ước Ramsar đã công nhận hệ đất ngập nước ở VQGCT có tầm quan trọng quốc tế.

Hiện nay, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính Phủ, VQGCT đã đang trình UNESCO công nhận là khu di sản thiên nhiên thế giới. Sông Đồng Nai có chiều dài hơn 90 km bao quanh 1/3 chu vi của Vườn, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa VQGCT với tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Đây cũng là dòng sông nối liền giữa các vùng đất ngập nước bên trong Vườn với các vùng đất ngập nước vùng đệm.

Do vậy, các hoạt động trên sông và vùng đệm đều có ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái đất ngập nước của VQGCT. Theo ông Phạm Hữu Khánh, riêng tình trạng khai thác cát ồ ạt không chỉ gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông thuộc ranh giới Vườn mà việc sử dụng máy hút, chạy tàu động cơ công suất lớn còn gây tiếng ồn, thải khói bụi ra môi trường làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã ở VQG CT, trong đó có các loài đặc hữu như tê giác, bò tót…

Từ cuối năm 2008, lãnh đạo VQGCT đã có công văn gửi các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Đồng Nai đề nghị các địa phương này phối hợp hạn chế tác động xấu từ việc khai thác cát đối với hệ sinh thái và đa dạng sinh học của Vườn nhưng đến nay thực trạng vẫn chưa được cải thiện.