Xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc, các Bộ kêu gọi ‘thay đổi quan điểm ứng xử với thị trường Trung Quốc’

Thị trường Trung Quốc là nơi tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam…

Ảnh: davidthomas

Theo thông tin của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam ra thế giới. Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.

Từ năm 2018 đến nay, phía Trung Quốc đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm thực thi nghiêm túc và đầy đủ các quy định mà Trung Quốc đã ban hành từ lâu về kiểm nghiệm – kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác,… Đây là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị chững lại và giảm trong 02 năm trở lại đây sau nhiều năm tăng trưởng khá.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản trong 11 tháng năm 2019 sang Trung Quốc đạt 6,31 tỷ USD. Trong đó, ngoài 04 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng gồm: cao su; thủy sản; hạt điều; chè. Ngược lại, 04 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm gồm gạo; rau quả; cà phê và sắn, sản phẩm từ sắn.

Đánh giá một cách khách quan, các quy định của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, bao bì, tem nhãn hàng hóa… đối với nông sản, thủy sản nhập khẩu đều là những yêu cầu cơ bản và được phép áp dụng theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đều đã và đang áp dụng các biện pháp tương tự để kiểm soát chất lượng nông thủy sản nhập khẩu, qua đó bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Việc Trung Quốc thực thi đầy đủ và nghiêm túc các quy định này trước mắt có thể ảnh hưởng tới một số nông thủy sản của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức “trao đổi cư dân biên giới”, nhưng về lâu dài sẽ góp phần tạo động lực để các địa phương và người nông dân nước ta tổ chức lại sản xuất theo hướng coi trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng Việt Nam cũng như quốc tế, trong đó có quyền được an toàn và quyền được thông tin đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa mà họ mua.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp mã số vùng nuôi – trồng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm cho 1.749 vùng trồng quả tươi và 1.200 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu, hiện vẫn đang tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của các địa phương/doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân Việt Nam đã từng bước thích nghi và chuyển hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc sang hướng chính quy, bài bản, giảm dần và tiến tới chấm dứt xuất khẩu theo hình thức “trao đổi cư dân”.

Song song với đó, các Bộ, ngành của Việt Nam, dưới sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng đã và đang nỗ lực đàm phán với Trung Quốc về an toàn thực phẩm để chính thức mở cửa thị trường cho các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang tím, tổ yến, thạch đen, nghêu, cá rô phi, cua, cá ngừ, ngao, sứa, rươi… Đây đều là những sản phẩm mà Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu cho ta theo kênh đàm phán thương mại nên nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể đàm phán thành công về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thì tiềm năng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là rất lớn.

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với quy mô dân số 1,4 tỷ, trong đó số người thuộc tầng lớp trung lưu đã và đang tăng nhanh, dự kiến đạt 550 triệu người vào năm 2022. Nhu cầu tiêu dùng nông thủy sản là rất lớn nhưng yêu cầu đặt ra về chất lượng cũng sẽ ngày càng cao. Để duy trì và phát triển thị trường Trung Quốc, các Bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục những nỗ lực của mình để đàm phán mở cửa thị trường ở tầm vĩ mô đi đôi với việc cung cấp đầy đủ thông tin về yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, các nỗ lực đó sẽ không thể phát huy tác dụng nếu thiếu sự hợp tác của chính quyền địa phương các cấp, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân.

Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu (i) chủ động nắm bắt thông tin về yêu cầu của thị trường, từ đó hướng dẫn người nông dân tổ chức sản xuất theo đúng yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm; (ii) thay đổi quan điểm ứng xử với thị trường Trung Quốc theo hướng tôn trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng; và (iii) kiên quyết chuyển nhanh, chuyển mạnh từ xuất khẩu theo hình thức “trao đổi cư dân” sang xuất khẩu chính ngạch theo thông lệ quốc tế qua các cửa khẩu chính thức.