Nửa tháng “tạm giam”, 20 động vật hoang dã chết trong nhà kho hải quan

Vướng thủ tục cùng nhiều lý do khó hiểu, 48 cá thể động vật hoang dã đã bị nhốt trong lồng sắt ở nhà kho của Hải quan Quảng Trị. Sau nửa tháng kể từ lúc bị “tạm giam”, mới có quyết định thả số động vật hoang dã về môi trường tự nhiên, nhưng gần 1 nửa đã chết.

Vụ thú rừng chết dần trong kho hải quan: Bất ngờ kết quả xác minh nguồn gốc

Ai chịu trách nhiệm khi thú rừng chết dần trong nhà kho hải quan?

Cá thể chồn nhốt trong nhà kho Đội Kiểm soát Hải quan. Ảnh: Hưng Thơ.

Ngày 19.12, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa ra quyết định xử phạt đối với ông Nguyễn Hà Dư (sinh năm 1978, trú tại TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) 80 triệu đồng vì vận chuyển lâm sản trái phép. Ngoài việc phạt tiền, cơ quan chức năng còn tịch thu số lâm sản và chiếc xe ôtô mà ông Dư dùng để vận chuyển lâm sản.

Các cá thể dúi ngất ngưởng trong lồng sắt. Ảnh: Hưng Thơ.

Trước đó, ngày 3.12, ông Dư điều khiển ôtô chở 20 cá thể hon (nặng khoảng 55kg), 26 cá thể dúi (nặng 47 kg), 2 cá thể chồn (nặng 4 kg), 300kg động vật rừng đã chết và thịt tươi sống, 210 kg gỗ xẻ thanh nghi là gỗ cẩm lai. Khi đang lưu thông qua địa phận huyện Đakrông thì bị Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp với một số đơn vị bắt giữ.

Các cá thể hon được nhốt tại nhà kho Đội Kiểm soát Hải quan. Ảnh: Hưng Thơ.

Sau đó, 48 cá thể động vật hoang dã được đưa về tạm giữ, chăm sóc ở nhà kho của Đội Kiểm soát Hải quan. Tuy nhiên, do Hải quan Quảng Trị thiếu hồ sơ ban đầu về xác minh nguồn gốc của số lâm sản (động vật hoang dã, gỗ, thịt) nên phải tốn nhiều thời gian bổ sung và hoàn tất cả thủ tục.

Được biết, ngoài việc xử phạt nói trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu Hải quan Quảng Trị nhanh chóng thả số động vật rừng còn sống về môi trường tự nhiên.

Theo ghi nhận, đến tối ngày 18.12, 20/48 cá thể động vật hoang dã được tạm giữ ở nhà kho Đội Kiểm soát Hải quan đã chết. Số còn sống vẫn được nhốt trong các lồng sắt.

Từ lúc đưa số động vật hoang dã này về, các cán bộ hải quan khá vất vả khi phải dọn vệ sinh và mua mía, sắn, chuối, tre… về cho ăn hằng ngày. Nhưng vì không có kiến thức về chăm sóc động vật hoang dã cũng như các cá thể này bị kiệt sức hoặc đau ốm nên cứ chết dần.

Hiện chưa có thông tin về quy trách nhiệm trong việc chậm xử lý vụ việc dẫn đến nhiều cá thể động vật hoang dã bị chết.