Bộ Tài nguyên và Môi trường họp khẩn về ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.HCM

14h chiều nay (19.12), Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cuộc họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Báo Lao động tường thuật trực tiếp cuộc họp về chủ đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm trên Laodong.vn

Tuần trước, liên tiếp nhiều ngày Hà Nội mờ mịt trong làn sương. Ảnh: Minh Hà

Cuộc họp bắt đầu lúc 14h với sự tham dự của các Bộ, ban ngành và đông đảo phóng viên báo chí đến từ nhiều cơ quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cuộc họp đặt ra trong bối cảnh năm 2019, đặc biệt cuối năm nay chất lượng không khí ở 2 thành phố lớn, theo số liệu quan trắc chính thức của trung ương và địa phương cho thấy mức độ ô nhiễm tập trung vào nhiều thời kỳ, trong từng giai đoạn.

Có lúc ô nhiễm vượt ngưỡng, ảnh hưởng sức khoẻ con người, đây là điều mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, các Bộ ngành hết sức quan tâm.

Sự quan tâm của người dân về vấn đề ô nhiễm là hết sức chính đáng, cuộc họp này muốn xác định rõ ràng nguyên nhân, đánh giá chính xác tình hình, thực trạng, và chúng ta có trách nhiệm cung cấp chính xác, khoa học cho nhân dân được biết.

Những thông tin này cần có sự thống nhất cao, và những thông tin không chính xác sẽ tạo ra những lo ngại không cần thiết ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, thông tin không chính xác sẽ bị lợi dụng làm mất an ninh trật tự.

Chúng ta tập trung đánh giá tình hình môi trường không khí ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua có những đánh giá quan trắc, trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm các nước sẽ phân tích nồng độ không khí hiện nay.

Bộ trưởng TNMT tại cuộc họp. Ảnh: ST.

Đánh giá về tình trạng ô nhiễm và nguyên nhân gây ô nhiễm thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Qua số liệu từ các trạm quan trắc ở thành phố Hà Nội, trạm quan trắc quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, và trạm quan trắc của hai Đại sứ quán (ở TPHCM chưa có trạm quan trắc, phải đo tự động hai ngày một lần), thấy rằng, từ năm 2013-2019, các thành phần quan trắc, trừ bụi mịn thì các thông số khác như SO2, CO… cho thấy vẫn trong quy chuẩn cho phép, có những lúc chạm ngưỡng quy chuẩn, song không bị vượt quy chuẩn, thậm chí đối với thông số bụi hại cỡ lớn có thời điểm có xu hướng giảm.

Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở hai thành phố lớn, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà – buổi họp hôm nay chưa tìm được nguyên nhân chính, nhưng việc nhận diện nguồn gây ô nhiễm không khó. Thứ nhất đó là phương tiện giao thông tăng cao, xả ra các chất ô nhiễm rất lớn. Theo thống kê, ở Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô, ở TPHCM phương tiện giao thông cũng rất lớn với 7,5 triệu xe máy… đó là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất. “Bên cạnh đó vấn đề nguyên liệu, trung tâm sản xuất lọc dầu ở hai thành phố này cũng cần phải xây dựng lộ trình phù hợp để không phát tán nguồn gây ô nhiễm, bởi, quy chuẩn đối với ô tô, xe máy ở Việt Nam so với thế giới còn rất thấp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, ở Hà Nội hiện nay có hơn 1 nghìn công trình đang xây dựng, vỉa hè, đường xá thì bị đào xới, TPHCM cũng vậy đã biến hai thành phố này trở thành đại công trường, đó là tác nhân gây ô nhiễm rất lớn. Riêng ở TPHCM còn có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công cũng gây ô nhiễm.

“Ở Hà Nội có một số nguyên nhân đặc thù khác, đó là vấn đề đốt rơm rạ, đây là nguồn gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là rất lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có hơn 60.000 hộ đang dùng bên than tổ ong, tôi không ngờ con số lại lớn như vậy. Cộng với việc đốt rác thải nguy hại ở ngoại thành Hà Nội đều khiến các chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong những tháng cuối năm tăng cao”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

– Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Y tế và UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc họp được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về tình hình thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1.6.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; phối hợp xác định nguyên nhân và đưa ra các biện pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian vừa qua, tình hình chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn trong đó có Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm của cộng đồng, mặc dù các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện chất lượng môi trường không khí, tuy nhiên, tình hình diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tuần trước, liên tiếp nhiều ngày, chất lượng không khí ở Hà Nội ở ngưỡng nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Đặc biệt trong ngày 14.12, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí Airvisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI lên tới 271.