Cảnh báo nguy cơ động vật hoang dã nhiễm hóa chất vĩnh cửu

Nhóm Công tác môi trường – một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ – ngày 22/2 cảnh báo các loại “hóa chất vĩnh cửu” độc hại, còn được biết đến với tên gọi tắt là PFAS, đang gây ô nhiễm và có nguy cơ gây hại tới hàng trăm loài động vật hoang dã trên thế giới.
Tập đoàn 3M (Mỹ) đặt lộ trình ngừng sản xuất ​’hóa chất vĩnh viễn’ PFAS

Cá heo vaquita ở vùng Vịnh California, Mexico. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Báo cáo do tổ chức trên công bố cho thấy gấu Bắc Cực, hổ, khỉ, gấu trúc, cá heo và nhiều loài cá khác đã bị nhiễm PFAS. Ngoài ra, hơn 330 loài động vật hoang dã khác trên thế giới cũng đã được phát hiện nhiễm loại hóa chất độc hại này, thậm chí một số loài đang gặp bị đe dọa tới sự sống.

Theo các nhà khoa học, hàng trăm nghiên cứu đã xác nhận về việc PFAS tồn tại trong rất nhiều loài động vật hoang dã trên thế giới, bao gồm nhiều loài cá, chim, bò sát, ếch và các loài lưỡng cư khác, động vật có vú như ngựa, mèo, rái cá và sóc. Ô nhiễm PFAS xảy ra ở khắp mọi nơi, bất kể ở đâu và ở loài động vật nào, gần như mỗi lần xét nghiệm đều phát hiện thấy các hóa chất độc hại này.

PFAS là nguyên nhân gây ra những vấn đề về sức khỏe ở người và chỉ cần nhiễm PFAS với liều lượng rất thấp cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Kết quả nghiên cứu cho thấy các loài động vật hoang dã cũng sẽ chịu những tác hại tương tự nếu nhiễm PFAS.
Nghiên cứu của tổ chức trên cho thấy có hơn 40.000 cơ sở ô nhiễm công nghiệp có thể thải ra PFAS ở Mỹ – hàng chục nghìn các cơ sở chế tạo, bãi rác đô thị, các nhà máy xử lý nước thải, sân bay và các công trường, những nơi sử dụng bọt chữa cháy có PFAS là những nguồn tiềm ẩn thải PFAS vào các nguồn nước.

Các nhà khoa học kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế cần có hành động pháp lý cấp bách để bảo vệ động vật hoang dã khỏi bị nhiễm PFAS.