Hải quan tỉnh Quảng Trị xác định số lâm sản bị bắt giữ hôm 3-12 có nguồn gốc ở nước ngoài, điều mà trước đó chính đơn vị này khẳng định không đủ căn cứ để xác định có nguồn gốc nước ngoài.
Ngày 13-12, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết Đội Kiểm soát Hải quan (KSHQ) đã chuyển hồ sơ kết quả xác minh, điều tra bổ sung nguồn gốc lâm sản gồm gỗ và động vật hoang dã mà đơn vị này cùng một số cơ quan khác bắt giữ hôm 3-12 cho Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị để phối hợp xử lý.
“Đội KSHQ đã hoàn thành hồ sơ gửi về Cục Hải quan để Cục làm hồ sơ chuyển sang UBND tỉnh, vì cái này thuộc thẩm quyền xử lý của tỉnh”- nguồn tin nói. Cũng theo nguồn tin, qua xác minh, điều tra bổ sung Đội KSHQ xác định 26 con Dúi, 20 con Hon, 2 con Chồn cùng với gần 300 kg động vật rừng đã chết và thịt tươi sống; 210 kg gỗ xẻ thanh (nghi là gỗ cẩm lai) bị bắt giữ hôm 3-12 là có nguồn gốc ở nước ngoài, chứ không phải nội địa.
“Kiểm lâm khu vực ở xã A Ngo, xã Tà Rụt (huyện Đakrông) điều tra không có ai nuôi nhốt các loại động vật này và rừng tự nhiên của mình cũng hiếm, cũng không có. Trên địa bàn cũng không thấy hiện tượng mua bán, trao đổi gì cả”- vị này nói thêm.
Trước đó, vào chiều 3-12, Đội KSHQ cùng một số đơn vị khác bắt giữ xe ô tô chở trái phép số lâm sản trên. Sau khi bắt giữ, Đội KSHQ có công văn gửi Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông đề nghị chuyển vụ việc cho kiểm lâm xử lý vì không có thẩm quyền. Tuy nhiên, Kiểm lâm huyện Đakrông từ chối tiếp nhận vì cho rằng hải quan có thẩm quyền xử lý và địa điểm kiểm tra, khám xét phương tiện thuộc địa phận huyện khác.
Sau đó, ngày 5-12, Cục Hải quan Quảng Trị có công văn khẩn gửi UBND tỉnh này để báo cáo vụ việc và vướng mắc thẩm quyền xử lý. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan xử lý vụ việc. Tại cuộc họp vào chiều 10-12, Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu phía hải quan tỉnh này điều tra, bổ sung thêm hồ sơ liên quan đến nguồn gốc lâm sản để có căn cứ xác định đơn vị có thẩm quyền xử lý trực tiếp.
Trong khi loay hoay xác định thẩm quyền, đơn vị xử lý thì tính đến hôm nay (13-12) gần 15 con thú rừng bị “giam” tại kho Đội KSHQ đã bị chết vì kiệt sức; trong khi đó nhiều con đang bị thương, vẫn thoi thóp chờ chết trong kho hải quan.