Thanh Hoá: Rừng tự nhiên bị chặt phá tràn lan

Trên địa bàn huyện vùng cao Bá Thước (Thanh Hoá), thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng người dân vào rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt đốn hạ gần 200 cây gỗ các loại, tổng khối lượng lên tới hơn 50,6m3. Vụ việc diễn ra trong nhiều ngày, song chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương không kịp thời phát hiện, có dấu hiệu buông lỏng quản lý địa bàn, thực hiện sai trình tự, thủ tục trong lập hồ sơ xử lý vi phạm.

Kỳ I: Hàng trăm cây gỗ tự nhiên bị đốn hạ trái phép

Sự việc rừng bị tàn phá xảy ra tại các xã Lương Nội, Điền Thượng, Điền Hạ, huyện Bá Thước (Thanh Hoá). Qua đó cho thấy, các cá nhân, tập thể liên quan trực tiếp đến công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa hoàn thành chức trách của mình.

Rừng bị đốn hạ rất gần đội quản lý

Tình trạng chặt phá rừng trái phép xảy ra tại nhiều khu vực rừng tự nhiên, rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Bá Thước là có thật. Tại xã Điền Hạ, thuộc lô 69, 86, khoảnh 1, tiểu khu 311, thôn Bứng, đối tượng rừng tự nhiên được giao cho 11 hộ gia đình, trạng thái thường xanh phục hồi phát hiện có 89 cây gỗ thuộc nhóm 6-7, đường kính từ 16-30cm, tổng khối lượng 18,908m3 đã bị chặt hạ trái pháp luật. Toàn bộ số gỗ rừng này đều nằm trên đất quy hoạch và đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp với tổng diện tích 2,06ha. Điều đáng nói, cánh rừng này nằm ngay phía sau khu dân cư thôn Bứng và không ai khác, chính 11 hộ dân xã Điền Hạ dùng cưa xăng đốn gỗ. Vậy nhưng cán bộ địa chính, cán bộ thôn, kiểm lâm viên địa bàn không phát hiện?

Gỗ bị đốn hạ trái phép còn nằm ngổn ngang trong rừng tại huyện Bá Thước.

Trên địa bàn xã Lương Nội cũng để xảy ra việc chặt phá rừng. Theo đó, tại tiểu khu 276, khoảnh 1, trạng thái rừng tự nhiên, đối tượng rừng sản xuất giao cho gia đình ông Bùi Minh Thế, thôn Đầm quản lý, nhưng để xảy ra việc chặt hạ một cây gỗ có đường kính 50cm, khối lượng 1,705m3 vào đầu tháng 10/2019, gỗ đã lấy hết ra khỏi rừng. Cũng tại tiểu khu 276 thuộc các lô 189, 89, 153, 133 đã giao cho gia đình một số hộ dân quản lý nhưng rừng vẫn bị đốn hạ mất 4 cây gỗ có đường kính 40-45cm, tổng khối lượng là 4,519m3. Số gỗ bị chặt trái phép này, có tới 3 cây nằm trong khu vực rừng phòng hộ. Việc rừng bị khai thác trái pháp luật chậm được kiểm lâm viên phụ trách địa bàn phát hiện, khi phát hiện đã không báo cáo sự việc đến lãnh đạo, đơn vị liên quan. Nghiêm trọng hơn thế, trong vụ việc này, Trạm kiểm lâm Quý Lương còn lập biên bản ngoài luồng, trái quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT.

Ở xã Điền Thượng, tình trạng chặt phá rừng là đặc biệt nghiêm trọng. Tổng số có tới 86 cây gỗ đường kính từ 15-40cm bị khai thác trái pháp luật với tổng khối lượng lên tới 25,516m3. Trong đó, có 83 cây bị chặt trong rừng sản xuất thuộc chủ rừng có trách nhiệm bảo vệ là Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc (Cty Cẩm Ngọc) và UBND xã Điền Thượng; 3 cây còn lại nằm trong khu rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành (BQLRPH Thạch Thành) quản lý. Thực địa tại hiện trường cho thấy, có nhiều thân cây bị đốn hạ chưa lâu lắm, diện tích rừng bị tàn phá nằm cách UBND xã Điền Thượng, Trạm bảo vệ rừng của Cty Cẩm Ngọc chỉ khoảng 1km và rất gần đường nhựa. Vậy nhưng các đơn vị này không phát hiện ngay từ đầu là điều rất khó lý giải.

Đừng thoái thác trách nhiệm

Về vụ chặt phá rừng tại Thung Chấn, ông Phạm Hồng Hiệp- Chủ tịch UBND xã Điền Thượng nói: “BQLRPH Thạch Thành quản lý rừng già, Cty Cẩm Ngọc quản lý rừng sản xuất và rừng trồng nên cũng không rõ ràng. Cty Cẩm Ngọc có Đội quản lý đóng chân ngay tại bản Thượng Sơn (nơi xảy ra vụ phá rừng- PV) nhưng họ vẫn để gỗ rừng bị đánh cắp. Xảy ra vấn đề gì, Đội quản lý của Cty Cẩm Ngọc cũng không hay báo cáo, có khi còn “ném đá giấu tay”, lắm lúc họ cũng “tranh thủ” đấy. Có người cho chặt, dân mới dám lên chặt chứ. Tôi thấy trong việc này có “tay trong, tay ngoài”, khổ lắm”. Tuy nhiên, trong vụ phá rừng tại Thung Chấn còn có tới 42 cây gỗ, tổng khối lượng 12,142m3 bị chặt hạ, chủ rừng chính là UBND xã Điền Thượng. Do đó, trên cương vị là người đứng đầu chính quyền địa phương, ông Hiệp cũng không thể thoái thác trách nhiệm.

Còn có những cây gỗ bị chặt hạ trái phép ở Điền Thượng chưa được lực lượng chức năng kiểm tra, thống kê để làm rõ trách nhiệm.

Trong khi đó, vụ chặt phá rừng tại xã Điền Hạ, cán bộ địa chính cũng như kiểm lâm viên phụ trách địa bàn lại giấu giếm sự thật. Ông Lê Bảo An – Bí thư, trưởng thôn Bứng viết trong bản kiểm điểm rằng: “Tôi thấy việc chặt phá rừng như vậy là không nhỏ, tôi đã báo cáo với ông Bùi Minh Khâm- Cán bộ địa chính nông lâm xã và báo cáo ông Mai Văn Am, kiểm lâm viên địa bàn. Vậy nhưng đến ngày 25/10/2019, Đoàn kiểm tra gồm đại diện Chi cục kiểm lâm tỉnh, Hạt kiểm lâm huyện Bá Thước xuống thực địa vẫn khẳng định, việc người dân chặt hạ gỗ… không ảnh hưởng gì đến công tác an ninh rừng”. Ông Bùi Minh Khâm thừa nhận: “Ngày 27/10/2019 lại tiếp tục xảy ra việc người dân chặt phá rừng để trồng keo, cán bộ thôn đã báo cáo với tôi nhưng tôi chưa xuống kiểm tra và ngăn chặn, cũng chưa báo cáo lên Chủ tịch UBND xã để có hướng chỉ đạo xử lý”.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lục Công Đính- Chủ tịch UBND xã Điền Hạ cho biết: Ông làm lãnh đạo địa phương suốt 10 năm qua, trên địa bàn chưa từng để xảy ra việc chặt hạ gỗ rừng trái phép. Gần đây, tại các cuộc giao ban khối dân vận hàng tháng, đều không có phản ánh về việc mất an ninh rừng ở thôn Bứng. Ông Đính nói: “Các bộ phận tham mưu đã không cập nhật và nắm tình hình cụ thể. Hàng tuần, kiểm lâm viên địa bàn và cán bộ địa chính nông lâm thường xuyên báo cáo Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã là công tác an ninh rừng trên địa bàn xã ổn, không đúng thực tế. Bản thân tôi còn chủ quan, quá tin tưởng vào những cán bộ, công chức được phân công trực tiếp điều hành công việc chuyên môn”.

Ông Nguyễn Văn Dũng- Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Liên quan đến vụ phá rừng trên địa bàn, quan điểm của huyện là căn cứ quy định của pháp luật sẽ kiên quyết xử lý kỷ luật nghiêm các cá nhân, tập thể mắc sai phạm, thiếu sót. Ông Lê Duy Ngợi- Hạt trưởng kiểm lâm Bá Thước nói: “Để xảy ra vụ việc phá rừng, từ kiểm lâm viên địa bàn, Hạt phó phụ trách và Hạt trưởng sẽ phải nhận hình thức kỷ luật do chưa làm tròn trách nhiệm của mình”.