ThienNhien.Net – Khi màn đêm buông xuống cũng là thời điểm các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh “đua nhau” xả khí thải, nước thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân sống chung quanh KCN này phải mất ăn mất ngủ.
Khí thải mù trời
Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân sống ở thôn Vân Dương, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), nhiều năm nay, người dân nơi đây phải hứng chịu mùi khí thải độc hại thải ra từ các ống khói của các nhà máy, xí nghiệp… nằm trong KCN Hòa Khánh và Cụm công nghiệp Thanh Vinh. Ông L. V. T., ở thôn Vân Dương, xã Hòa Liên (Hòa Vang) bức xúc cho biết: Đêm nào cũng vậy, khí thải đen ngòm ở các nhà máy thép thải ra mù trời. Xả thải mạnh nhất vẫn là các nhà máy luyện thép ở KCN này.
“Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương và cấp trên nhờ can thiệp nhưng mọi chuyện vẫn chưa được xử lý. Dân chúng tôi sống ở đây chỉ mong sao các ngành chức năng của thành phố sớm cử người “canh gác” ở KCN này để mấy “ông” doanh nghiệp bớt xả những thứ độc hại ra môi trường, làm hại sức khỏe của người dân”, ông T., tha thiết đề nghị.
Cũng theo phản ánh của người dân thôn Vân Dương và thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên), kể từ khi KCN Hòa Khánh và Thanh Vinh đưa vào hoạt động, cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn khi hàng loạt nhà máy thép, nhà máy giấy… cứ “đua nhau” xả khí thải ra môi trường, bất chấp phản ứng của người dân.
Trước bức xúc của người dân, chúng tôi quyết định ở lại đêm tại KCN Hòa Khánh. 0 giờ ngày 6/1, có mặt tại KCN Hòa Khánh, chúng tôi không khỏi giật mình khi ngước lên bầu trời thấy khói bụi đen ngòm bao trùm dày đặc; không khí ở đây thật ngột ngạt và khó thở. Có chứng kiến mới thấy được nỗi bức xúc của người dân sống gần KCN Hòa Khánh và Cụm CN Thanh Vinh là hoàn toàn chính xác.
Càng về khuya, khi một số doanh nghiệp trong hai KCN nói trên tạm ngưng nghỉ, cũng là lúc hàng chục ống khói thuộc các nhà máy luyện thép, dệt… bắt đầu đua nhau nhả khói cuồn cuộn, phun ra những cột khói đen kịt, trong đó ống khói tuôn mạnh và phủ kín cả khoảng trời trong KCN phải kể đến các nhà máy luyện thép.
Quan sát cho thấy, “thủ phạm” “tuồn” khí thải ra bên ngoài môi trường chính là nhà máy cán thép. Khi gia công luyện thép, các nhà máy này đã thải ra một lượng lớn khí thải. Đứng cạnh nhà máy, không chỉ cảm nhận rõ thứ mùi khủng khiếp mà còn cảm thấy sự ngột ngạt bởi lớp bụi dày đặc trong không gian khiến các giác quan… như muốn ngừng hoạt động.
Anh Nguyễn Văn Bình, công nhân thường xuyên làm ca đêm tại KCN Hòa Khánh cho biết, đêm nào phải làm ca thì khoảng 2-3 giờ sáng, anh luôn có cảm giác tức ngực và khó thở.
Quá bức xúc trước việc các nhà máy luyện thép “đua nhau” xả khí thải ra bên ngoài, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đỉnh điểm vào đêm 23-3-2012, hàng trăm người dân đã kéo đến trước cổng Công ty Cổ phần Thép Thái Bình Dương và Công ty Cổ phần Thép DaNa-Ý để phản đối, yêu cầu nhanh chóng khắc phục tình trạng trên. Sau sự việc này, chính quyền xã Hòa Liên đã tổ chức họp dân và lãnh đạo hai công ty thép nói trên để cùng bàn phương án giải quyết hợp lý. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, đến thời điểm này, khí thải của hai nhà máy thép nói trên vẫn tiếp tục xả thải ra bên ngoài môi trường.
Giật mình với nguồn nước thải
Tiến hành kiểm tra công tác đấu nối nước thải tại các KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào sáng 17-1-2013, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu những doanh nghiệp chưa thực hiện đấu nối cần có biện pháp xử lý nước thải tạm thời để đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Phó Chủ tịch cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành liên quan phải giám sát đầu ra của nước thải để đề xuất phương án xử lý; tính toán việc thu phí xử lý nước thải cho phù hợp; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra và có chế tài xử phạt nặng đối với hững trường hợp vi phạm về môi trường. |
Ngoài hứng chịu khí thải độc hại, nguồn nước thải đen ngòm từ KCN Hòa Khánh, Thanh Vinh còn “tuồn” ra bên ngoài, đã và đang ảnh hưởng đến hàng trăm ha lúa của những người dân nơi đây.
Tiếp tục lần theo con kênh thoát nước thải nằm dọc theo tuyến đường số 4 của KCN Hòa Khánh, chúng tôi phát hiện ra nguồn nước thải hôi thối, đen ngòm liên tục chảy xiết theo tuyến mương này ra hệ thống kênh mương, sông, ao hồ, đồng ruộng… gây ô nhiễm môi trường.
Ông Tuấn, ở phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) bức xúc: “Hôm nào trời mưa, nguồn nước ở sông Cu Đê nhìn còn bớt đen. Chứ trời nắng, nước đen ngòm trông ghê lắm!”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng vì nguồn nước ô nhiễm ngày càng nặng nên tôm, cua, cá… khó sống nổi ở con sông này. Nhiều thúng chai và ghe thuyền của ngư dân đã được đưa lên bờ hoặc neo lại. Nhiều diện tích lúa và hoa màu bị bỏ hoang.
Ông Thành, tổ 22, phường Hòa Hiệp Nam than phiền: “Tôi làm nghề đánh cá ở đây cả chục năm rồi, nhưng bây chừ cũng phải bỏ nghề bởi đâu còn gì để kiếm ăn nữa. Không hiểu sao, hễ có đoàn thanh tra tới là nước lại trong được mấy ngày”.
Cùng chịu cảnh ô nhiễm như người dân ở phường Hòa Hiệp Nam, hàng trăm hộ dân ở thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên (Hòa Vang) cũng lâm cảnh sống “quen” với nguồn nước ô nhiễm từ nhiều năm nay.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân tồn tại các dấu hiệu vi phạm về môi trường chủ yếu là do cơ chế hoạt động, quản lý Nhà nước của các KCN đang trong giai đoạn vừa thực hiện, vừa bổ sung hoàn thiện. Do đó, hiệu quả triển khai công tác phối hợp còn thấp. Hơn nữa, quá trình đấu tranh với các vi phạm pháp luật về môi trường không phải đơn giản, bởi phải bảo đảm hài hòa giữa tính nghiêm minh của pháp luật với chính sách phát triển kinh tế của địa phương và quyền lợi của người dân.
Trong khi đó, hiện nay, chế tài xử lý các hành vi vi phạm còn hạn chế. Mức xử phạt hành chính còn thấp so với kinh phí bỏ ra để xử lý chất thải, dẫn đến hình thức xử phạt thiếu tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa. Hơn nữa, lực lượng Cảnh sát môi trường chưa có thẩm quyền ra quyết định áp dụng các hình phạt bổ sung như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, buộc di dời các doanh nghiệp vi phạm…
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, thành phố cần có những chính sách chặt chẽ hơn trong việc cấp phép xây dựng, hoạt động của KCN, các công ty hoạt động trong KCN; gắn việc cấp phép với yêu cầu hoàn thiện hệ thống xử lý khí thải, nước thải, chất thải. Nếu không, tình trạng ô nhiễm sẽ còn kéo dài và trách nhiệm không biết thuộc về ai. Và người dân sống chung quanh KCN sẽ phải hứng chịu ô nhiễm dài dài.
Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh miền Trung (đơn vị quản lý Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh) cho biết: Trong tổng số gần 150 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, Cụm công nghiệp Thanh Vinh hiện vẫn còn gần 50 doanh nghiệp chưa ký hợp đồng đấu nối xử lý nước thải, lén lút xả thải ra môi trường khiến người dân bức xúc. Còn một vài doanh nghiệp đã đấu nối nhưng cả năm nay vẫn không chịu thanh toán tiền xử lý nước thải cho công ty; thậm chí số ít doanh nghiệp “giải tán” cũng nợ tiền xử lý nước thải khá nhiều nhưng doanh nghiệp cũng chưa có giải pháp nào để thu hồi nợ. “Để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc xử lý nước thải, trước hết các KCN phải sớm hoàn thiện hệ thống thu gom; đồng thời, các ngành chức năng của thành phố cần có chế tài xử phạt mạnh hơn nữa đối với doanh nghiệp không thực hiện việc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải mà lén lút xả trộm ra môi trường”, ông Hùng nói. |