Gia Lai: Phát hiện một xã lập chứng từ khống hơn 900 triệu

UBND huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai kiểm tra, phát hiện UBND xã Hà Tây lập chứng từ khống và chi sai mục đích với số tiền hơn 917 triệu.

Mới đây, UBND huyện Chư Pah có kết luận thanh tra trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và việc quản lý sử dụng nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng của UBND xã Hà Tây, huyện Chư Pah.

Qua làm việc với các nhóm hộ giao khoán bảo vệ rừng, có nhiều lô đất rừng các hộ không biết chính xác vị trí. Hàng năm có phát hiện các hộ dân đốt phá rừng, cháy rừng nhưng UBND xã xử lý chưa nghiêm.

Qua làm việc, ông Thaoh, Chủ tịch UBND xã Hà Tây cũng công nhận biết sự việc. Nhưng, việc xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng còn rất khó khăn, nên UBND xã không xử lý được.

UBND xã Hà Tây.

Bên cạnh đó, đoàn thanh tra cũng xác định trong giai đoạn từ năm 2016-2018, qua tin báo của quần chúng nhân dân, UBND xã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp khai thác gỗ trái phép.

Hầu hết các trường hợp đều được báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp phát hiện khai thác gỗ, nhưng không vận chuyển được gỗ ra khỏi rừng nên để lại trong rừng.

Tại thời điểm tháng 4/2018, thông qua tin báo của nhân dân tại tiểu khu 191 có 7 lóng gỗ xẻ Bằng lăng khối lượng 0,612 m3 vắng chủ, ông Thaoh đã thuê xe và chỉ đạo một số cán bộ, công chức tham gia bốc gỗ lên xe để vận chuyển về xã.

Nhưng số lượng gỗ trên không chở về UBND xã mà được đưa đến nơi khác để cưa xẻ làm mặt bàn, ghế và đưa về nhà ông Thaoh nên gây thắc mắc nội bộ trong cơ quan.

Trong công tác quản lý kinh phí dịch vụ môi trường rừng, năm 2018, UBND xã Hà Tây lập khống chứng từ để rút tiền quỹ dịch vụ môi trường rừng hơn 12 triệu đồng. Số tiền này UBND xã giải trình rằng, đã chi cho buổi tiệc tất niên cuối năm.

Ngoài ra, UBND xã cũng hợp thức hóa 2 chứng từ chi tuyên truyền pháp luật với số tiền 10 triệu đồng và giải trình rằng dùng vào việc chung của xã, nhưng không rõ chi vào nội dung gì.

Từ năm 2016-2018, UBND xã đã trích lại 10% kinh phí mà 3 làng được thụ hưởng nhận khoán bảo vệ rừng gần 256 triệu đồng và trích lại 40% của 2 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng số tiền hơn 368 triệu đồng. Tổng số tiền trích lại sai quy định này là hơn 624 triệu đồng.

Về sai phạm này, ông Thaoh cho biết đã thống nhất với Bí thư đảng ủy xã, kế toán xã để chi bồi dưỡng cho các cán bộ, công chức tham mưu, làm thủ tục thanh toán hợp đồng bảo vệ rừng, chi tiếp khách. Ngoài ra, UBND xã còn lập 6 chứng từ khống của 2 nhóm hộ nhận khoán để thanh toán số tiền hơn 271 triệu đồng.

Như vậy, tổng số tiền sai phạm tại UBND xã Hà Tây là hơn 917 triệu đồng. UBND huyện yêu cầu UBND xã cùng các cá nhân liên quan thu hồi số tiền trên, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm với các tập thể, cá nhân có liên quan.