“Chảy máu” khoáng sản vàng ở Quảng Nam: Vừa mất tài nguyên vừa thất thoát ngân sách – Kỳ 1

Kỳ 1: “Tiền mất tật mang”

ThienNhien.Net – Quảng Nam là tỉnh có nhiều khoáng sản vàng phân bố hầu khắp các huyện miền núi. Nhiều năm qua, tình trạng khai thác vàng kể cả có phép lẫn trái phép đều diễn ra phức tạp, mặc dù tỉnh Quảng Nam nỗ lực trong việc kiểm soát, nhưng vẫn bị thất thu ngân sách nghiêm trọng.

Tình trạng khai thác vàng trái phép kéo dài ở các huyện núi (Quảng Nam)
Tình trạng khai thác vàng trái phép kéo dài ở các huyện núi (Quảng Nam)

Mất kiểm soát

Theo ông Nguyễn Viễn – GĐ Sở TNMT Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều khu vực khoáng sản vàng phân bố rải rác trong các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, do người dân tự tìm kiếm, phát hiện, có trữ lượng nhỏ. Đây cũng là các “điểm nóng” về tình trạng khai thác vàng trái phép trong nhiều năm nay. Vô số điểm khai thác vàng trái phép nhỏ lẻ tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, tình hình an ninh trật tự, sử dụng lao động diễn biến hết sức phức tạp. Hằng năm, đều xảy ra hàng chục vụ sập hầm, ngạt khí, chết người, cùng việc sử dụng hóa chất độc hại cyanua để đãi vàng tràn lan, đầu độc sông suối.

Không chỉ lực lượng hùng hậu các phu vàng ngoại tỉnh mà còn có cả người dân địa phương tham gia đào bới ở các bãi vàng lậu. Các chủ nậu vàng sử dụng nhiều chiêu bài, thủ đoạn “cướp” vàng tinh vi, thuê nhân công với giá rẻ mạt, thậm chí bóc lột lao động trẻ em mà còn sẵn sàng áp dụng các công nghệ đặc chủng giết chết môi trường cả trên bộ lẫn dưới nước, miễn là có thể “cướp” vàng, thu lợi nhanh nhất.

Tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra suốt thời gian qua có sự tiếp tay, dung dưỡng của chính quyền, cơ quan chức năng sở tại. Với lý do địa phương nghèo, thêm được đồng nào hay đồng ấy, chính quyền nhiều huyện, xã thậm chí đến thôn đã ra sức tận thu nguồn “đóng góp tự nguyện” của các doanh nghiệp, các đầu nậu để rồi mặc tình họ tự do khai thác vàng lậu. Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, ông Bhling Mia thừa nhận, đã “thu tô” của doanh nghiệp 500 triệu đồng để đổi lại việc doanh nghiệp được khai thác tận thu vàng trong quá trình thi công dự án khu trung tâm hành chính xã A Tiêng.

UBND tỉnh này từng có chủ trương cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác ở chính những bãi vàng lậu, xem đây là cách làm nhằm quản lý qua một đầu mối, tránh thất thoát tài nguyên quý. Tuy nhiên, việc giám sát, kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp sau khi cấp phép thì chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, khiến tình hình ở các bãi vàng rơi vào mất kiểm soát, mọi việc ở đó gần như được “tự xử” bằng… luật rừng. UBND huyện Phước Sơn thừa nhận, từ nhiều năm nay, việc kiểm soát khai thác cũng như lao động tại các bãi vàng gần như bị bỏ trống, ngay đến việc truy quét nạn đào đãi vàng lậu cũng đã làm không xuể. Năm nào ở đây cũng có người chết do xảy ra sập hầm, ngạt khí, đâm chém tranh chấp bãi vàng.

Mất “cả chì lẫn chài”

Điều đáng nói là, không chỉ thất thu thuế đối với việc khai thác lậu mà cả với các doanh nghiệp lớn được cấp phép cũng tìm đủ cách gian lận như khai gian sản lượng, giả chết lâm sàng, đóng cửa mỏ, cố tình trây ỳ… để “chạy” thuế phí. Phần lớn doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ thời gian đầu chấp hành các loại thuế phí khá đầy đủ, nhưng đến khi gần hết phép lại tìm cách “xù nợ”, nhiều Công ty khi cục thuế đến báo thu thuế mới biết đã chuyển địa điểm.

Tình trạng thất thu thuế tài nguyên từ mảnh đất mệnh danh “núi vàng” Quảng Nam là một thực trạng nhức nhối kéo dài trong suốt nhiều năm qua. Vụ việc nổi cộm nhất là tình trạng nợ thuế của 2 Công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (đều thuộc Tập đoàn Besra).

Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh – cho biết, tổng cộng 2 Công ty này nợ đến 410 tỉ đồng, trong đó Công ty vàng Phước Sơn nợ 314 tỉ đồng, Công ty vàng Bồng Miêu nợ 96 tỉ đồng. Theo số liệu ghi nhận được, thì 2 Công ty này đã đào, bán đi khoảng 7 tấn vàng (hầu hết là xuất khẩu). Nếu tính giá vàng tại thời điểm thấp nhất là 30 triệu đồng/lượng thì số vàng trên có giá trị trên 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, 2 Công ty vàng trên chỉ thực hiện đóng các khoản thuế tương đối đầy đủ đến cuối năm 2011, sau đó bắt đầu trây ỳ, viện đủ cớ và số tiền nợ thuế tăng dần.

“Trong suốt quá trình hoạt động của 2 Công ty trên, tổng thu thuế chỉ có 700 tỉ đồng, nhưng hoàn thuế hết 300 tỉ đồng, nghĩa là ngân sách chỉ thu được 400 tỉ đồng trong hàng chục năm, trong khi vừa mất nguồn tài nguyên khoáng sản, vừa mất cả tiền thuế” – ông Ngô Bốn cay đắng.