Mực nước sông Mê Kông thấp kỷ lục do Trung Quốc giảm lưu lượng xả nước

Mực nước sông Mê Kông trong đầu mùa lũ này từ tháng Sáu đến tháng Bảy là một trong những mực thấp nhất được ghi nhận, xuống dưới mức tối thiểu trong lịch sử. Nhưng tình hình dự kiến sẽ tốt hơn vào cuối tháng Bảy.

Người dân tự làm giếng để khai thác nước ngọt phục vụ cuộc sống khi hạ lưu khan hiếm nước. Ảnh: Pan Nature.

Từ thượng nguồn của lưu vực dưới sông Mê Kông ở Chiang Saen của Thái Lan đến Luông Pha Bang và Viêng Chăn của Lào và xa hơn đến Nong Khai, Thái Lan và Neak Luong, Campuchia, mực nước đều ở dưới mức năm 1992, năm có lưu lượng thấp nhất được ghi nhận.

Ví dụ, mực nước hiện tại ở Chiang Saen là 2,10 mét, thấp hơn 3,02m so với mức trung bình cùng kỳ đo được trong 57 năm (1961-2018); và thấp hơn khoảng 0,75m so với mức tối thiểu từng được ghi nhận. Từ ngày 14 tháng 6 đến 18 tháng 7 năm nay, cũng có một sự sụt giảm 0,97m tại điểm này.

Tại Viêng Chăn mực nước đang là 0,70m, thấp hơn 5,54m so với trung bình dài hạn cùng kỳ. Mức này thấp hơn khoảng 1,36m so với mức tối thiểu. Trong khoảng thời gian từ 16 tháng 6 đến 18 tháng 7, mực nước tại đây đã giảm 5,58m.

Nước ở Kratie, 9,31m, thấp hơn khoảng 5,40m so với mức trung bình dài hạn. Nhưng vẫn cao hơn khoảng 0,16m so với mức tối thiểu từng được ghi nhận. Trong khoảng thời gian từ ngày 10/6 đến 18/7, mực nước tại điểm này giảm 0,38m.

Mực nước và mức giảm tương đối nhanh và kéo dài từ tháng Sáu đến tháng Bảy năm 2019 là chưa từng có ở sông Mê Kông. Nhưng điều này không phản ánh sự suy thoái tự nhiên của dòng chảy theo mùa (trong giai đoạn này mực nước đáng nhẽ phải tăng dần).

Theo phân tích và thông tin có sẵn của Ủy ban sông Mê Kông (MRC), có một số yếu tố chính góp phần vào tình trạng này của lưu vực sông.

1. Có rất ít mưa trên lưu vực sông Mê Kông kể từ đầu năm nay. Ở vùng thượng nguồn của lưu vực dưới sông Mê Kông, Chiang Sean có lượng mưa thấp nhất trong tháng 6 này so với các khu vực khác ở hạ lưu. Lượng mưa trung bình tháng 6 ở đây chỉ bằng khoảng 67% tổng lượng mưa hàng tháng trong tháng 6 vào các năm 2006-2018.

Lượng mưa trung bình thấp hơn bình thường ở lưu vực hạ lưu sông Mê Kông trong tháng 6-7 cũng có thể gây ra tình trạng thiếu nước ngầm trong khu vực; có nghĩa là không đủ nước ngầm đóng góp vào dòng chính sông Mê Kông.

2. Lượng nước thấp từ phần trên của lưu vực, nơi sông Mê Kông được gọi là Lancang, cũng có thể đã đóng góp vào tình trạng mực nước. Theo thông báo từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 5/7 đến 19/7, đập Jinghong ở tỉnh Vân Nam sẽ sẽ giảm lưu lượng xả nước từ 1.050 – 1.250 mét khối mỗi giây (m3/s) xuống 504 – 600 m3/s để “bảo trì lưới điện”.

3. Bên cạnh đó, trong tháng 7 các khu vực phía Nam ASEAN khô hơn bình thường. Thái Lan, Lào và Myanmar là một số quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, theo Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành Châu Á (ASMC).

Nhưng tình trạng mực nước thấp hiện tại được dự đoán sẽ cải thiện vào cuối tháng này, với dự báo là sẽ có mưa. Theo ASMC, các điều kiện ẩm ướt hơn mức trung bình có thể phát sinh trên các phần của khu vực giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và tiểu vùng phía đông sông Mê Kông, bao gồm bốn quốc gia hạ lưu sông Mê Kông cộng với Myanmar.

Nguồn: Mekong River Commisssion