Sản xuất nông nghiệp đối diện với tình trạng hạn hán gia tăng

Hàng chục nghìn ha lúa và cây màu tiếp tục đối mặt với tình trạng hạn hán phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thậm chí có diện tích mất trắng.

Ruộng lúa khô nẻ ở huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Từ đầu vụ sản xuất Hè Thu, mùa 2019, ở khu vực Trung bộ, nắng nóng gần như liên tiếp xảy ra, cùng với đó là sự thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy nên một số tỉnh đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước.

Hàng chục nghìn ha lúa và cây màu tiếp tục đối mặt với tình trạng hạn hán phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thậm chí có diện tích mất trắng. Các đơn vị chức năng ngành nông nghiệp đang tích cực hướng dẫn các địa phương khắc phục tình trạng này.

Vụ Hè Thu 2019, khu vực Trung bộ cơ bản đã gieo cấy xong, gồm Bắc Trung bộ đạt 165.000/167.500ha lúa (98,5% kế hoạch), Nam Trung bộ 174.338/178.500ha lúa (đạt 97,7% kế hoạch).

Vụ mùa 2019, tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ diện tích đã gieo cấy đạt 132.000/158.500ha kế hoạch (đạt 83%), khu vực Nam Trung bộ chỉ mới thực hiện tại tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng với 37.900/46.500ha (đạt 81,5% kế hoạch).

Để phù hợp với tình hình nguồn nước, các địa phương đã chủ động điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu, Mùa. Điển hình, khu vực Bắc Trung bộ giảm so với năm 2018 khoảng 4.800ha, so với năm 2017 là 10.700ha; trong đó một số tỉnh có diện tích giảm lớn như Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

Khu vực Nam Trung bộ so với năm 2018 giảm khoảng 2.600ha, so với năm 2017 giảm 7.000ha; một số tỉnh có diện tích giảm lớn như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định.

Theo Tổng cục Thủy lợi, tổng lượng mưa từ đầu vụ Hè Thu 2019 đến nay thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ phổ biến từ 5-15%. Dung tích các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Trung bộ trung bình đạt phổ biến từ 33-56% dung tích thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 12%. Các hồ chứa khu vực Nam Trung bộ trung bình đạt phổ biến từ 38-57% dung tích thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 là 19%, cao hơn năm 2018 là 2%.

Hiện một số hồ chứa thủy điện thường xuyên bổ sung nước cho hạ du hiện có mức trữ thấp, không đảm bảo cung cấp cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp gồm Sông Tranh 2 (lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, bổ sung nước cho tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng) hiện đang dưới mực nước chết; hồ Ka Nak, sông Ba Hạ (lưu vực sông Ba, bổ sung nước cho tỉnh Bình Định) đang xấp xỉ mực nước chết; hồ Đại Ninh, hồ Hàm Thuận (lưu vực sông Lũy, La Ngà, bổ sung nước cho tỉnh Bình Thuận) hiện dung tích trữ đạt 1,1% và 10% dung tích thiết kế, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-22%.

Hồ thủy lợi A Lá, một trong những công trình trọng điểm của huyện A Lưới, cạn kiệt đến trơ đáy. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Tình trạng trên đang khiến 10.680ha ở Trung bộ đang bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Điển hình như Bình Định có 2.780ha; trong đó 2.670ha đang thực hiện các giải pháp chống hạn, khoảng 116ha canh tác ngoài vùng công trình thủy lợi đã bị chết; Phú Yên 3.236ha thiếu nước đang được tích cực chống hạn, 28ha mất trắng…

Hay tại Ninh Thuận, do không chủ động được nước tưới địa phương đang có hơn 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp phải ngưng sản xuất, thậm chí cũng không thể chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày hay dài ngày.

Ngoài ra, có khoảng 6.740ha diện tích phải điều chỉnh giảm diện tích sản xuất vụ Hè Thu so với kế hoạch do không đủ nước (Bình Thuận 6.000ha, Quảng Ngãi 740ha).

Theo dự báo nắng nóng sẽ tiếp tục, diện tích cây trồng có khả năng bị hạn hán, thiếu nước tưới trong vụ Hè Thu 2019 là khoảng 64.800ha. Địa phương dự kiến sẽ bị hạn hán nặng như: Quảng Nam 19.800ha, Quảng Ngãi 13.000ha, Bình Định 10.000ha, Phú Yên 5.000ha… chủ yếu là cây lúa và cây màu.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn. Các địa phương khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể cho từng vùng phục vụ của công trình thủy lợi.

Địa phương cần bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước, tránh việc mở rộng sản xuất vượt quá năng lực thiết kế công trình. Đặc biệt, địa phương không thực hiện gieo trồng vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới hoặc vùng phụ trách tưới của công trình thủy lợi nhưng nguồn nước không bảo đảm phục vụ tưới cho cả vụ sản xuất.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước tới người dân; vận động nhân dân trữ nước và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện xây dựng và thực hiện kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện hợp lý, bảo đảm ưu tiên nguồn nước cung cấp cho cả vụ Hè Thu, Mùa 2019.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt, những năm gần đây ngành luôn động viên, khuyến khích các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước. Trước tình hình nắng nóng có thể tiếp tục kéo dài, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tiến hành cơ cấu lại thời vụ, cơ cấu lại giống cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với diện tích lúa không thể cứu vãn được, địa phương chuyển sang trồng lúa Mùa, hoặc chuyển sang cây trồng khác như ngô, rau màu ngắn ngày. Các địa phương chủ động cung ứng hỗ trợ giống, kỹ thuật cho nông dân kịp thời chuyển đổi cho kịp mùa vụ.

Sau vụ Hè Thu này, Cục Trồng trọt sẽ định hướng và đề nghị các địa phương có đánh giá lại những diện tích thường xuyên ảnh hưởng, chuyển đổi sang cây ngắn ngày, chuyển đổi sang cây ăn quả, kết hợp tưới tiết kiệm. Việc chuyển đổi phải được xây dựng căn cơ thành vùng tập trung, tránh chuyển đổi tự phát không thành vùng hàng hóa.

Đối với các diện tích cây trồng vụ Mùa 2019 chưa xuống giống cần xem xét lùi thời vụ, kiên quyết không cấy cưỡng, ở những nơi không đủ nguồn nước cho hết vụ phải chuyển đổi sang cây trồng cạn hoặc dừng canh tác. Hạn chế gieo sạ, nhất là ở các vùng không chủ động nguồn nước.

Trước tình hình nắng nóng gay gắt và dự báo còn kéo dài, các địa phương kiểm soát chặt chẽ độ mặn ở vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn trước khi lấy nước, tổ chức đóng, mở các cống ở các cửa sông hợp lý để giữ ngọt, ngăn mặn; tranh thủ tích trữ nước vào các các ao đầm, kênh tưới, kênh tiêu.

Đối phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, nhiều địa phương đã chỉ đạo các đơn vị thuỷ nông hỗ trợ máy bơm lưu động, bơm hút nước từ hồ đập, kênh dẫn đưa về chân ruộng phục vụ tưới dưỡng lúa cho bà con; đồng thời triển khai thực hiện nạo vét kênh dẫn và kênh trữ nước để dâng nước cho các trạm bơm hoạt động.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương và công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh cấp nước tiết kiệm, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trước mắt cho người dân và sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh huy động toàn bộ nguồn lực, người dân và xã hội tổ chức ra quân làm thủy lợi, nạo vét các kênh mương, cửa sông để tích trụ nước; thực hiện lắp đặt các trạm bơm dã chiến để phục vụ tưới tiêu.