Ngao chết dày như đổ vỏ trấu ở Thái Bình: Nước sông bị “đầu độc”?

ThienNhien.Net – Hơn 1 tuần trở lại đây, hàng trăm ha ngao của người dân ở huyện Tiền Hải đã xảy ra hiện tượng chết hàng loạt. Trong khi các cơ quan chức năng “đổ” nguyên nhân do người dân nuôi thả với mật độ dày, thì người dân cho rằng nước sông Lân và Trà Lý bị ô nhiễm mới là lý do chính khiến ngao của họ liên tục chết.

Hai lần “đại tang” ngao

Trời nắng chang chang, trưa đã đứng bóng người, ấy thế mà ngoài bãi biển Đông Minh, Đông Hoàng, Nam Thịnh… (Tiền Hải) hàng trăm người vẫn cào bới, bưng bê; bì lớn, bao bé vứt ngổn ngang, chỗ thì chất thành đống cao như… núi. Tất cả đó là xác vỏ ngao chết, được người dân tập kết về đây.

Lội giữa bùn nước để ra chỗ người dân đang “vớt” ngao với mùi thối tanh nồng nặc, chúng tôi gặp ông Đoàn Văn Nhỡ đang cùng vợ con và gần 30 người đang cặm cụi cào bốc ngao chết.

Ngồi bần thần bên những bì vỏ ngao, ông Nhỡ than: “Nhà tôi nuôi 1ha ngao 2 năm tuổi. Ngao sắp thu hoạch bỗng “lăn” ra chết tất, ước tính mất khoảng 40 tấn ngao thịt, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Tôi phải thuê 30 người bốc cả tuần nay mà vẫn chưa hết, giờ ngao không khác nào vỏ trấu”.

Ngao chết dày như đổ vỏ trấu, người dân nơi đây cho rằng nguyên nhân chính là do nguồn nước ô nhiễm (Ảnh: Dân Việt)
Ngao chết dày như đổ vỏ trấu, người dân nơi đây cho rằng nguyên nhân chính là do nguồn nước ô nhiễm (Ảnh: Dân Việt)

Không riêng nhà ông Nhỡ, ở Tiền Hải hiện rất nhiều hộ cũng bị lâm vào cảnh tương tự. Trong đó, 2 hộ bị thiệt hại nặng nhất phải kể đến là ông Đặng Huy Thiêm và bà Đỗ Thị Đào, ở xóm 6, xã Đông Minh. Vừa kéo những bì vỏ ngao dồn lại, ông Thiêm cho biết gia đình ông có 16ha ngao, 100% đều bị chết, ước tính mất khoảng 500 tấn ngao thịt, thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng và khoảng 200 triệu tiền thuê người bốc vỏ ngao và cải tạo lại bãi.

“Ngao bắt đầu chết từ ngày 10.8, nhưng rộ nhất là từ 13 đến 15.8, hầu như toàn bộ ngao ở khu bãi này đều chết hết. Lúc đầu, cơ quan chuyên môn có xuống kiểm tra, nói nguyên nhân ngao chết do thời gian gần đây thời tiết nắng nóng, cộng với độ mặn tăng đột ngột.

Song chúng tôi cho rằng, độ mặn này mới chỉ làm cho con ngao yếu, còn nguyên nhân chính là nguồn nước từ sông Lân và Trà Lý đang bị ô nhiễm nghiêm trọng từ cống của các nước thải chưa qua xử lý trong huyện Tiền Hải xả thẳng ra”.

Theo ông Thiêm, hồi tháng 6.2014 tại Tiền Hải cũng đã xảy ra tình trạng ngao chết trên diện rộng, nhiều người đổ cho nuôi dày: “Nhưng nhiều hộ nuôi mật độ chỉ bằng nửa, thậm chí 1/3 như chúng tôi, vậy mà ngao vẫn chết.

Hay nếu bảo do nắng nóng, độ mặn cao, tại sao mạn ngoài lạch sông Lân, Trà Lý ngao lại không chết. Vùng này là lòng chảo, dưới sông Lân đổ lên, trên sông Trà Lý đổ xuống, nguồn nước ô nhiễm đọng lại thì ngao nào sống được” – ông Thiêm nhận định.

Cùng quan điểm với ông Thiêm, bà Đào cho biết, gia đình bà có tới 40ha ngao, trong đó 10ha nuôi ở bãi trong, còn lại nuôi ở bãi mạn ngoài sông Lân, Trà Lý: “Chỉ cách một cồn cát vài trăm mét, nhưng mạn cồn này thì ngao chết, còn mạn kia thì sống, chẳng cần xét nghiệm thì ai cũng biết ngao chết là do ô nhiễm nguồn nước” – bà Đào nói.

Chưa thiệt hại nặng?

Mặc dù hàng trăm ha ngao của người dân ở Tiền Hải đã bị chết, thiệt hại lên tới cả vài chục tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thái Bình, cụ thể là Sở NNPTNT, Sở Tài nguyên- Môi trường vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể cho người dân.

Trao đổi với NTNN, ông Vũ Trung Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh cho biết, ngay sau khi phát hiện ngao chết, xã đã làm báo cáo gửi huyện, tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa có một cán bộ ngành nông nghiệp – môi trường nào về hướng dẫn địa phương, người dân xử lý.

Ông Đặng Huy Thiêm: “Điều quan trọng nhất người dân cần lúc này là các ngành chức năng hướng dẫn để xử lý số vỏ ngao chết này, nhưng hiện chúng tôi đang bị… bỏ rơi. Nếu cả số vỏ ngao này người dân đều đem đổ xuống sông Lân, Trà Lý thì đây chắc chắn sẽ là một thảm họa môi trường. Ngoài việc gây ùn tắc lòng sông, nguồn nước ô nhiễm sẽ đổ trở lại biển đương nhiên là ngao sẽ tiếp tục chết”.

Còn ông Trần Minh Tiến – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiền Hải cho biết, phòng đã nắm được thông tin và đã cử cán bộ về kiểm tra.

Tuy nhiên, người dân thì lại khẳng định, đến nay vẫn chưa có một cơ quan chức năng nào xem xét, giải quyết tình trạng này.

Được biết, hiện Thái Bình có khoảng gần 5.000ha ngao, trong đó Tiền Hải có khoảng 1.700ha, tập trung chủ yếu ở xã Đông Minh, Đông Hoàng và Nam Thịnh, trong đó có khoảng 700 – 800ha, tỷ lệ ngao chết khoảng 80–90%, còn lại đa số chết từ 20–60%.

Trung bình 1ha đầu tư ngao khoảng 400 triệu đồng, trong đó đa số các hộ đều phải vay khoảng 70% vốn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Giang – Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết, sự thực hiện nay huyện cũng đang lúng túng trong việc xử lý các vỏ ngao.

“Biện pháp trước mắt là, chúng tôi đang làm tờ trình, đề nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ vay vốn sản xuất ngao” – ông Giang nói.

Đem các thắc mắc trên của người dân, cũng như địa phương hỏi ông Nguyễn Hữu Rong– Giám đốc Sở NNPTNT Thái Bình thì được ông cho rằng “tỷ lệ ngao chết này chưa đáng lo ngại!”.

Ông Rong cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đã cử đoàn đi cơ sở để kiểm tra, nhưng tình hình chưa đáng lo ngại như các anh nói và chúng tôi cũng chưa có cách nào để xử lý”.

Bên phía Sở TNMT Thái Bình cũng chỉ cho biết thông tin ngắn gọn là đã cử đoàn về kiểm tra và đang tìm biện pháp giải quyết.