Bài học đắt giá do buông lỏng quản lý rừng ở Bắc Cạn

Mặc dù tỉnh Bắc Cạn đã có nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo quyết liệt về bảo vệ rừng, tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý ở cấp cơ sở dẫn tới vẫn còn xảy ra các vụ phá rừng. Đặc biệt, có những vụ việc, cả cán bộ, đảng viên tham gia phá rừng gây bức xúc trong nhân dân.

Vụ chặt hạ nghiến ở huyện Bạch Thông là hết sức nghiêm trọng, để có gốc cây to như thế này phải mất hàng trăm năm sinh trưởng.

Cả thôn phá rừng

Công an huyện Bạch Thông đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, củng cố chứng cứ để khởi tố các bị can tham gia phá rừng nghiến trái phép trong tháng 6-2019. Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, tại khu rừng phòng hộ tự nhiên, giáp ranh giữa xã Sỹ Bình và Vũ Muộn (Bạch Thông) đã có 18 cây gỗ nghiến (nhóm IIA) với khối lượng 59,5m3 mới bị chặt hạ (trong đó, một cây ở xã Vũ Muộn, 17 cây ở xã Sỹ Bình) và 23 cây gỗ nghiến với khối lượng 40,1m3 đã bị chặt hạ từ lâu (trong đó, ba cây ở xã Vũ Muộn, 20 cây ở xã Sỹ Bình).

Tổng khối lượng gỗ bị chặt hạ trái phép là 99,6m3. Lực lượng chức năng còn phát hiện thêm hơn 120 thanh gỗ nghiến nằm rải rác ở khe, suối, bìa rừng.

Trưởng công an huyện Bạch Thông Trịnh Vũ Ngàn cho biết, trong 17 đối tượng có 15 người thuộc 11 hộ dân ở thôn Đâng Bun; hai đối tượng ở thôn Tân Lập, xã Vũ Muộn. Trong số 15 đối tượng ở thôn Đâng Bun tham gia phá rừng có ba người là đảng viên, trong đó, một đảng viên đang giữ chức vụ Trưởng thôn kiêm Công an viên và một đảng viên giữ chức Thôn đội trưởng. Ngoài ra, có hai đối tượng là con của Bí thư chi bộ thôn cũng tham gia phá rừng.

Như vậy, trưởng thôn, công an viên, đội trưởng thôn Đâng Bun đều tham gia phá rừng trái phép. Khó có thể nói Bí thư chi bộ thôn lại không biết hai con trai mình tham gia phá rừng. Thôn Đâng Bun chỉ có 20 hộ dân thì có tới 11 hộ tham gia phá rừng. Việc phá rừng thực hiện có tổ chức khi các đối tượng chỉ chặt hạ cây vào thời điểm sáng sớm và chiều tối, cắt cử người cảnh giới.

Nguyên nhân dẫn tới sự việc này là do buông lỏng công tác quản lý ở cấp cơ sở. Ông Triệu Văn Tuệ, phụ trách Trạm kiểm lâm Vũ Muộn thừa nhận, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn Vũ Muộn, Sỹ Bình vẫn tuần rừng nhưng chưa đến vị trí khu rừng có gỗ nghiến bị chặt hạ trong thời gian qua.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn Đinh Quang Cảm cho biết, chính quyền xã đã lơ là, chủ quan không thường xuyên nắm tình hình tại thôn. Bởi trước đó, thôn Đâng Bun đã hơn 10 năm đạt danh hiệu thôn văn hóa, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, xã rất tin tưởng cán bộ, cũng như nhân dân trong thôn. Cán bộ Đảng ủy xã được phân công theo dõi cũng chưa sâu sát, nắm chắc tư tưởng, thông tin từ thôn.

Tương tự, chính quyền xã Sỹ Bình và kiểm lâm viên phụ trách địa bàn cũng thiếu trách nhiệm, không sâu sát dẫn tới để dân thôn Đâng Bun sang phá rừng mà không biết.

Việc nắm thông tin, kiểm tra, tuần tra, phát hiện của lực lượng kiểm lâm, xã đã không kịp thời. Công an huyện phát hiện thông tin có phá rừng từ 15-5. Ngày 16-5, Công an huyện lập chuyên án đấu tranh, mỗi ngày cử ba tốp cán bộ luồn rừng từ Sỹ Bình ngược lên từ sáng sớm đến tối mịt để trinh sát, điều tra, khoanh vùng đối tượng.

Đến ngày 4-6, đủ điều kiện đã tiến hành bắt giữ đối tượng Dương Văn Tuệ chở gỗ khai thác trên rừng đi tiêu thụ.

Khi bắt đối tượng Tuệ, Công an huyện cũng đồng thời triệu tập ngay các đối tượng tham gia chặt phá rừng lên làm việc. Như vậy, sự việc diễn ra trong hơn một tháng nhưng kiểm lâm và chính quyền không hề hay biết.

Cần chấn chỉnh ngay

Hiện tại, rừng tự nhiên của Bắc Cạn khoảng 300 nghìn héc-ta trên tổng số 400 nghìn héc-ta đất có rừng, trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng chiếm phần lớn. Lực lượng kiểm lâm mỏng, đơn cử tại huyện Bạch Thông, trung bình mỗi kiểm lâm viên phụ trách hơn 2.000 ha rừng tự nhiên, trong đó, hơn 1.000 ha là rừng phòng hộ có gỗ quý hiếm. Chính vì vậy, quản lý rừng hiệu quả phải có sự tham gia của người dân, chính quyền cơ sở.

Thực tế, tại huyện Bạch Thông khi rừng phòng hộ tự nhiên được giao khoán thì số vụ việc cũng như tính chất, quy mô phá rừng rất thấp. Tuy nhiên, khi diện tích rừng này hết hạn giao khoán vào tháng 12-2018, đến tháng 6-2019, lập tức xảy ra vụ phá rừng nói trên. Theo Kiểm lâm Bắc Cạn, việc thực hiện các thủ tục giao khoán tiếp năm 2019 rất phức tạp, nhất là việc phải đấu thầu, dẫn tới đã hết nửa năm nhưng vẫn chưa giao khoán được cho dân.

Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Cạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết, chúng tôi chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan để xảy ra phá rừng. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Đơn vị sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục giao khoán rừng cho nhân dân bảo vệ. Đơn vị cũng kiến nghị UBND tỉnh sớm cho tuyển 40 vị trí kiểm lâm viên còn thiếu.

Hiện tại, có tình trạng một địa bàn vừa có kiểm lâm huyện vừa kiểm lâm vườn quốc gia, khu bảo tồn quản lý dẫn tới chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ quy định một địa bàn chỉ một lực lượng kiểm lâm, đặc biệt, những diện tích rừng tự nhiên có gỗ quý hiếm như nghiến, kể cả nằm ngoài vườn quốc gia, khu bảo tồn cũng nghiên cứu giao cho kiểm lâm vườn và khu bảo tồn quản lý, bảo vệ.

Bí thư Huyện ủy Bạch Thông Đồng Văn Lưu cho biết, tôi nhận trách nhiệm người đứng đầu đã để xảy ra phá rừng trên địa bàn. Chúng tôi đã giao, chỉ đạo xã tiếp tục làm công tác tư tưởng cho nhân dân các thôn nói chung và thôn Đâng Bun nói riêng. Đồng thời xem xét trách nhiệm, nghĩa vụ của các đảng viên trong thôn Đâng Bun, tiến hành củng cố, kiện toàn chi bộ thôn. UBND huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác hỗ trợ nhân dân thôn phát triển kinh tế, xã hội.

Thời gian qua, các thôn, bản có rừng tự nhiên đều ký cam kết không phá rừng nhưng vẫn có cá nhân, thôn vi phạm chính cam kết đã ký. Chấn chỉnh tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Lý Thái Hải yêu cầu, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền; bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên, không lơ là; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm; những vụ việc phá rừng tìm ra đối tượng, truy tố trước pháp luật tiến hành xét xử lưu động để làm gương.

Có thể nói, việc cán bộ, đảng viên tham gia phá rừng trái phép là một tiền lệ xấu ở Bắc Cạn. Nếu điều này tiếp tục tái diễn sẽ gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Bắc Cạn cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ người đảng viên, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có vi phạm.