Vụ “đục khoét sông Cạn”, UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo như thế nào với Thủ tướng?

ThienNhien.Net – Hoạt động nạo vét không đúng phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt; vi phạm hành chính về đất đai và hoạt động xây dựng; vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đó là sai phạm chủ yếu của doanh nghiệp được cấp phép nạo vét, tận thu cát vật liệu xây dựng thông thường xảy ra ở suối sông Cạn (đoạn qua xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, Khánh Hòa).

Cát sau khi nạo vét, tận thu từ sông được doanh nghiệp tập kết trên vườn dừa (Ảnh: Nhiệt Băng)

Đục khoét sông Cạn

Ông Đào Công Thiên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động khai thác cát làm sạt lở đất, gây ô nhiễm môi trường tại khu vực suối sông Cạn (xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh) mà báo Lao Động đã phản ánh (xem phóng sự “Đục khoét sông Cạn”, Lao Động ngày 29.5).

Sau khi bài viết trên đăng tải, ngày 1.6, Văn phòng Chính phủ có công văn số 5674, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra thông tin phản ánh của báo Lao Động.
Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho hay, trên cơ sở nhu cầu nạo vét, khơi thông suối Sông Cạn, phục vụ phát triển KT-XH địa phương, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép 4 đơn vị thực hiện nạo vét, thu hồi, vận chuyển khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) ra khỏi dự án, với tổng diện tích các khu vực là 14,99 ha, tổng khối lượng thông thường ra khỏi dự án làm VLXDTT nạo vét, thu hồi được là 115.010m3.

Cát nạo vét chất thành đống lớn giữa lòng sông, chờ chuyển đi tiêu thụ (Ảnh: Nhiệt Băng)

Cụ thể, Công ty TNHH Diệp Thế Kiệt – diện tích khu vực dự án 7.92ha, thời hạn thực hiện từ 2014 – 2015, được gia hạn thêm đến năm 2017, khối lượng cát nạo vét, thu hồi là 30.010m3; Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Cát Khánh – diện tích 1ha, thời hạn từ 2016 – 2018, khối lượng nạo vét, thu hồi được là 14 nghìn m3; Công ty CP Đầu tư và Phát triển thương mại dịch vụ Trung Hậu – diện tích 3,9ha, thời hạn từ 2015 – 2017; khối lượng nạo vét, thu hồi được 27 nghìn m3; Công ty TNHH TM-DV Đại Cát – diện tích 2,17ha, thời hạn từ năm 2015 – 2017, khối lượng cát nạo vét 15 nghìn m3.

Tất cả các doanh nghiệp này chỉ được khai thác trong 6 tháng mùa khô. Ông Thiên cho rằng, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo UBND TP Cam Ranh, Sở TNMT và các cơ quan chức năng liên quan giám sát các đơn vị nêu trên trong việc nạo vét, thu hồi, vận chuyển khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường.

Kết quả kiểm tra, Công ty Đại Cát vi phạm hành chính trong hoạt động nạo vét không đúng phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt; vi phạm hành chính về đất đai và hoạt động xây dựng; vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND TP Cam Ranh đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 175,5 triệu đồng.

Cũng tại văn bản này, ông Thiên cho rằng, qua đợt mưa lũ lớn cuối năm 2016, xuất hiện một số điểm sạt lở ở suối sông Cạn. Do vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP Cam Ranh đánh giá lại hiện trạng và nhu cầu khơi thông dòng chảy suối sông Cạn và đề xuất vị trí cần nạo vét trên cơ sở dự án “Khơi thông dòng suối sông Cạn” đã được UBND TP Cam Ranh phê duyệt.

Ông Thiên cũng chỉ đạo Sở TNMT và các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục giám sát, rà soát hoạt động nạo vét, thu hồi, vận chuyển khoáng sản cát làm VLXDTT tại khu vực này, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, yêu cầu khẩn trương khắc phục và tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép đã cấp đối với các trường hợp tiếp tục vi phạm, không khắc phục.

Dừa bật gốc, nằm chỏng chơ vì suối sông Cạn bị sạt lở. (Ảnh: Nhiệt Băng)

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung – Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) vừa ký văn bản trả lời báo Lao Động về tình hình khai thác cát tại sông Cạn (đoạn qua xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh). Theo đó, ông Trung cho rằng việc nạo vét của các doanh nghiệp được cấp phép trên đoạn sông này có ảnh hưởng ít nhiều đến hai bên bờ sông Cạn.
Khu vực Cty TNHH Thương mại dịch vụ và xây dựng Đại Cát được cấp phép đã bị sạt lở với tổng chiều dài 287m (do mưa lũ năm 2016), khu vực Cty CP Đầu tư và phát triển thương mại dịch vụ Trung Hậu sạt lở tại 2 vị trí với tổng chiều dài khoảng 1.000m.

Ông Trung cho rằng, các vị trí sạt lở này có trước khi UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép cho doanh nghiệp này nạo vét. Ý kiến này của ông Trung ngược với phản ánh của người dân lẫn chính quyền xã Cam Thịnh Đông là từ khi có hoạt động nạo vét lòng sông thì sạt lở mới xảy ra.

“Chúng tôi chỉ biết, họ càng hút, bờ sông, đất nông nghiệp của người dân càng sạt lở”, ông Bạch Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông – nói.

Theo ông Sửu, nói là giám sát việc khai thác cát của các doanh nghiệp, nhưng thực chất xã không có khoản chi nào để đi kiểm tra được việc đó. Ông Sửu cho rằng, không có nạo vét, tận thu cát thì nước sông Cạn vẫn thoát bình thường.